Chủ nhật, 24/11/2024 09:25 (GMT+7)
    Thứ ba, 08/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 8/3/2022

    Theo dõi KTMT trên

    Giá vàng đột ngột giảm mạnh; Đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu thêm 3 năm... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 8/3/2022.

    Giá vàng đột ngột giảm mạnh sau nhiều phiên phi mã

    Giá vàng trong nước tiếp tục ngược dòng thị trường kim loại quý thế giới. Các nhà vàng trong nước đột ngột điều chỉnh giá giao dịch xuống sâu bất chấp mỗi ounce vàng thế giới đã nhích lên 1.996 USD một ounce - thu hẹp đáng kể biên độ giảm so với lúc sáng.

    Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá bán ra 72,2 triệu đồng, giảm 2,2 triệu đồng mỗi lượng. Còn giá mua vào chỉ giảm 2 triệu đồng, xuống 70,4 triệu đồng. Trong khi đó, vàng nhẫn giữ giá ổn định quanh mức 56-57 triệu đồng một lượng.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 8/3/2022 - Ảnh 1
    Giá vàng giảm mạnh ngày hôm nay 8/3.

    Tương tự, Bảo Tín Minh Châu và DOJI cũng hạ giá bán về quanh vùng 72,5 triệu đồng. Chỉ có Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang bán ra hơn 73 triệu đồng một lượng, chênh 2,7 triệu đồng so với giá mua vào.

    Đây là đợt điều chỉnh mạnh đầu tiên trong vòng một tuần qua của thị trường kim loại quý trong nước. Tuy nhiên, theo nhận định của một số tiệm vàng, giá bán sẽ khó mất mốc 70 triệu đồng trong khoảng một tuần tới.

    Do giá trong nước và thế giới ngược chiều nên chênh lệch khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng cũng được thu hẹp. Mỗi lượng vàng SJC hiện chỉ còn cao hơn giá thế giới 16,9 triệu đồng.

    Nhìn chung chỉ sau 1 phiên giao dịch, giá vàng trong nước giảm khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Cùng với mức chênh 2 triệu đồng/lượng như thời điểm hiện tại, người mua vàng lỗ đến hơn 3 triệu đồng/lượng.

    Đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu thêm 3 năm

    Theo đó, dự thảo để xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025 (kéo dài thêm 3 năm so với thời hạn hiện tại). Đồng thời, dự thảo đề xuất Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của TCTD trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

    Theo ban soạn thảo, trong thời gian triển khai, Nghị quyết 42 thực sự đã phát huy những hiệu quả rõ rệt trong công tác xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC, từ đó đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, nghị quyết này là nghị quyết thí điểm nên chỉ có hiệu lực 5 năm, đến ngày 15/8/2022.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 8/3/2022 - Ảnh 2
    Đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu thêm 3 năm.

    Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

    Được biết, NHNN đang nghiên cứu xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các TCTD. Song, trong thời gian xây dựng Luật xử lý nợ xấu, việc không tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến không còn hành lang pháp lý cho cơ chế xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC, và sẽ kéo dài tiến trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém.

    Việc xây dựng Luật xử lý nợ xấu cũng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tập trung ở việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ do có sự khác nhau giữa nội dung Nghị quyết số 42 với pháp luật chuyên ngành.

    Dư nợ tín dụng bất ngờ giảm 96.000 tỷ trong tháng 2

    Theo số liệu của SSI Research, trong tuần trước, thanh khoản trong hệ thống được cải thiện và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm 678 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm và đưa tổng lượng tín phiếu đang lưu hành vào khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng.

    Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhiệt, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước đó. Kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,37% (giảm 0,11 điểm %) và kỳ hạn 1 tuần 2,4% (giảm 0,12 điểm %). Các kỳ hạn dài hơn gần như không có nhiều thay đổi, dao động từ 2,42% đến 2,64% và đường cong quay trở lại bình thường.

    ''Trong tháng 3, áp lực thanh khoản vào giai đoạn cuối quý nhiều khả năng sẽ quay trở lại và có thể khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao như hiện tại'', nhóm phân tích dự báo..

    Mặt khác, SSI Research dẫn dữ liệu từ cuộc họp thường kỳ Chính phủ cho thấy tín dụng tính đến cuối tháng 2 tăng 1,82% so với cuối 2021, thấp hơn mức 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1. Như vậy, dư nợ tín dụng đã giảm 96 nghìn tỷ đồng trong tháng 2.

    Theo nhóm phân tích, tình trạng này có thể được giải thích bởi hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, tác động của yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên Đán đến hoạt động tín dụng, trong đó nhu cầu thường tăng mạnh trước Tết, và sau Tết hạ nhiệt dần. Thứ hai, thời điểm Thông tư 16 có hiệu lực là giữa tháng 1 và doanh nghiệp có thể đẩy mạnh phát hành trái trước thời điểm này. Số trái phiếu này sau đó sẽ được phân phối, do đó có thể dẫn đến giảm dư nợ tín dụng tại các ngân hàng.

    Nhìn chung, SSI Research vẫn duy trì quan điểm là NHNN sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm để đảm bảo mặt bằng lãi suất cho vay và huy động ở mức thấp. Tăng trưởng tín dụng vào năm 2022 được kỳ vọng vào khoảng 14 – 15%.

    Nhập khẩu 300.000 tấn gạo từ Campuchia với thuế suất ưu đãi đặc biệt

    Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 06/2022/TT-BCT quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2021 và 2022.

    Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư 06/2022/TT-BCT quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khi nhập khẩu vào Việt Nam năm 2021 và 2022.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 8/3/2022 - Ảnh 3
    Nhập khẩu 300.000 tấn gạo từ Campuchia với thuế suất ưu đãi đặc biệt.

    Đối tượng áp dụng là các thương nhân nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

    Theo đó, tổng lượng hạn ngạch năm 2022 đối với mặt hàng gạo là 300.000 tấn, nếu là thóc thì tỷ lệ quy đổi là 2kg thóc = 1kg gạo; số lượng của năm 2021 cũng là 300.000 tấn. Đối với mặt hàng lá thuốc lá khô là 3.000 tấn mỗi năm.

    Điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do Bộ Thương mại Campuchia hoặc cơ quan được ủy quyền cấp theo quy định của phía Campuchia và làm thủ tục hải quan nhập khẩu tại các cặp cửa khẩu quy định.

    Riêng đối với mặt hàng lá thuốc lá khô, thương nhân nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.

    Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô quy định tại Thông tư này được điều hành theo phương thức trừ lùi tự động tại cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu.

    Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 15/4/2022 đến hết 31/12/2022.

    GDP toàn cầu tăng thêm 2.000 tỷ USD nhờ rút ngắn khoảng cách giới

    Theo báo cáo mới đây của tập đoàn ngân hàng Citigroup, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chỉ nhận được một phần nhỏ vốn đầu tư mạo hiểm, và việc thu hẹp khoảng cách giới trong đầu tư có thể thúc đẩy GDP toàn cầu thêm hàng nghìn tỷ USD.

    Tại Mỹ, các công ty do phụ nữ thành lập chỉ nhận được 2,1% nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào năm 2021. Báo cáo cho hay, thiếu khả năng tiếp cận tài chính là một trong những thách thức lớn nhất mà các nữ doanh nhân trên toàn thế giới phải đối mặt.

    Phân tích của Citigroup nêu rõ, việc đạt được bình đẳng giới trong hoạt động kinh doanh có thể thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng thêm tới 2.000 tỷ USD, tương đương 2% đến 3% GDP toàn cầu. Citigroup nhận thấy bình đẳng giới cũng có thể tạo ra từ 288 triệu đến 433 triệu việc làm mới.

    Đầu tư mạo hiểm (VC) là một hình thức tài trợ quan trọng cho các doanh nghiệp. Một báo cáo năm 2015 từ trường kinh doanh Stanford Business cho hay, các doanh nghiệp do VC hậu thuẫn chiếm 43% trong số các công ty đại chúng của Mỹ được thành lập từ năm 1979.

    Tuy nhiên, phụ nữ ít có khả năng nhận được nguồn vốn này, vì các tổ chức tài chính thường đánh giá quá cao rủi ro khi rót vốn đầu tư cho các nữ doanh nhân. Điều này xảy ra ngay cả khi số liệu cho thấy các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo có lợi tức đầu tư tốt hơn so với các doanh nghiệp do nam lãnh đạo.

    Theo một báo cáo của công ty tiếp thị kỹ thuật số Brightcom Group, cứ mỗi 1 USD đầu tư được huy động, các công ty khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ tạo ra 78 xu lợi nhuận so với 31 xu của các công ty do nam làm chủ.

    Ngoài ra, sự chênh lệch về giới trong các khoản VC cũng bắt nguồn từ việc ít có các nhà đầu tư VC là nữ. Theo báo cáo năm 2020 của tổ chức Women in VC, chỉ 4,9% nhà đầu tư mạo hiểm tại Mỹ là phụ nữ.

    Báo cáo của Citigroup cho biết, phần lớn điều này đến từ thực tế rằng các nhà đầu tư chủ yếu là nam giới, trong khi nhiều phụ nữ trong ngành thường không có vai trò đủ lớn, cho phép họ đưa ra lời đề nghị tài trợ.

    Citigroup đã đưa ra một số khuyến nghị cho các công ty đầu tư mạo hiểm và các tổ chức tài chính khác để cải thiện cơ hội cho các nữ doanh nhân. Theo đó, các doanh nghiệp nên thu thập dữ liệu phân tách theo giới về danh mục đầu tư, cập nhật các công cụ đầu tư và đảm bảo các cơ sở “vườn ươm khởi nghiệp” có tính bao trùm về giới.

    Citigroup cũng khuyến nghị các công ty nên hợp tác với các hiệp hội và mạng lưới các doanh nhân nữ, đặt mục tiêu thu hút các nhà sáng lập là phụ nữ và hỗ trợ nhân viên nữ trong ngành dịch vụ tài chính.

    Hà Lan (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 8/3/2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới