Chủ nhật, 24/11/2024 08:05 (GMT+7)
    Thứ ba, 25/05/2021 07:33 (GMT+7)

    'Thư viện xanh' trong trường học

    Theo dõi KTMT trên

    Xây dựng "Thư viện xanh" ở các khu trường lẻ, đưa sách đến thôn, bản vùng sâu, vùng xa ở xã Thanh Xuân, huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) đã và đang phục vụ nhu cầu tiếp thu tri thức, nhân thêm niềm đam mê đọc sách trong học sinh các dân tộc thiểu số.

    'Thư viện xanh' trong trường học - Ảnh 1
    Thầy và trò Trường tiểu học Thanh Xuân trong buổi ngoại khóa ở Thư viện xanh.

    Trường tiểu học xã Thanh Xuân có điểm chính nằm bên quốc lộ 15A, nhưng trường có ba điểm lẻ ở các thôn, bản, cách trở bởi sông Mã cùng các dãy núi cao. Trong đó, có điểm trường Giá cách trường chính tới 12 km, giao thông đi lại khó khăn. Cơ sở vật chất ở các điểm trường lẻ còn thiếu thốn, học sinh ít được giao lưu học hỏi, giáo viên chưa dạy đầy đủ các môn học vì phải dạy tăng cường thêm tiếng Việt.

    Qua khảo sát chất lượng học tập, tỉ lệ học sinh ở các khu lẻ chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn Toán là 22,6%, môn tiếng Việt tới 25,6% số lượng học sinh. Trăn trở tìm hướng nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học, trên cơ sở tham khảo thông tin, tham quan mô hình thực tiễn, Chi ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, tập thể giáo viên đề xuất ý tưởng, sáng kiến với Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng mô hình "Thư viện xanh" trong khuôn viên trường học. Chính quyền cơ sở ủng hộ sáng kiến, trợ giúp vật chất; Các cán bộ, giáo viên chung tay, góp sức và nhà trường huy động thêm các nguồn lực trong xã hội, triển khai xây dựng.

    Tháng 10/2019, "Thư viện xanh" ở ba điểm trường lẻ hoàn thành, mỗi nơi có diện tích sử dụng 30-70 m2, được bố trí ở vị trí thuận lợi, thân thiện môi trường, không gian mở, sáng, mát, tận dụng tán cây xanh, kết nối với đường hoa, đơn nguyên lớp học, công trình chức năng, trở thành điểm đến thường xuyên của học sinh, phụ huynh, người dân các thôn, bản. Giáo viên khu lẻ kiêm nhiệm công tác thư viện, bạn đọc là cộng tác viên trong quản lý, vận hành phòng đọc, cùng quán triệt ý thức, trách nhiệm bảo quản, sử dụng sách. Học sinh không phải làm thẻ, thủ tục liên quan vẫn được đến thư viện chọn, đọc sách trước, sau buổi học, giờ ra chơi, lúc đợi phụ huynh đến đón.

    Thư viện trường chính có khoảng 3.000 đầu sách được luân chuyển đến các "thư viện xanh" ở các điểm lẻ phục vụ việc đọc, tìm hiểu kiến thức của học sinh, phụ huynh, người dân thôn, bản. Hiệu trưởng Ðặng Xuân Viên cho biết: Ðây là một không gian học tập mở, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thông tin, xây dựng thói quen đọc sách. Thư viện tạo điều kiện cho học sinh sử dụng sách linh hoạt, hiệu quả, tích cực tham gia các hoạt động học tập mọi lúc, mọi nơi; Góp phần phát triển mối quan hệ thân ái, cởi mở, tích cực giữa các đối tượng đến thư viện.

    Theo cô giáo Trần Thị Bích, Trường tiểu học Thanh Xuân, xây dựng "Thư viện xanh", đưa sách về bản mở ra điều kiện thuận lợi, cơ hội tiếp cận tri thức nhân loại, khơi dậy thói quen đọc sách, thiết thực trợ giúp nâng cao kỹ năng sử dụng, thực hành tiếng Việt cho học sinh. Sau hai năm duy trì hoạt động, thu hút đông học sinh đến "Thư viện xanh", trình độ, kỹ năng viết, nói, đọc tiếng Việt của học sinh tại các điểm trường lẻ nâng lên rõ rệt; Học sinh mạnh dạn tham gia, bày tỏ chính kiến trong các tiết học chính khóa, ngoại khóa.

    Trường tiểu học xã Thanh Xuân có gần 300 học sinh theo học ở 17 lớp, trong đó có 176 học sinh học tập ở ba điểm trường lẻ. Hơn 20 giáo viên bộ môn luôn yêu nghề, mến trẻ, tận tụy với công việc, trách nhiệm với học sinh, tự nguyện giảng dạy không thu phí hai buổi/tuần nhằm phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Nhà trường dạy đủ chương trình chính khóa và sắp xếp, bố trí mỗi tuần một tiết ngoại khóa, thậm chí cả buổi cho học sinh đến thư viện đọc sách, chơi cờ, giải toán đố vui. Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên phụ trách các điểm trường lẻ thường tổ chức thi đọc sách, vẽ tranh, kể chuyện trên lớp, tổ chức cho học sinh kể chuyện dưới cờ vào thứ hai hằng tuần. Theo đó, từ các câu chuyện hay, gương người tốt, việc tốt, thiếu niên anh dũng trong kháng chiến đến những việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn của các cá nhân trong cuộc sống hôm nay được học sinh đọc, hiểu, nắm bắt, tổng hợp, thể hiện dưới cờ, góp phần rèn luyện tâm lý, kỹ năng diễn thuyết trước đông người cho học sinh.

    Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Quan Hóa Lò Ðức Liêm cho biết: Thư viện xanh cùng các hoạt động thiết thực, tích cực, góp phần hoàn thiện vững chắc năm tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia, gắn xây dựng trường chuẩn quốc gia với xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Xây dựng "Thư viện xanh" phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, cán bộ trong hệ thống chính trị, sự năng động, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, chung tay của cộng đồng xã hội cùng tham gia, có việc làm thiết thực chăm lo sự nghiệp trồng người. Mô hình này đang được học tập, từng bước nhân rộng ở các trường học thuộc huyện Quan Hóa.

    Mai Luận

    Bạn đang đọc bài viết 'Thư viện xanh' trong trường học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới