Thư Hà Nội
Sáng nay chúng ta thức dậy, mọi thứ sẽ không còn như ngày hôm qua nữa. Thậm chí mới tối qua thôi, nhân dịp trời quang, nhiều thanh niên vẫn lên xe lượn vòng hồ Tây, làm cái kem hay cốc cà phê mạn đền Quán Thánh. Nhưng hôm nay, tuần này, thậm chí cả tháng này, thì sẽ không thế nữa.
Bạn sẽ cho Hồ Trúc Bạch vào danh sách đen (black list) đầu tiên. Sau đó là Hồ Tây. Sau nữa là phở cuốn phở chiên Ngũ Xã. Rồi cà phê Châu Long. Rồi bánh tôm, kem que đường Thanh Niên. Cứ thế mở rộng mãi ra theo vòng xoáy trôn ốc hướng ngoại.
Còn bạn, từ hôm nay bạn hướng nội. Ở nhà cho lành, phải không?
Đêm qua, chúng tôi thức rất muộn - đến mức đúng ra phải nói là "sáng nay" mới đúng - để đợi thông tin từ các cơ quan chức năng.
Người dân Hà Nội cần có một hướng dẫn để biết họ làm gì lúc này?
Chúng tôi nói với những người có chức năng của Bộ Y tế và Bộ Thông tin & Truyền thông. Câu trả lời là: "Không có hướng dẫn nào từ cơ quan nào lúc này tốt bằng những gì mà ta có thể suy nghĩ và hành động một cách logic".
Tôi cũng đã xin lời khuyên của các chuyên gia y tế. Tựu trung, cũng vẫn là những khuyến cáo mà chúng ta đã đọc, đã nghe suốt những ngày qua: rửa tay, hạn chế đến nơi đông người, tự cách ly và đeo khẩu trang khi thấy mình có dấu hiệu bất thường về hô hấp...
Thôi được, tôi sẽ làm theo gợi ý ở trên, "suy nghĩ và hành động một cách logic". Và vì thế, các bạn đừng xem những gì dưới đây là lời khuyên của chuyên gia nhé.
1/ Ở đâu thì an toàn?
Câu hỏi đầu tiên bật lên trong đầu, khi chúng ta biết ca nhiễm corona mới nhất là cùng thành phố, thậm chí cách mình chỉ chục phút đi xe.
Giờ tôi ở đâu thì an toàn?
Ở nhà. Đồng ý. Nhưng không có nghĩa tôi phải giam mình. Tôi đọc tin trên báo chí và những nguồn tin cậy để biết những khu vực nào bị cách li. Sau đó tôi tránh lai vãng đến khu vực đó.
Tôi vẫn ra đường, chọn những chỗ có không gian rộng, và tránh tối đa việc chạm vào đồ vật chung. Ví dụ muốn đi uống cà phê, tôi có thể cho cà phê vào bình giữ nhiệt mang theo. Sau đó đi dạo ở vỉa hè, dưới mấy tán cây sưa, và nhẩn nha uống. Nhưng từ hôm nay, với tư cách là một người sống trong vùng nhiễm dịch, tôi sẽ không di chuyển đến những địa phương khác.
2/ Tôi có cần tích trữ lương thực không?
Tình huống rất xấu, Hà Nội biến thành Vũ Hán, bị phong tỏa nội bất xuất ngoại bất nhập. Có thể chứ. Thì tích trữ nhu yếu phẩm là hợp lý.
Nhưng điều đó không diễn ra sau một đêm. Ngày hôm nay, rất nhiều người sẽ đổ xô đi mua sắm. Như thế là tập trung đông người, rủi ro lây nhiễm cao lên. Mà giá cả cũng sẽ vống lên, mọi người sẽ hoảng sợ.
Tôi mở thùng gạo - đủ ăn nửa tháng. Tôi mở tủ lạnh, ăn khéo thì được một tuần. Tôi kiểm đồ khô, bánh đa, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, bột cacao, hạt điều, kẹo lạc... đầy tủ. Thế là đủ. Một tuần nữa tôi sẽ đi chợ. À còn giấy vệ sinh, tôi có thể dùng vòi xịt mà.
3/ Tôi sắp hết khẩu trang rồi
Một bác sĩ BV Tai mũi họng đã tiết lộ rằng các bác sĩ ở nhiều bệnh viện đang không có khẩu trang y tế để dùng.
Vậy thì tôi dùng khẩu trang vải là được. Tôi phải cai dụi mắt, bỏ thói cắn móng tay, rửa tay và rửa tay thật nhiều. Rửa tay và tránh tiếp xúc gần - đó mới là chìa khóa cơ bản để phòng virus corona.
4/ Tôi xem tin tức ở đâu thì tin được?
Ồ thực ra tôi đã xem quá nhiều thông tin fake news trong những ngày qua ở trên mạng. Tôi quên mất rằng, thông tin trên báo chí rất ít sai lệch, vì họ phải chịu trách nhiệm trước Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin & Truyền thông.
Vậy thì tôi cứ đọc những trang có tên tuổi từ lâu. VnExpress; Vietnamnet; Dân Trí; Quân đội nhân dân; Tiền Phong; Zing, Ngày Nay... Ngoài ra nghe VOV và xem thời sự VTV1. Thông tin ở các nguồn ấy dù nhiều khi vẫn sai, vẫn lỗi, lại chậm hơn Facebook, nhưng cơ bản nó an toàn, không phét lác bịa đặt kiếm fame như mấy ông Facebook.
5/ Tôi nên uống thuốc bổ với thuốc cảm không?
Có. Và không. Tôi sẽ uống vitamin, nhất là những loại tăng đề kháng như C, B1... Tôi sẽ duy trì tập thể dục. Chạy ở nơi quang đãng rộng rãi là lựa chọn rất tốt lúc này. Tôi khỏe thì tôi sẵn sàng đối mặt với virus corona hơn là tôi yếu oặt đi vì sợ nó.
6/ Tôi cần bảo vệ ai nhất?
Người già. Thống kê cho thấy người già tử vong vì virus corona nhiều nhất. Số ca trẻ em tử vong vì corona rất ít. Tôi cũng cần cẩn trọng vì đã bước vào tuổi trung niên. Nếu tôi còn trẻ, cũng không vì thế mà tôi bất chấp các biện pháp an toàn. Cô Nhung "xách tay" corona từ Ý về, năm nay 26 tuổi.
7/ Tôi có thể tin ai?
Tôi tin ở chính phủ và các bộ ngành. Họ đã làm hết sức, và ca nhiễm Covid-19 thứ 17 là một cú đấm quá đau từ ý thức kém của một cá nhân. Tôi tin ở đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, họ có tài và có tâm.
Tôi tin ở lực lượng quân đội và an ninh, họ làm đúng chức phận vì đảm bảo an toàn cho tôi và cộng đồng.
Tôi tin ở các con số được công bố, không có cái gọi là "giấu dịch" (qua vụ "Nhung Italy" càng thấy rõ là giấu sao nổi), không có tỉ lệ nhiễm bị ỉm đi.
Và tôi tin ở bản thân, cùng người thân của tôi, những người đang sống ở Hà Nội.
Tôi tin, với sự bình tĩnh và ý thức, Hà Nội sẽ giảm thiểu thiệt hại của biến cố virus corona mới này xuống mức thấp nhất.
Phan Gia Hiền