Chủ nhật, 24/11/2024 02:23 (GMT+7)
Thứ năm, 17/10/2024 11:52 (GMT+7)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xem xét giảm thêm lãi suất cho vay

Theo dõi KTMT trên

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để xem xét giảm thêm lãi suất cho vay.

Ngày 15/10/2024 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản số 8444/NHNN-VP yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ ngành Ngân hàng được giao tại Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ, lạm phát trong và ngoài nước để chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp nhằm đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo toàn hệ thống.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xem xét giảm thêm lãi suất cho vay - Ảnh 1
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác.

Trong đó, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, bám sát mục tiêu chí sách tiền tệ. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Cùng với đó, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.

Theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng và của cả hệ thống, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất các biện pháp điều phối hợp lý để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo dòng vốn hưởng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực chất, đúng quy định pháp luật; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hoá thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đây tiêu dùng hàng hoá trong nước sản xuất.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình và đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng: Chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, góp phần thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đổi tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (dự kiến quy mô triển khai Chương trình khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng).

Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch dữ liệu để đảm bảo 100% khách hàng cá nhân của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán được đối chiếu với thông tin sinh trắc học trong thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử theo quy định về hoạt động thanh toán.

Các tổ chức tín dụng được yêu cầu tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực chất, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Chủ động tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung và lĩnh vực cho vay đời sống, tiêu dùng hiệu quả, thực chất.

Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; tăng cường rà soát, áp dụng chuyển đổi số nhằm đơn giản hóa quy trình và thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hoá trong nước sản xuất. Tăng cường triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để xem xét giảm thêm lãi suất cho vay…

Bạn đang đọc bài viết Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xem xét giảm thêm lãi suất cho vay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới