Tích cực vào cuộc, khơi thông dòng chảy hàng hóa
Hằng năm, Bộ Công thương vẫn phối hợp với các hệ thống phân phối trong nước và đối tác nước ngoài để triển khai tổng thể các giải pháp hỗ trợ 63 tỉnh, thành phố lưu thông, tiêu thụ nông sản.
Giới thiệu vải thiều Lục Ngạn tại Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Bắc Giang năm 2021. (Ảnh: Thảo Phương)
Theo thống kê, tại Bắc Giang, hàng loạt nông sản đến vụ, sản lượng lên đến hàng trăm nghìn tấn. Trong đó, riêng vải thiều ước tính đạt 187.500 tấn. Lượng vải sớm đã tiêu thụ được tính đến ngày 24/5 chỉ đạt khoảng 3.700 tấn, trong đó 1.700 tấn theo đơn hàng xuất khẩu. Hơn 180 nghìn tấn còn lại tiếp tục chờ đợi xuất vườn. Ngoài ra, Bắc Giang còn tới hơn 20 nghìn tấn rau các loại, hàng chục nghìn tấn dứa, nhãn, na, cam, bưởi, táo... cho thu hoạch từ nay đến cuối năm; chưa kể hơn 70 nghìn tấn lợn, gia cầm, thủy sản... Nhiều tỉnh, thành phố phía bắc bùng phát dịch Covid-19 đều chung nỗi lo tiêu thụ nông sản. Nhiều đối tác xuất khẩu không thể vào thu mua trực tiếp vì dịch bệnh, đối tác trong nước gặp khó trong lưu chuyển, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các cửa khẩu biên giới.
Yêu cầu đặt ra lúc này là khẩn trương khơi thông dòng chảy hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, giữ vững mục tiêu kép giữa làn sóng Covid-19. Ngày 25/5, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, yêu cầu sự vào cuộc của toàn hệ thống, từ các đơn vị thuộc Bộ đến Sở Công thương các tỉnh, thành phố và Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (DN). Bộ cũng đề nghị các tỉnh biên giới phía bắc chỉ đạo cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn và làm việc với chính quyền nước bạn để tạo điều kiện thuận lợi, tăng thời gian thông quan đối với nông sản, nhất là thực hiện luồng xanh cho quả vải. Tại các buổi làm việc với đại diện các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc, Lào, Campuchia, lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề cập vấn đề này và đề nghị phía nước bạn hợp tác, phối hợp giải quyết.
Bộ Công thương đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các DN sản xuất và thương mại để có các giải pháp thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa bảo đảm an toàn, thông suốt trong tình hình dịch bệnh; có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các DN phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân các địa phương có dịch, trước tiên là Bắc Giang. Bộ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố; các cửa khẩu để bảo đảm việc thông quan dễ dàng và thuận lợi, ưu tiên luồng xanh ở các cửa khẩu chính ngạch, phối hợp với Bắc Giang trong lưu thông hàng hóa, dịch vụ từ tỉnh đi các nơi và ngược lại. Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo Bộ Công thương cam kết sẽ làm hết mình, làm tròn trách nhiệm để kết nối cung ứng trong mọi hoàn cảnh.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương, các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp triển khai hàng loạt giải pháp ưu tiên tiêu thụ nông sản, trong đó xác định thị trường trong nước là trọng điểm, kết hợp duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống. Ðiển hình là vải thiều Bắc Giang, tỉ lệ tiêu thụ nội địa đã tăng từ 50% lên 70% hiện nay. Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã có văn bản gửi các hệ thống phân phối trên toàn quốc về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ quả vải và nông sản tỉnh Bắc Giang, trong đó đề nghị cam kết sản lượng thu mua tăng 1,5 đến 3 lần so năm trước, tăng cường thương mại điện tử trong hệ thống nhằm tăng sức mua trong điều kiện giãn cách xã hội.
Lần đầu tiên, chiến dịch tiêu thụ nông sản huy động thành công sự tham gia của các kênh đa dạng. Các hệ thống phân phối lớn tại thị trường nội địa bắt tay với sàn thương mại điện tử bán hành tím Vĩnh Châu, vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn… Ngoài ra, các kênh giao hàng như Grab, Now, Baemin cũng đã vào cuộc để đưa nông sản đến người tiêu dùng thuận tiện hơn. Cũng là đầu tiên, lực lượng quản lý thị trường đảm nhận thêm việc hỗ trợ tiêu thụ vải thiều bằng cách phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, các công ty mở các điểm bán hàng lưu động giúp nông dân vùng dịch. Cục Xúc tiến thương mại áp dụng thí điểm ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm vải thiều và một số nông sản khác, nhờ đó nhận được phản hồi rất tích cực từ các địa phương, các DN thu mua hay kể cả các thị trường xuất khẩu như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ðiều đáng mừng là thông thường các DN Việt Nam hoạt động trong cùng một ngành dịch vụ sẽ cạnh tranh nhau, nhưng trong chương trình này, các DN lại “bắt tay” nhau, thể hiện sự lôi cuốn của chương trình, cùng nhau thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Ðến ngày 15/6, tỉnh Hải Dương đã thu hoạch và tiêu thụ 48 nghìn tấn vải thiều. Riêng vải thiều Thanh Hà đã thu hoạch 33 nghìn tấn; vải thiều Chí Linh đã thu hoạch khoảng 80% diện tích, tương đương 13 nghìn tấn. Lượng vải thiều còn lại ước khoảng 4.000 đến 6.000 tấn. Sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 56% tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ, tương đương khoảng 30 nghìn tấn. Vải thiều Hải Dương được xuất khẩu tới 10 thị trường, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 60 đến 70% sản lượng xuất khẩu.
Ðến hết ngày 16/6, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng 122.162 tấn vải, giá bình quân khoảng 12 nghìn đến 29 nghìn đồng/kg, trong đó tiêu thụ tại thị trường trong nước 71.886 tấn (chiếm 58,8%), qua các kênh phân phối chủ yếu: chợ đầu mối tiêu thụ 27.377 tấn; siêu thị, trung tâm thương mại tiêu thụ 6.513 tấn; thương mại điện tử tiêu thụ 4.700 tấn; hệ thống thương nhân khác tiêu thụ 33.296 tấn. Lượng xuất khẩu vải thiều đạt 50.280 tấn (chiếm khoảng 41,1%). Như vậy, Bắc Giang đã tiêu thụ hơn 65,2% lượng vải thiều (sản lượng năm 2021 dự kiến 187.500 tấn).
Thu Hương