Chủ nhật, 24/11/2024 06:16 (GMT+7)
Thứ tư, 17/08/2022 06:44 (GMT+7)

Thu hút nguồn lực vốn cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Nhiều giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực cho Việt Nam nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 đã được đưa ra...

Để đạt mục tiêu giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26, Việt Nam cần huy động được các nguồn lực trong nước và quốc tế.

Thông điệp trên được đưa ra tại hội nghị thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 16/8.

Thu hút nguồn lực vốn cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững - Ảnh 1
Để đạt mục tiêu giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26, Việt Nam cần huy động được các nguồn lực trong nước và quốc tế. (Ảnh minh họa)

Theo cáo báo của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/6, dư nợ tín dụng cho các dự án xanh đạt khoảng 474.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng trên 7% so với cùng kỳ, nhưng còn khá khiêm tốn, mới chiếm khoảng 4,1% dư nợ toàn nền kinh tế.

Vì vậy, các diễn giả luôn nhấn mạnh tới việc cần phải huy động thêm nguồn lực tài trợ cho các dự án xanh, chống biến đổi khí hậu, đặc biệt với các dự án về năng lượng và nông nghiệp xanh.

"Về tín dụng xanh, năng lượng tái tạo đã chiếm 47% trong tổng số tín dụng xanh. Ngoài nhu cầu về tín dụng xanh cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là rất lớn, ngành ngân hàng cần huy động nguồn lực lớn từ bên ngoài, từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan phát triển đa phương và song phương", ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh tới việc Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nếu Việt Nam không làm gì, thì chi phí cho biến đổi khí hậu có thể khiến tăng trưởng GDP giảm từ 12-14,5% vào 2050. Do đó, việc cần làm lúc này là tạo khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho thúc đẩy các dự án xanh.

Tăng hợp tác quốc tế để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh

Trước đó thông tin cho biết, theo cam kết đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% phát thải, nếu có sự hỗ trợ của quốc tế mức giảm sẽ lên 27%.

Với việc tìm kiếm các nguồn lực quốc tế cũng được xem là giải pháp để Việt Nam hiện thực hoá các mục tiêu xanh đã cam kết. Đầu năm nay, một khoản đầu tư chung trị giá 3,5 triệu Euro giữa Tetra Pak - một đơn vị cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm từ Thuỵ Điển và Công ty Giấy bao bì Đồng Tiến của Việt Nam đã được công bố. Doanh nghiệp khẳng định, vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các đối tác tái chế tại Việt Nam.

Không chỉ trong lĩnh vực tái chế, hàng tiêu dùng, với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam từ COP26, Thuỵ Điển cho biết có thể hỗ trợ Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Điển hình như trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là nâng cấp hệ thống truyền tải điện, hay công nghệ số, số hóa tất cả các lĩnh vực trong sản xuất và đời sống.

Bà Mawe - Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao những cam kết mà Việt Nam đưa ra tại COP26. Rất nhiều công ty của Thuỵ Điển sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. Trong đích đến là phát triển bền vững, Việt Nam có lợi thế của người đi sau với các mục tiêu rõ ràng. Việc hợp tác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi ở tầm quốc tế sẽ tạo cơ hội để chúng ta có được lựa chọn giải pháp và chiến lược tối ưu với các mục tiêu cụ thể của nền kinh tế Việt Nam".

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Thu hút nguồn lực vốn cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới