Chủ nhật, 24/11/2024 08:23 (GMT+7)
Thứ năm, 06/06/2019 19:17 (GMT+7)

Thống đốc giải trình về Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ

Theo dõi KTMT trên

Trả lời câu hỏi của ĐBQH, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: “Chúng ta không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có những chính sách về tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, lợi thế thương mại không công bằng”.

Tại phiên chất vấn sáng 6/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã trả lời câu hỏi về giải pháp của Chính phủ khi Việt Nam bị đưa vào danh sách cần giám sát của Bộ Tài chính Mỹ. Trước đó, ngày 29/5, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá với các nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Báo cáo này đề cập tới danh sách 9 nước cần theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam.

Thống đốc giải trình về Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ - Ảnh 1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Ông Lê Minh Hưng cho biết, có 3 tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo này, gồm thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỉ USD; thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và can thiệp ngoại hối một chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) chiếm 2% GDP.

Theo đó, Việt Nam thoả mãn 2 trên 3 tiêu chí là thặng dư thương mại và cán cân vãng lai; còn can thiệp ngoại hối một chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.

Ông Lê Minh Hưng khẳng định, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ kết luận, không có quốc gia nào trong danh sách 9 nước trên thao túng tiền tệ.

“Việt Nam đã khẳng định với phía Mỹ rằng chúng ta thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và chúng ta không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có những chính sách tiền tệ, tỷ giá, để tạo cạnh tranh, lợi thế thương mại không công bằng", Thống đốc nói.

Hơn nữa, theo ông Hưng, báo cáo của Mỹ cũng chỉ đưa ra những kiến nghị chính sách cho Chính phủ cũng như các bộ ngành của Việt Nam, trong đó có Ngân hàng Nhà nước. Những khuyến nghị này tương đồng với khuyến nghị mà IMF đã đưa ra và cũng nằm trong lộ trình chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi, cung cấp thêm thông tin cần thiết với phía Mỹ về vấn đề này.

Cũng tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi về vấn đề "chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang vào hồi quyết liệt, vậy hành động của Việt Nam như thế nào?".

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam, mà là mối quan tâm của cả thế giới. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một trong 4 đám mây bao phủ kinh tế thế giới; đã có dự báo nếu chiến tranh thương mại kéo dài sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,2%.

Do đó, về lâu dài, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tới Việt Nam.

Thống đốc giải trình về Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ - Ảnh 2
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Chính phủ đã lên kịch bản ngay từ khi cuộc chiến này bắt đầu nổ ra trong năm 2018, với các giải pháp như ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư...

Ông Minh nhận định: "Trong ngắn hạn, cuộc chiến thương mại này sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu, nhưng dài hạn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung một số mặt hàng xuất khẩu. Theo tính toán, GDP Việt Nam sẽ giảm 6.000 tỉ đồng trong 5 năm tới do tác động từ chiến tranh thương mại".

Bên cạnh đó, hiện đang xuất hiện xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do đó chính sách thu hút đầu tư cần có chọn lọc hơn, ưu tiên, đảm bảo công nghệ hiện đại, môi trường... Việt Nam cũng cần cảnh giác việc hàng hoá thông qua Việt Nam, rồi xuất khẩu sang các nước để né thuế.

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết Thống đốc giải trình về Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới