Chủ nhật, 24/11/2024 07:42 (GMT+7)
    Thứ năm, 10/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 10/3/2022

    Theo dõi KTMT trên

    Bộ Công Thương kiến nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; Vàng lao dốc không phanh... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 10/3/2022.

    Bộ Công Thương kiến nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết năm 2022

    Theo Công văn trả lời của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính ngày 8/3/2022, hiện nay, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga gây nên thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm trong khi nhu cầu xăng dầu đang tăng mạnh khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

    Giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới liên tục tăng cao ảnh hưởng đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước và công tác tạo nguồn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã lên mức dầu WTI là 125,68 USD/thùng, dầu Brent là 130,53 USD/thùng (ngày 9/3/2022) và vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng lên mức 142-158 USD/thùng (giá ngày 7/3/2022), tăng 51-69 USD/thùng so với giá ngày đầu tháng 1/2022.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 10/3/2022 - Ảnh 1
    Bộ Công Thương kiến nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết năm 2022.

    “Với mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới nêu trên sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11/3/2022 có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg tùy loại (tương đương tăng từ 27% - 44%) so với giá xăng dầu đầu năm 2022 làm ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước năm 2022”, Bộ Công Thương nhận định.

    Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trong nước, tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch. Quỹ bình ổn giá không còn nhiều khi số dư đang ở mức thấp chỉ khoảng 620 tỷ đồng và tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thì số dư quỹ này đã chạm mức âm.

    Trong bối cảnh đó, để có dư địa điều hành, Bộ Công Thương kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại Dự thảo Nghị quyết mà Bộ Tài chính đưa ra, cụ thể là giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu.

    Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; đối với dầu diesel là 1.000 đồng/lít; đối với dầu hỏa là 500 đồng/lít; đối với dầu mazut là 1.000 đồng/kg; đối với dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.

    Vàng lao dốc không phanh sau nhiều ngày liên tiếp lập đỉnh mới

    Sau khi bật lên mức cao kỷ lục mọi thời đại, giá vàng miếng SJC đang chịu áp lực điều chỉnh giảm siêu tốc phiên thứ 3 liên tiếp. Như vậy, những người mua vàng từ vùng đỉnh 74 triệu đồng/lượng thì giờ đây cứ mỗi ngày thức dậy, họ đang bị mất đến vài triệu đồng/lượng/ngày.

    Chiều ngày 10/3, giá vàng SJC được các doanh nghiệp đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, lúc 14h chiều nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào ở mức 66,8 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 68,6 triệu đồng/lượng, giảm 1,6 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều.

    Thậm chí ngay thời điểm mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, doanh nghiệp này còn giảm tới 3 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 10/3/2022 - Ảnh 2

    Doanh nghiệp kinh doanh vàng Mi Hồng bất ngờ tăng nhẹ chiều mua vào lên 200.000 đồng/lượng, lên mức 67,7 triệu đồng/lượng nhưng ở chiều bán ra lại giảm 1,1 triệu đồng/lượng, niêm yết giá bán ở mức 67,8 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán tiếp tục được duy trì ở mức cao, lên tới gần 2 triệu đồng/lượng.

    Đáng chú ý, Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý đẩy giá mua vào với vàng SJC loại nhỏ xuống 65,4 triệu đồng/lượng, và giá bán ra hiện ở mức 68,4 triệu đồng/lượng, giảm 1,4 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước. Tức là chênh lệch giá mua và bán loại vàng SJC trọng lượng nhỏ 1 chỉ, 2 chỉ đang được Phú Quý nới rộng lên tới 3 triệu đồng/lượng.

    Giá xăng tại Hàn Quốc tăng vượt ngưỡng sau 8 năm

    Theo Tổng công ty dầu khí Hàn Quốc (KNOC), hôm nay giá xăng bình quân tại các trạm xăng tại Hàn Quốc là 1.904,35 won/lít, tăng 11,95 won so với một ngày trước.

