Chủ nhật, 24/11/2024 06:18 (GMT+7)
Thứ tư, 28/08/2019 17:22 (GMT+7)

Thúc đẩy tiềm năng phân bón hữu cơ

Theo dõi KTMT trên

Tính đến tháng 6/2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là 2.487 sản phẩm, tăng 3,5 lần so thời điểm tháng 12/2017.

Thúc đẩy tiềm năng phân bón hữu cơ - Ảnh 1
Phân bón hữu cơ tạo tiền đề cho nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn, với nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, cần đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hoá học, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.

Ngày 28/8 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị “Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ”.

Tính đến tháng 6/2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là 2.487 sản phẩm, tăng lên 3,5 lần so thời điểm tháng 12/2017, tăng nhanh hơn so với số lượng phân bón vô cơ được công nhận ở cùng thời điểm. Cả nước có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 31,6% trong 838 nhà máy sản xuất phân bón và tăng gần 1,47 lần so với số lượng 180 nhà máy năm 2017.

Sản xuất phân bón hữu cơ tại nông hộ cũng phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây. Một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Lộc Trời, Tổng công ty Sông Gianh... đã hợp tác với nhiều địa phương trên cả nước để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó chuyển giao cho các hộ nông dân quy trình tái sử dụng phụ phẩm trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày làm phân bón hữu cơ tại chỗ.

Nhiều nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô lớn, cho phép tạo ra các loại phân bón hữu cơ chất lượng tốt, ổn định, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn nguyên liệu sẵn có như chất thải hữu cơ từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và các chất hữu cơ trong tự nhiên (rong biển, tảo biển...). Do vậy, công suất của các nhà máy và sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất ra đã tăng lên rõ rệt, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,19 triệu tấn.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đây là sự nỗ lực, chuyển biến rất lớn trong tư duy, nhận thức và xu hướng sản xuất trong nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, số lượng và sản phẩm phân bón hữu cơ nhìn chung vẫn còn khiêm tốn so với phân bón vô cơ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tương lai nền nông nghiệp Việt Nam sẽ từng bước chuyển đổi theo hướng chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi bền vững, từng bước hạn chế chạy theo số lượng và xuất khẩu thô nên vai trò của ngành nông nghiệp hữu cơ, vai trò của phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học đóng vai trò then chốt.

Thúc đẩy tiềm năng phân bón hữu cơ - Ảnh 2
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Công tác quản lý nhà nước về phân bón ngày càng được củng cố với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, chính sách nhà nước về phát triển phân bón hữu cơ đã được cụ thể hóa tại Điều 4 Luật Trồng trọt năm 2018 (bắt đầu có hiệu lực từ 01/02/2020), các tiêu chuẩn (TCVN), quy chuẩn (QCVN) để kiểm soát chất lượng phân hữu cơ đang được hoàn thiện về số lượng và chất lượng như TCVN về phân bón hữu cơ, hữu cơ sinh học và vi sinh vật, quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón, kiểm soát các phòng thử nghiệm, khảo nghiệm phân bón... Tuy nhiên, hiện chưa có hành lang pháp lý cho việc công nhận phòng thử nghiệm kiểm chứng, thiếu các kết quả nghiên cứu về hiệu suất sử dụng phân bón, thất thoát dinh dưỡng..., điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung đưa ra một số đề xuất và giải pháp để thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ, như hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ. Nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới đáp ứng được các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, tuân thủ các quy định về quản lý phân bón trong tất cả các khâu từ khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón. Phối hợp với các cơ quan đoàn thể liên quan đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông. Phối hợp với các doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết ...

Cùng với đó, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phân bón hữu cơ, tham gia tích cực vào thị trường phân bón hữu cơ quốc tế. Thực hiện hợp tác công tư (PPP) và xây dựng chuỗi liên kết theo hướng tăng cường hợp tác với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước và người dân cùng phối hợp thực hiện sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ tích cực cho nông dân về vốn, kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp sạch, gia tăng giá trị nông sản và lợi ích cho người nông dân.

Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và tổ chức nước ngoài xây dựng mô hình quản lý dinh dưỡng, sử dụng phân bón hợp lý.

Theo Báo Chính phủ

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy tiềm năng phân bón hữu cơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới