Thủ tướng: Người lao động và người phụ thuộc cần có 'lưới' an sinh
Thủ tướng nhấn mạnh, cần mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội để tất cả người lao động và những người phụ thuộc cần phải có "lưới" an sinh.
Sáng 15/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28 của Trung ương về Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ ngành tại Hà Nội, lãnh đạo các địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến. |
Cách đây 25 năm, năm 1995, Chính phủ đã quyết định thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức Bảo hiểm xã hội ở Trung ương và địa phương. Sau 25 năm, hiện Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm xã hộiđang đóng vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta.
Tính đến hết năm 2019, số người tham gia Bảo hiểm xã hội là gần 15,8 triệu người, chiếm trên 32% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc với 574.000 người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là trên 13,4 triệu người, chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đặc biệt, số người tham gia Bảo hiểm y tế là gần 86 triệu người (đạt tỉ lệ bao phủ 90% dân số), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân. Tính đến cuối năm 2019, tổng số thu Bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt gần 242.000 tỉ đồng; thu Bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 2.400 tỉ đồng; thu Bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 17.400 tỉ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong suốt 25 năm qua đã nỗ lực tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nhấn mạnh thành công của Việt Nam là cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, Thủ tướng cho biết, một số quốc gia phát triển trên thế giới phải mất từ 40 đến 80 năm để đạt mục tiêu này.
Thủ tướng đánh giá cao Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, tỉ lệ chi từ nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội ngày càng tăng; tỉ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho bảo hiểm xã hội ngày càng giảm. Cùng với cải cách hành chính, Bảo hiểm xã hội đã xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã bảo hiểm xã hội cho 97 triệu dân, góp phần quan trọng vào xây dựng chính phủ số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn xã hội…
Nhấn mạnh chăm lo đời sống, sức khỏe và sự thịnh vượng, ấm no của người dân là sự nghiệp lâu dài của Đảng và Nhà nước ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mục tiêu xuyên suốt là phải có một hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tạo ra một mạng lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp, bảo vệ cho tất cả thành viên cộng đồng xã hội.
"Chúng ta đang phát triển kinh tế, làm hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ... nhưng cái đích cuối cùng là lo cho đời sống của người dân, lo an sinh cho người dân. Điều này phải được quán triệt để mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự nghiệp cách mạng do Đảng và Nhà nước lãnh đạo, quản lý phát triển. Để trở thành “lưới an sinh xã hội” trọng yếu gắn với mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, thì độ bao phủ của bảo hiểm xã hội phải rộng khắp hơn. Hay cụ thể hơn là tất cả người lao động và những người phụ thuộc cần phải có lưới an sinh. Với chưa đến 1/3 số người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội hiện nay thì cái đích đến cũng còn xa. Do vậy, những nỗ lực cần phải cao hơn" - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Theo đó, Thủ tướng nhắc lại chỉ tiêu của Nghị quyết 28 của Trung ương đó là tỉ lệ bao phủ Bảo hiểm xã hội 35% vào cuối năm 2021 và tỉ lệ bao phủ 45% vào cuối năm 2025, bảo hiểm thất nghiệp 28% vào năm 2021 và 35% vào năm 2025 trong độ tuổi lao động.
Để thực hiện các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội phải có giải pháp mới, sáng tạo và khắc phục những tồn tại, hạn chế. Theo đó, hệ thống chính sách pháp luật phải được thường xuyên đổi mới, cập nhật cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; cần ứng dụng công nghệ số để quản lý thống nhất, nâng cao tính hiệu quả và giảm chi phí bộ máy; giảm mạnh thời gian đóng Bảo hiểm xã hội; triệt để xử lý tình trạng trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế, trốn đóng Bảo hiểm xã hội; nâng cao công tác phối hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan chức năng khác...
Thủ tướng cũng nêu thách thức, đó là công cụ phát triển xã hội hiện nay được thực hiện trong bối cảnh không ít khó khăn. Theo đó, kinh tế trong nước còn khó khăn, nguồn lực Nhà nước còn hạn hẹp; thu nhập của nhiều người dân còn thấp và chưa ổn định; tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức ở mức cao; việc điều chỉnh một số chế độ Bảo hiểm xã hội qua nhiều giai đoạn tạo ra những bất hợp lý nhất định; áp lực của già hóa dân số đối với hệ thống còn rất lớn, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhanh về cơ cấu lao động và quan hệ lao động.
Lấy ví dụ cụ thể trước tình hình dịch của Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, Thủ tướng nhấn mạnh tới vai trò của Bảo hiểm y tế. Thực tế là cho dù gần như toàn bộ người dân đã có Bảo hiểm y tế nhưng diện bao phủ dịch vụ còn thấp với mức chi phí trả còn khá hạn chế.
Trong khi đó, ngoài việc người dân được tiêm phòng cúm hàng năm nhưng Bảo hiểm y tế hiện tại lại gần như chưa có khả năng trang trải những chi phí dạng này. Đây là điều Thủ tướng cho rằng Bảo hiểm xã hội cần phải quan tâm.
Thủ tướng lưu ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính đang quản lý hơn 30 công ty kinh doanh bảo hiểm, lợi nhuận rất lớn. Các công ty này chỉ báo cáo kết quả lên Bộ Tài chính trên phương diện tài chính mà không báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối tượng mua Bảo hiểm y tế. Việc này phải khắc phục bởi vấn đề không chỉ là lợi nhuận của các hãng bảo hiểm, mà còn là kết quả đóng góp vào an sinh xã hội.
"Những công ty bảo hiểm này đóng góp gì trong tình hình dịch Covid-19, hay quản lý Nhà nước của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với những công ty kinh doanh bảo hiểm này như thế nào? Các ngành tài chính, ngành y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có phối hợp để sức mạnh của chúng ta tốt hơn, nhất là đã phủ Bảo hiểm y tế toàn dân" - Thủ tướng lưu ý.
Trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Bảo hiểm xã hội phải là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội nước ta. Cùng với đó là phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Nêu rõ, mọi thành công đều bắt đầu từ một tầm nhìn đúng, Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại, hiệu quả, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, bảo đảm tất cả mọi người đều có lưới an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông trong thực thi chính sách an sinh xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân.
Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh. |
Thủ tướng cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, thống nhất, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm công bằng, bền vững, bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tiếp tục mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành; liên thông giải quyết thủ tục hành chính trên Trục dữ liệu Quốc gia, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử.
Vũ Dũng