    Giá xăng tại Hàn Quốc từng đạt mức cao kỷ lục vào tháng 8 - 10/2012 khi vượt ngưỡng 2.000 won/lít do giá dầu thế giới tăng mạnh.

    Từ trung tuần tháng 11/2021, giá xăng Hàn Quốc đã giảm 9 tuần liên tiếp, sau đó quay trở lại xu thế tăng từ đầu năm 2022. Đặc biệt, căng thẳng Nga-Ukraine đã đẩy giá xăng dầu gần đây tăng vọt.

    Trong ngày 10/3, địa phương có giá xăng bình quân cao nhất là thủ đô Seoul với 1.978,62 won/lít, tăng 17,79 won so với một ngày trước.

    Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định về dư lượng Ethylene Oxide

    Bộ Công Thương nhận được kiến nghị từ một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chế biến bột (mì ăn liền, bún, miến, phở, hủ tiếu, bánh tráng…) về việc thực hiện quy định (EU) 2021/2246 ban hành, sửa đổi quy định (EU) 2019/1793 của Liên minh châu Âu áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp đối với một số thực phẩm nêu trên khi nhập khẩu vào EU.

    Theo hướng dẫn của EU, trước khi xuất khẩu các mặt hàng nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra quá trình sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm dư lượng chất Ethylene Oxide và chứng nhận theo mẫu tại quy định (EU) 2019/1793.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 10/3/2022 - Ảnh 3

    Đề có cơ sở xem xét, chứng nhận phục vụ việc xuất khẩu các sản phẩm nêu trên vào EU, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương/Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị chứng nhận (nếu cần) kèm theo bằng chứng về thông tin được nêu tại phụ lục 1, công văn số 1150/BCT-KHCN ngày 08 tháng 3 năm 2022 (đính kèm theo thông báo này) về Vụ Khoa học và Công nghệ.

    Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp phối hợp với cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước để lấy mẫu, kiểm nghiệm dư lượng chất Ethylene Oxide.

    Trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm và báo cáo xác nhận thông tin, Bộ Công Thương sẽ chứng nhận theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm xuất khẩu.

    Giá lúa mì tăng cao kỷ lục

    Giá lúa mì kỳ hạn giao sau trên Sàn giao dịch nông sản Chicago đã tăng kịch trần trong 6 phiên liên tiếp, tăng 7% lên 12,94 USD/giạ.

    Tuần trước, lúa mì là mặt hàng nguyên liệu tăng giá mạnh nhất thế giới. Giá lúa mì tuần qua đã tăng đột biến, tới 41%, lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Đây là mức tăng lớn nhất trong 6 thập kỷ qua. Tính chung 2 tuần qua, giá lúa mì đã tăng hơn 60%.

    Theo các nhà phân tích, xung đột giữa Nga và Ukraine đã cắt đứt một trong những nguồn cung cấp bánh mì hàng đầu thế giới, nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.

    Căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc này ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mì từ Nga và Ukraine. Bởi Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Còn Ukraine cũng chiếm 25% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu.

    Các nhà nhập khẩu lúa mì trên thế giới đang đối mặt với mối đe dọa nguồn cung bánh mì sau khi Nga tấn công Ukraine, khiến họ không thể tiếp cận nguồn lúa mì có giá thấp hơn ở Biển Đen. Xung đột khiến các cảng ở Ukraine bị đóng cửa, còn thương mại với Nga bị kìm hãm bởi các lệnh trừng phạt.

    Cuộc khủng hoảng ở khu vực biển Đen gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lúa mì, làm lệch cán cân cung - cầu lúa mì trên toàn thế giới trong năm nay. Ước tính có khoảng 10-12 triệu tấn lúa mì ở biển Đen sẽ không thể xuất khẩu trong thời gian tới do những căng thẳng trong khu vực.

    Các nước nhập khẩu lúa mì lớn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế, bởi lúa mì là mặt hàng không dễ tăng sản lượng trong thời gian ngắn.

    Hà Lan (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 10/3/2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới