Chủ nhật, 24/11/2024 09:46 (GMT+7)
Thứ ba, 05/04/2022 06:00 (GMT+7)

Tín hiệu tích cực từ tăng trưởng và hồi phục kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Việc kinh tế tăng gấp đôi so với cùng kỳ cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu rất tích cực, đồng thời chứng minh các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ rất hiệu quả.

Tăng trưởng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021

Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 chiều 4/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm là sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng 14%. Tuy nhiên mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy tình hình thực tế, có thể sẽ tăng lên, cũng có thể giảm xuống.

Thời điểm hết tháng 3/2022, con số tăng trưởng khá tích cực với 5,04%, so với cùng kỳ năm 2021 (2,16%) tăng 2,3%. Điều này cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu rất tích cực, đồng thời chứng minh các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ rất hiệu quả. Đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp cũng đã trở lại bình thường. 

Tín hiệu tích cực từ tăng trưởng và hồi phục kinh tế - Ảnh 1
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thời điểm hết tháng 3/2022, con số tăng trưởng khá tích cực với 5,04%, so với cùng kỳ năm 2021 (2,16%) tăng 2,3%.

Cùng với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong khôi phục nền kinh tế, thông qua tăng trưởng tín dụng này chính là dấu hiệu tích cực trong khôi phục phát triển của các doanh nghiệp.

Mức tăng như trên so với các năm trước là mức rất cao. Cuối năm chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để mức tín dụng sao cho đảm bảo phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.

Về xử lý nợ xấu, từ năm 2017 đến nay, Nghị quyết 42 của Quốc hội ban hành đã tác động rất tích cực. Số nợ xấu đã được xử lý, giải quyết trong những năm qua thông qua Nghị quyết 42 là 380.000 tỷ đồng. 

Đây là khối lượng vốn rất lớn đã được quay vòng và tái tạo đầu tư trở lại nguồn vốn cho nền kinh tế, giải quyết được nhiều lãng phí xã hội, nhất là những tài sản thế chấp trong những khoản nợ khi đã đưa vào nợ xấu thì được giải quyết, xử lý tích cực, tránh hao mòn tự nhiên, hư hỏng hoặc tài sản đóng băng. Nghị quyết 42 có lợi ích không chỉ với xã hội mà còn lợi ích với cả ngân hàng và các doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Theo quy định, sau 5 năm, Nghị quyết 42 hết thời hạn hiệu lực, chúng tôi thấy rằng đối với việc phát triển kinh tế xã hội nói chung, cần có một luật liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu của nền kinh tế, không chỉ xử lý nợ xấu của riêng ngành ngân hàng.

Chúng tôi đã đề xuất báo cáo Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có Luật Xử lý nợ xấu phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tác động ban hành Luật. Nếu không kéo dài Nghị quyết 42 thì sẽ có một số khoản nợ thuộc đối tượng trong Nghị quyết 42 mà không có cơ sở pháp lý để triển khai, đây sẽ là khó khăn cho những khoản nợ đó.

Trong 2 năm vừa qua, do tác động ảnh hưởng của dịch bệnh đối với một số doanh nghiệp, lĩnh vực, nợ xấu chắc chắn xuất hiện. Vì vậy, nếu tiếp tục kéo dài Nghị quyết 42 làm cơ sở pháp lý để xử lý những khoản nợ đó sẽ tạo ra sự tích cực, lợi ích chung cho doanh nghiệp, cho xã hội và ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Chính vì vậy, Chính phủ đã chấp thuận và đã trình Ủy ban Thường vụ làm thủ tục cũng như nghiên cứu đánh giá cho phép kéo dài Nghị quyết 42 thời gian tới.

Miễn giảm khoảng 9.000 tỷ đồng tiền thuế

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Từ khi ban hành Nghị quyết 11 đến nay (từ 30/1/2022), Bộ KH&ĐT thường xuyên cập nhật tình hình tiến độ qua các kỳ họp báo thường kỳ tháng 2, 3 cũng như các báo cáo.

Theo đánh giá chung của Bộ KH&ĐT, tiến độ triển khai các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 11 cơ bản bám sát các mục tiêu về thời gian mà Nghị quyết đã đề ra đối với các bộ ngành, cơ quan có liên quan.

Về cập nhật tình hình tiến độ thực hiện chương trình phục hồi, đến nay, có một số nhóm vấn đề.

Một là nhóm các cơ chế, chính sách đã được ban hành và đang triển khai thực hiện. Có những chính sách thậm chí có thể thực hiện ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 11. Đặc biệt là các chính sách của Bộ Tài chính liên quan đến miễn giảm thuế và có lẽ mới có chính sách này được thực hiện và giải ngân được. Theo báo cáo sơ bộ, hiện nay số tiền thực hiện miễn giảm thuế là khoảng 9.000 tỷ.

Tín hiệu tích cực từ tăng trưởng và hồi phục kinh tế - Ảnh 2
Nhiều dự án lớn sẽ được triển khai.

Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành trong tuần trước như: Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đây là chính sách mới được ban hành và sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới. Thứ hai là hướng dẫn Bộ TN&MT liên quan đến cơ chế đặc thù về khai thác mỏ làm vật liệu thông thường phục vụ cho các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc-Nam.

Nhóm thứ hai là nhóm mà các bộ, ngành cũng đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 11 là trình các văn bản, dự thảo các quy định pháp quy trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét quyết định, cụ thể như: Dự thảo Nghị định về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại (đã được trình), dự thảo Nghị định hướng dẫn liên quan đến cơ chế đặc thù về chỉ định thầu (đã được trình), dự thảo Quyết định phê duyệt về hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hành chính sách xã hội (đã được trình).

Nhóm ba là các văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền thì cũng đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan, như là sửa đổi Thông tư số 12 năm 20216 về sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp hay dự thảo Thông tư về trang bị máy tính bảng cho chương trình "Sóng và máy tính cho em", dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thủ tục, trình tự lãi suất cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Đánh giá chung là các nhiệm vụ này đều được các bộ ngành thực hiện hết sức tích cực, bám sát tiến độ yêu cầu của Nghị quyết 11.

Riêng về đầu tư công, đây là vấn đề sử dụng nhiều tiền nhất của ngân sách nhà nước. Liên quan đến danh mục các dự án của chương trình phục hồi, các danh mục này cơ bản là danh mục mới, chưa có thủ tục. 

Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các bộ ngành tổng hợp danh mục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thông báo với các bộ, ngành địa phương để triển khai làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư với các dự án, đặc biệt là các dự án lớn. 

Hiện nay là 5 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, gồm 2 đường vành đai của 2 thành phố và 3 dự án cao tốc của Bộ GTVT, đã hoàn thành xong công tác thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chỉ khi nào dự án đầy đủ thủ tục thì mới được thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, Nghị quyết 43 cũng cho phép bổ sung vốn của chương trình để giải ngân trước cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nội dung này trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ phương án phân bổ, bổ sung dự toán năm 2022 đợt 1 cho các dự án đã đầy đủ thủ tục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để sắp tới đây sẽ trình UBTVQH theo đúng thẩm quyền phân bổ cho các bộ, ngành địa phương. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án để có thể giải ngân cho các dự án.

Chi tiêu ngân sách nhà nước phải bảo đảm 2 yếu tố quan trọng là đúng quy định pháp luật, đúng trình tự pháp luật để không tiêu nhầm, không tiêu sai và thứ hai là phải bảo đảm hiệu quả tính chi tiêu. Do vậy, công tác giải ngân vốn chương trình phục hồi hiện nay được thực hiện rất tích cực nhưng phải bảo đảm yếu tố vừa nhanh, vừa đúng quy định pháp luật vừa hiệu quả.

CV

Bạn đang đọc bài viết Tín hiệu tích cực từ tăng trưởng và hồi phục kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới