Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 10/10
Giá dầu châu Á rời khỏi mức cao của 5 tuần; 9 tháng thu hồi nợ thuế đạt 25.600 tỷ đồng... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 10/10.
9 tháng thu hồi nợ thuế đạt 25.600 tỷ đồng
Theo Tổng cục Thuế, trong tháng 9/2022 cơ quan thuế các cấp đã thực hiện thu hồi nợ thuế ước đạt 2.771 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng số nợ thuế thu hồi đạt 25.600 tỷ đồng, bằng 61% chỉ tiêu thu nợ năm 2022.
Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 9/2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 78.200 tỷ đồng, đạt 6,7% dự toán, bằng 129,1% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.102.931 tỷ đồng, bằng 93,9% dự toán, bằng 121,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Số thu ngân sách tăng trưởng tích cực nhờ ngành Thuế đã tích cực thanh, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm về thuế, cơ quan Thuế khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý nợ thuế.
Theo đó, tính lũy kế 9 tháng, thu hồi nợ thuế đạt 25.600 tỷ đồng, bằng 61% chỉ tiêu thu nợ năm 2022. Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 94/2019/QH14 đạt 2.405 tỷ đồng.
Lũy kế kết quả xử lý nợ từ khi Nghị quyết số 94/2019/QH14 đến cuối tháng 9/2022 ước đạt 34.806 tỷ đồng, trong đó khoanh nợ tiền thuế là 28.164 tỷ; Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 6.642 tỷ.
Trong các tháng cuối năm, toàn ngành Thuế tiếp tục rà soát những vướng mắc trong quá trình quản lý thu nợ thuế để hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Quy trình quản lý nợ thuế, Quy trình cưỡng chế nợ thuế theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh điện tử hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ từ khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác, khắc phục tồn tại, bất cập để nâng cao hiệu quả việc quản lý nợ thuế.
Đồng thời, chỉ đạo các Cục Thuế xây dựng phương án xử lý nợ đọng thuế, báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở đó, báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt phương án chung và giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phê duyệt phương án xử lý nợ đọng thuế đối với từng Cục Thuế...
VN-Index đảo chiều, cổ phiếu phục hồi trên diện rộng
Tâm lý lo lắng của nhiều nhà đầu tư trước phiên giao dịch hôm nay đã phần nào giảm bớt khi nhiều cổ phiếu hôm nay mở cửa đầu tuần với sắc xanh. Đặc biệt, có nhiều mã tăng kịch trần trên 2 sàn niêm yết.
VN-Index chốt phiên tăng 6,57 điểm, tương đương 0,63% so với tham chiếu. Tuy nhiên kết ngày, VN30-Index kết ngày vẫn giảm nhẹ 0,61 điểm. Dù vậy độ rộng của rổ VN30 vẫn còn tốt, với 17 mã tăng/10 mã giảm.
HoSE chiều nay có mặt bằng giá cổ phiếu cao hơn hẳn buổi sáng. Buổi sáng sàn này có 5 mã kịch trần và 82 mã khác tăng từ 1% trở lên. Cuối phiên, số kịch trần lên tới 21 mã và 150 mã khác tăng tử 1% trở lên. Mặt khác, độ rộng cũng đảo chiều với 286 mã tăng/175 mã giảm lúc cuối phiên, so với 167 mã tăng/261 mã giảm cuối phiên sáng.
Do nhu cầu mua lớn hơn và người bán không muốn bán, nên thị trường tăng khá đều. Nhóm chứng khoán cực mạnh với VCI, FTS tăng kịch trần và 8 mã khác tăng trên 3%, bao gồm cả blue-chips như SSI, HCM.
Nhóm phân bón hóa chất xuất hiện DGC, DCM, DPM cũng kịch trần. Cổ phiếu thép có NKG, HSG tăng hết biên độ. Trong các mã tăng kịch trần ở HoSE, nhiều mã có thanh khoản rất tốt như VCI giao dịch 193,8 tỷ đồng, VGC giao dịch 72,3 tỷ, HAH khớp 95,4 tỷ, DGC khớp 255,1 tỷ, DCM khớp 129,6 tỷ, DPM khớp 98,4 tỷ, FRT khớp 99,2 tỷ, HSG khớp 116,9 tỷ...
Khối ngoại sáng nay cũng hỗ trợ thị trường khi giải ngân tới 724,2 tỷ đồng trên HoSE, chiếm 10% tổng giao dịch sàn này. Mức bán ra là 362,7 tỷ đồng, tương đương mua ròng 361,5 tỷ. NVL được mua ròng lớn nhất 118 tỷ đồng, BCM 81,8 tỷ. Nhóm DGC, HPG, DCM, CTG, MSN, VNM quanh 10 tỷ đồng. Bán ròng chỉ suy nhất STB -32,2 tỷ đồng là đáng kể.
Giá dầu châu Á rời khỏi mức cao của 5 tuần phiên sáng 10/10
Giá dầu châu Á rời khỏi mức cao của 5 tuần trong phiên 10/10 trong bối cảnh thị trường chốt lời sau mức tăng mạnh trong tuần trước do đồn đoán nguồn cung thắt chặt hơn khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (hay còn gọi là OPEC+) cắt giảm sản lượng và trước thềm Liên minh châu Âu áp đặt lệnh cấm vận lên dầu Nga.
Sáng 10/10, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 81 xu Mỹ (0,8%) xuống 97,11 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 76 xu Mỹ (0,8%) xuống 91,88 USD/thùng.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều chạm mức cao nhất kể từ ngày 30/8 trong phiên trước đó, nhưng sau đó đã giảm xuống cùng với thị trường chứng khoán châu Á giữa bối cảnh hoạt động giao dịch mỏng do thị trường Nhật và Hàn Quốc đóng cửa nghỉ lễ.
Chuyên gia phân tích Tina Teng thuộc công ty CMC Markets nhận định hoạt động chốt lời có lẽ là lý do chính gây sức ép cho giá dầu trong phiên này, sau 5 phiên tăng giá liên tục trong tuần trươc.
Dầu Brent và WTI đều ghi nhận mức tăng phần trăm lớn nhất kể từ tháng 3/2022 trong tuần trước sau khi OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Động thái trên của OPEC+, diễn ra trước lúc EU áp lệnh cấm vận dầu Nga, sẽ siết chặt nguồn cung, vốn đã eo hẹp. Các biện pháp trừng phạt của EU đối với các sản phẩm dầu và dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực lần lượt vào tháng 12/2022 và tháng 2/2023.
Các nhà phân tích của ING cho biết việc cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu tăng cao. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất ổn khác trên thị trường, trong đó có cả việc nguồn cung dầu của Nga sẽ ra sao do lệnh cấm dầu của EU và việc G7 áp trần giá dầu, cũng như triển vọng nhu cầu do bức tranh vĩ mô xấu đi.
Các nhà phân tích tại các ngân hàng và công ty môi giới đã nâng dự báo giá dầu thô và dự đoán dầu Brent sẽ tăng trên 100 USD/thùng trong những tháng tới.
Chuyên gia Teng của CMC cho biết việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế COVID-19 trong quý IV/2022 và năm 2023 có thể khiến nhu cầu dầu phục hồi và khiến giá dầu tăng thêm.
Ngày 7/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thành lập một nhà điều hành mới cho dự án dầu khí Sakhalin-1 do Exxon Mobil Corp điều hành ở vùng Viễn Đông của Nga.
Sản lượng dầu tại dự án Sakhalin-1 đã giảm xuống chỉ còn 10.000 thùng/ngày trong tháng 7/2022 so với mức 220.000 thùng/ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Đồng baht Thái Lan xuống mức thấp nhất trong 26 năm
Ngày 10/10, tỷ giá hối đoái giữa đồng baht của Thái Lan so với đồng USD ghi nhận ở mức 37,6 baht/USD, mức thấp nhất trong 26 năm qua.
Chiến lược gia thị trường của ngân hàng Krungthai, ông Poon Panichpibool, nhận định đồng baht có khả năng sẽ dao động trong khoảng 37,2-37,9 baht/USD trong tuần này.
Ông Poon cho rằng đồng baht có thể tiếp tục giảm xuống ngưỡng 37,8-37,9 baht/USD nếu thị trường vẫn ở trạng thái rủi ro do lo ngại về một đợt tăng lãi suất khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và giá vàng giảm.
Ông cho rằng cần theo dõi dòng tiền sau khi các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu hạn chế bán cổ phiếu của Thái Lan, từ đó góp phần giúp kiềm chế sự suy yếu của đồng baht.
Trong khi đó, ông Poon nhận định đồng USD có thể tiếp tục mạnh lên và khuyến nghị các nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ tình hình lạm phát của Mỹ thông qua chỉ số giá tiêu dùng mới nhất. Ông lưu ý thêm rằng, lo ngại về suy thoái kinh tế cũng đang giúp đồng USD trở thành một lựa chọn của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, chiến lược gia thị trường của ngân hàng Krungthai cũng khuyên các nhà đầu tư nên sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thị trường tiền tệ biến động mạnh.
Ông khuyến cáo bên cạnh việc theo dõi sát báo cáo lạm phát tháng 9 của Mỹ, các nhà đầu tư cũng nên chú ý theo dõi Báo cáo về Triển vọng Kinh tế Thế giới hai năm một lần của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ được công bố trong tuần này.
Anh Thư