Chủ nhật, 24/11/2024 09:43 (GMT+7)
Thứ ba, 31/08/2021 14:45 (GMT+7)

Khuyến khích doanh nghiệp tái chế để hình thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững

Theo dõi KTMT trên

Khuyến khích các doanh nghiệp tái chế để hình thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững là nội dung mới trong Dự thảo Nghị định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, đang được lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện.

Bộ TN&MT vừa tổ chức Hội thảo để tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các chuyên gia góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, Tổng cục đã nhận được văn bản góp ý của 32 tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp cho Dự thảo Nghị định. Các ý kiến đóng góp thể hiện mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường. Nhiều nội dung đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu và có giải trình rõ ràng.

Triển khai EPR cần phù hợp, công bằng

Quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là vấn đề được nhiều tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, góp ý, bởi chính sách này có tác động trực tiếp đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tương lai gần.

Theo đó, các đại biểu góp ý trực tiếp về các nội dung bao gồm đối tượng phải thực hiện trách nhiệm mở rộng, quy định đóng góp tài chính, Văn phòng EPR Việt Nam, Hội đồng EPR Quốc gia; thời hạn, lộ trình thực hiện trách nhiệm…

Ông Nguyễn Hồng Uy – đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) cho rằng, việc thực hiện EPR là cần thiết, song cần xác định lại quy cách tái chế và tỉ lệ tái chế để đưa ra quy định phù hợp với thực tế công nghệ ở Việt Nam. Về quy định đóng góp tài chính nếu doanh nghiệp không thể tự thực hiện tái chế, cần có sự tham gia của Bộ Tài chính để xác định mức phí đóng, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp.

Khuyến khích doanh nghiệp tái chế để hình thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững - Ảnh 1
Điểm cầu trực tuyến tại Bộ TN&MT.

Nêu thực trạng doanh nghiệp Việt hiện nay, ông Uy cho hay, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 85.000 doanh nghiệp phải đóng cửa vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ. Trong bối cảnh đó, ông Uy đề nghị xem xét giãn lộ trình thực hiện EPR, để đảm bảo cả nước đã đi qua đại dịch và nền kinh tế được phục hồi.

“Thêm vào đó, trách nhiệm bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung, các chủ thể tuân thủ theo cùng nguyên tắc giống nhau, vì vậy, quy định áp dụng EPR cũng cần được triển khai công bằng với tất cả doanh nghiệp”, ông Uy đề xuất.

Chung quan điểm với ông Nguyễn Hồng Uy về tính công bằng khi áp dụng EPR ở doanh nghiệp ở mọi quy mô, song đại diện Liên minh không rác Việt Nam lại đề nghị, không lùi thời gian thực hiện EPR, bởi những doanh nghiệp khó khăn sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước; và đây cũng là cơ hội để khuyến khích doanh nghiệp chuyển từ bao bì khó phân hủy sang dễ phân hủy, tạo động cơ để các nhà sản xuất thay đổi công nghệ thân thiện với môi trường.

Về phía Bộ TN&MT, đại diện Vụ Pháp chế thông tin, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý, đã tiếp thu, chỉnh lý các nội dung trong Dự thảo Nghị định như: Chỉnh lý cho phép nhà sản xuất được lựa chọn đồng thời nhiều hình thức tái chế; Làm rõ hơn các hệ số trong công thức xác định tỉ lệ tái chế, xác định mức đóng góp tài chính; Sửa đổi quy cách tái chế theo hướng cho phép nhà tái chế có nhiều lựa chọn quy cách tái chế; Quy định rõ mức sàn để xác định nhà sản xuất, nhập khẩu có nghĩa vụ đóng góp tài chính; Chỉnh lý quy định về xử lý vi phạm cho phù hợp.

Đặc biệt, đã bỏ quy định về hải quan không thông quan hàng hoá khi nhà sản xuất, nhập khẩu chậm, trốn nộp; tăng thời hạn đăng ký kế hoạch tái chế và thời hạn đóng góp tài chính. Quy định rõ việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường; sửa đổi quy định về cung cấp thông tin sản phẩm, bao bì bằng các hình thức thay thế khác như QR code; làm rõ hơn vị trí, vai trò của Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng EPR Việt Nam;…

Khuyến khích doanh nghiệp tái chế để hình thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững - Ảnh 2
Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh chụp qua màn hình).

Hướng đến hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững

Kinh tế tuần hoàn là nội dung mới được đưa vào Luật BVMT 2020 và được cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật.

Theo ông Hoàng Thành Vĩnh - Đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), kinh tế tuần hoàn đang biểu hiện rất đa dạng ở Việt Nam. Các tiêu chí về kinh tế tuần hoàn đưa trong dự thảo Nghị định là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên, cần cân nhắc lộ trình thực hiện, nhất là khi đưa các ngành hàng cụ thể để áp dụng mô hình này.

Đề cập đến ngành sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam góp ý, để có được hệ thống tái chế ô tô/xe máy lý tưởng và bền vững, điểm mấu chốt là tất cả các bên liên quan như Nhà nước, nhà sản xuất, nhà phân phối, người dùng và cơ sở tái chế phải có vai trò và trách nhiệm cụ thể trong bức tranh tổng thể về hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững.

4 nhóm tiêu chí tiêu chí thực hiện kinh tế tuần hoàn

Theo Tổ Biên tập, đến nay, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định 4 nhóm tiêu chí tiêu chí thực hiện kinh tế tuần hoàn mang tính bao quát nhất, phù hợp với khái niệm của Luật BVMT (khoản 1, Điều 142) và kinh nghiệm quốc tế. Các tiêu chí cụ thể (chỉ tiêu, chỉ số) sẽ được xác định trong kế hoạch hành động quốc gia; kế hoạch hành động của ngành, lĩnh vực; các hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, khu đô thị, khu dân cư tập trung; dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Về lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn, Dự thảo Nghị định đã có sự tiếp thu, chỉnh sửa lộ trình theo các giai đoạn cụ thể gắn với nội dung và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết Khuyến khích doanh nghiệp tái chế để hình thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới