Thủ tướng: Xử lý nghiêm cán bộ lợi dụng quyền lực để nhũng nhiễu
Tiếp xúc cử tri Hải Phòng, nhắc tới vụ việc liên quan cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng vừa qua, Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu tất cả cán bộ thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán phải thực hiện nghiêm quy định, công khai hóa, có sự giám sát của nhân dân, áp dụng công nghệ để chống hành vi lợi dụng quyền lực nhằm nhũng nhiễu, tiêu cực.
Sáng 16/6, tiếp xúc cử tri tại huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm như ban hành văn bản hướng dẫn luật, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực như vụ việc cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng vừa qua, về một số dự án cụ thể của địa phương.
Mở đầu cuộc tiếp xúc, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa đã báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp 7 Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc chiều 14/6. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 7 Luật, trong đó có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, một trong những vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm nhiều thời gian qua. Có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, Luật có quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu, bia.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đánh giá cao kết quả kỳ họp và sự “thay da đổi thịt” của Hải Phòng, của đất nước, cử tri Hải Phòng đã nêu ra nhiều vấn đề được quan tâm. Theo cử tri Đinh Thế Hòa, cần tránh tình trạng luật đã ban hành nhưng phải chờ các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó đưa những luật mà Quốc hội vừa ban hành như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhanh chóng đi vào cuộc sống. Cử tri lấy ví dụ về trường hợp Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2019, có giao Chính phủ quy định chi tiết về công an xã chính quy nhưng đến nay chưa có Nghị định thực hiện cụ thể, gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ sở.
Cùng quan điểm, cử tri Nguyễn Văn Sinh mong muốn Thủ tướng thông tin thêm về những đổi mới, các nội dung tập trung chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian tới.
Nhất trí ý kiến của cử tri, Thủ tướng cho rằng, luật được ban hành nhiều nhưng còn một số văn bản hướng dẫn chậm. Thủ tướng cho biết, sẽ thúc đẩy ngành Công an, các bộ, ngành có liên quan để ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Công an nhân dân. Đất nước có phát triển hay không thì cần tháo gỡ các nút thắt, trong đó có thể chế, chính sách, pháp luật.
Muốn đổi mới điều hành thì chính sách, cách làm của chúng ta không được quan liêu, “phải sát dân, sát cơ sở, chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh”, Thủ tướng nói. “Anh làm chính sách phải sát với người dân, với cơ sở, chứ không phải làm chính sách trên trời”. Cùng với đó, cán bộ cần nêu gương.
“Đất nước mình còn nghèo, nhân dân còn khó khăn, còn nhiều bất cập trong quản lý, điều hành. Chúng ta cần khắc phục tốt, làm sao đổi mới, phát triển bứt phá”, Thủ tướng phát biểu.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đề cập đến Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Thủ tướng cho biết, Quốc hội đã thảo luận dân chủ, trách nhiệm, thống nhất cao về quy định đã uống rượu bia thì không được lái xe, để bảo vệ tính mạng nhân dân. Điều này thể hiện trách nhiệm của Chính phủ khi trình luật.
Là cử tri trẻ tuổi, đại diện cho thanh niên, chị Nguyễn Thị Mai bày tỏ, hơn hai năm qua, các nghị quyết đầu tiên của Chính phủ được ban hành trong năm đều nhằm thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và xử lý vi phạm trong bộ máy hành chính.
“Tuy nhiên, như Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra về những bất cập, hạn chế trong công tác cải cách hành chính là có tình trạng triển khai nhiều nội dung cải cách chưa quyết liệt, chưa đồng bộ; còn xảy ra tình trạng trục trặc, đùn đẩy sợ trách nhiệm. Một bộ phận cán bộ thái độ phục vụ, nhất là cán bộ tiếp xúc với dân, còn bất cập, chưa tận tụy và thuyết phục. Thủ tục hành chính còn rườm rà trong một số lĩnh vực, gây nhũng nhiễu và tham nhũng vặt”, chị Nguyễn Thị Mai nói và cho biết, “thế hệ trẻ mong muốn được Thủ tướng thông tin rõ hơn về những chỉ đạo và hành động của Chính phủ về những nội dung phát triển công nghệ 4.0 gắn với thực hiện cải cách hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế”.
Thủ tướng nêu rõ, cải cách hành chính phải gắn với mục tiêu phát triển và “anh phát triển, cải cách, đổi mới nhưng để làm gì, là để phục vụ người dân”. Đổi mới cách tiếp xúc với nhân dân cũng rất cần thiết. “Tôi từng nói không được xuất hiện lớp lý trưởng mới ở nông thôn, cán bộ phải sát dân hơn, hiểu dân hơn, lắng nghe dân hơn”. Cần tăng cường đối thoại với nhân dân để giải quyết, giải đáp, hướng dẫn cho người dân.
Về chống tham nhũng vặt, Thủ tướng cho biết đã có chỉ thị, đã tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này. “Vừa rồi, khi một số cán bộ của Bộ Xây dựng xuống làm việc tại Vĩnh Phúc có vi phạm, chúng tôi yêu cầu phải xử lý nghiêm”, Thủ tướng lấy ví dụ. Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu tất cả cán bộ thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán, những cán bộ có quyền lực trong vấn đề phòng chống tham nhũng phải thực hiện nghiêm quy định, phải công khai hóa, có sự giám sát của nhân dân, áp dụng công nghệ để chống hành vi lợi dụng quyền lực nhằm nhũng nhiễu, tiêu cực.
Cử tri cũng phản ánh tình trạng thông tin không đúng trên mạng xã hội, chứa đựng nhiều nội dung xấu, thậm chí phản động… gây ảnh hưởng tiêu cực. Đây là vấn đề bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Cử tri đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp hơn nữa để ngăn chặn có hiệu quả, tạo niềm tin trong nhân dân.
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng cho rằng, trên mạng xã hội đưa nhiều thông tin sai lệch, bôi nhọ, vu khống, tin giả. Chính phủ có một số chủ trương, biện pháp để ngăn ngừa tác hại, mặt trái của mạng xã hội, những mặt trái này khiến một bộ phận nhân nhân, nhất là lớp trẻ, mất niềm tin. Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh giáo dục trong gia đình, xã hội, trong thanh niên để có nhận thức tốt hơn, phân biệt được đúng sai, phản bác tin xấu độc.
Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri cũng nêu nhiều vấn đề, nguyện vọng liên quan đến sự phát triển của “thành phố cảng”.
Cử tri Lương Văn Minh đề nghị Chính phủ sớm có chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cử tri Nguyễn Văn Hoàn kiến nghị mở rộng cảng hàng không quốc tế Cát Bi mặc dù mới đưa vào khai thác nhưng đã có dấu hiệu quá tải. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu, khảo sát tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cử tri Phạm Tuấn Ngọc phản ánh hiện nay tuyến đường 17B đã xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nặng, đặc biệt là đoạn đi qua thị trấn An Dương gây nguy hiểm, mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này. “Chúng tôi được biết thành phố đã có đề xuất, kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải có dự án triển khai mở rộng và nâng cấp đường 17B. Song đến nay chưa được thực hiện“, cử tri nêu và đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành sớm triển khai thực hiện cải tạo nâng cấp tuyến quốc lộ 17B.
Thủ tướng cho biết, Hải Phòng còn nhiều bất cập trong hệ thống hạ tầng, cần cố gắng tập trung đầu tư để hệ thống hạ tầng tốt hơn, gồm cả đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không. Nhất trí cho rằng cần thiết làm đường liên vùng, các tuyến giao thông mà cử tri nêu, Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc, “chỗ nào người dân hưởng lợi nhiều nhất thì chúng ta phải đầu tư”.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 45 và hy vọng đến kỳ họp tới tiếp xúc cử tri Hải Phòng, Chính phủ đã hoàn thành nhiệm vụ này, đóng góp cho Hải Phòng vươn lên phát triển trong giai đoạn mới.
Về tuyến đường 17B, Thủ tướng giao thành phố xem xét cụ thể kiến nghị này. “Một số tuyến đường ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của bà con thì Trung ương, Hải Phòng quan tâm giải quyết cho bà con”.
Cử tri Bùi Thế Long, đại diện Khu công nghiệp Tràng Duệ phản ánh, Khu công nghiệp đã thu hút 3 dự án đầu tư của Tập đoàn LG, quy mô mỗi dự án trên 1 tỷ USD, kéo theo hơn 40 công ty vệ tinh đầu tư, tạo thành một chuỗi sản xuất cung ứng gần khép kín và nâng tổng vốn đầu tư trong KCN Tràng Duệ lên gần 6 tỷ USD. Suất đầu tư tại khu công nghiệp đạt trên 23 triệu USD/1 ha, “có thể nói là mật độ công nghệ và suất đầu tư cao nhất ở trên cả nước, cao hơn nhiều so với chính khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh”, cử tri bày tỏ và kiến nghị thành phố, Chính phủ tiếp tục cho phép mở rộng khu kinh tế, hình thành KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 với quy mô khoảng 600 ha.
Thủ tướng vui mừng khi Hải Phòng đã lấp đầy khu công nghiệp Tràng Duệ và cho rằng, việc mở rộng là cần thiết để thu hút công nghệ cao, công nghiệp chế tạo. Thủ tướng giao cho Thành phố kiểm tra, xem lại quy hoạch để thống nhất việc điều chỉnh diện tích theo đúng quy định. “Hồi trước làm nhà máy rải rác chỗ này, chỗ khác, giờ không cho phép làm thế, tất cả nhà máy phải vào khu công nghiệp tập trung để xử lý tốt môi trường, ảnh hưởng đến môi trường thì không cho sản xuất”, Thủ tướng nói thêm.
Tại cuộc tiếp xúc, Thủ tướng cũng giải đáp cụ thể các vấn đề cử tri quan tâm về an ninh lương lực, văn hóa làng xã, phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng cũng thông báo với cử tri về tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của Hải Phòng với nhiều điểm đáng mừng như Việt Nam vừa trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 hay Hải Phòng vừa có sự kiện quan trọng là khánh thành nhà máy ô tô mang thương hiệu Việt Nam.
Theo Chinhphu.vn