Thời trang đang tàn phá môi trường như thế nào?
Cảm giác khi mua thành công một món đồ ưng ý hay diện những bộ trang phục đẹp là trải nghiệm khó có thể cưỡng lại của các “tín đồ” thời trang. Tuy nhiên, việc chạy theo “mốt” mới nhất cũng gây ô nhiễm không kém xả khói bụi hay lãng phí điện năng, nhưng dễ bị bỏ qua hơn nhiều.
Tính đến năm 2019, ước tính ngành công nghiệp thời trang có giá trị lên tới 2,5 nghìn tỷ USD. Để có được quy mô và lợi nhuận khổng lồ như vậy, các nhãn hàng đã và đang chuyển sang mô hình “thời trang nhanh”, tung ra hàng loạt mẫu mới theo các bộ sưu tập, thường xuyên thay đổi và có giá rẻ. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong tâm lý của đại đa số khách hàng, dẫn đến thói quen mua sắm bị “trói buộc” theo mùa, các đợt giảm giá hay xu thế mới nhất.
Thế nhưng, đằng sau ngành công nghiệp này lại là một áp lực nặng nề lên môi trường. Để sản xuất ra các mẫu trang phục đẹp mắt ấy, may mặc đứng thứ nhì trong số tất cả ngành công nghiệp về tiêu tốn tài nguyên nước và gây ô nhiễm nguồn nước. Ước tính, để sản xuất một chiếc áo phông cần 2.700 lít nước sạch, tương đương lượng nước uống cho một người trưởng thành trong 900 ngày.
Đồ may mặc bị vứt bỏ trong một bãi rác. (Ảnh: New York Times) |
Tất cả loại vật liệu thường dùng trong may mặc đều gây tổn hại đến môi trường tự nhiên. Hai phần ba lượng sợi sử dụng trong dệt may là sợi tổng hợp, vốn có cùng họ với nhựa. Trong khi túi nylon và ống hút nhựa đang là “tâm điểm” của các phong trào bảo vệ môi trường, sợi tổng hợp lại nhận được sự chú ý ít hơn rất nhiều dù 85% lượng rác thải nhựa trôi nổi trên đại dương đến từ hạt và sợi vi nhựa từ đồ may mặc.
Những loại sợi tự nhiên như bông và len cũng đang gặp chỉ trích. Để đáp ứng nhu cầu, khoảng 70 triệu cây xanh bị chặt hạ hằng năm để lấy đất trồng bông hoặc sản xuất vải viscose. Nguồn nước bị ô nhiễm đến từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây bông và thuốc nhuộm trong quá trình dệt vải. Ước tính, thiệt hại về cây xanh sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Một nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thế giới cho biết, nếu không có sự kiểm soát, đến năm 2050, ngành may mặc sẽ tiêu tốn lượng tài nguyên gấp 3 lần năm 2000.
Với thói quen mua sắm hiện tại, phần lớn đồ may mặc trên thực tế không được mặc nhiều hoặc bị vứt bỏ chỉ sau một thời gian ngắn do hỏng, không vừa nữa hoặc “lỗi mốt”. Hầu hết quần áo bị vứt bỏ sẽ đi đến các bãi rác. Tuy nhiên, khi chôn lấp, vải nhuộm và sợi tổng hợp khó phân hủy không khác gì rác thải nhựa. Thiêu hủy quần áo lại càng thải ra môi trường các loại khí nhà kính, đóng góp vào quá trình biến đổi khí hậu do Trái đất ấm lên. Nếu xu hướng “mua nhiều nhưng dùng chẳng bao nhiêu” như vậy tiếp diễn, con người sẽ vẫn là “tội đồ” chính làm tổn hại môi trường sống của mình.
Thay vì mua theo xu thế và chất đầy tủ, con người có thể “ăn chắc, mặc bền”. Tái chế quần áo và đem đi làm từ thiện một cách hợp lý cũng là một cách được mọi tổ chức bảo vệ môi trường khuyến khích. Thậm chí, chỉ cần giảm việc giặt giũ cũng đã có thể tiết kiệm lượng nước đáng kể và giảm thải hóa chất. Theo quy luật “có cầu ắt có cung”, chỉ cần các “tín đồ” giảm nhu cầu mua sắm lại bằng các cách rất đơn giản là có thể giảm bớt lãng phí, từ đó bảo vệ môi trường.
Minh Trí