Chủ nhật, 24/11/2024 11:02 (GMT+7)
Thứ tư, 14/09/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/9

Theo dõi KTMT trên

Giá vàng rơi thẳng đứng; Tăng trưởng GDP cả năm 2022 có thể tăng 7,7%... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 14/9.

Giá vàng rơi thẳng đứng

Theo các chuyên gia, giá vàng giảm vì Mỹ vừa công bố lạm phát tăng trở lại. Theo đó, trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,1%. Nếu loại bỏ lương thực và giá năng lượng khỏi rổ CPI thì lạm phát cơ bản của Mỹ tăng thêm 0,6%. Đây là mức lạm phát cao hơn kỳ vọng, báo hiệu một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ sắp đến.

Trả lời Hãng tin CNBC, ông Tai Wong, chuyên gia phân tích Công ty tài chính Heraeus Precious Metals (New York, Mỹ) cho biết, vàng đã giảm giá vì CPI của Mỹ cao hơn dự kiến và thị trường đã có sự chắc chắn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất thêm 0,75%. Đồng thời, đồng USD đang tăng mạnh tiếp tục gây áp lực lên vàng.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/9 - Ảnh 1

Theo dữ liệu mới nhất của CME Group, sau khi công bố CPI tháng 8, giới đầu tư đã loại bỏ hoàn toàn khả năng Fed chỉ tăng 0,5% mà dự báo tổ chức này sẽ thông qua việc tăng lãi suất 0,75% trong cuộc họp vào tuần tới. Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định việc Fed tăng lãi suất lên 1% là có khả năng xảy ra.

Hôm nay (14/9), thị trường vàng trong nước hầu như không biến động theo diễn biến mới nhất trên thị trường vàng quốc tế. Theo đó, vàng PNJ và SJC lần lượt bán ra thị trường là 52,1 và 67 triệu đồng/lượng.

Tăng trưởng GDP cả năm 2022 có thể tăng 7,7%

Đánh giá tích cực về bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm 2022, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế quý III/2022 có thể đạt tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Phân tích kỹ hơn về dự báo này, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, GDP quý III/2021 của Việt Nam âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP quý tính đến thời điểm này. Nên quý III/2022, tăng trưởng GDP dễ bứt phá. Dự báo cả năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7,7%.

Trong đó, điểm hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm và cả năm 2022 là công tác phòng, chống dịch hiệu quả thông qua tiêm vắc-xin đại trà và chuyển sang một giai đoạn sinh hoạt xã hội gần như bình thường, tạo ra những chuyển biến nhanh về lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng. Theo đó, nhìn về phía cung, ngành dịch vụ đã có sự bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm 2021, tạo chuyển biến cho tăng trưởng kinh tế 8 tháng. Còn nhìn về phía cầu, kinh tế 8 tháng phục hồi chủ yếu do tiêu dùng phục hồi, từ hoạt động đi lại, vận tải đến du lịch, ăn uống, khách sạn nhà hàng…

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/9 - Ảnh 2
Tăng trưởng GDP cả năm 2022 có thể tăng 7,7%.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm còn được hỗ trợ của đầu tư, trong đó đầu tư tư nhân tăng trưởng rất tốt và đầu tư công cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái…

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, khiến giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón tăng cao… đã và sẽ tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta trong những tháng tới. Cùng đó, diễn biến lạm phát, lãi suất, tỷ giá và nguy cơ suy thoái kinh tế của kinh tế thế giới là thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu MFN mặt hàng chế phẩm xăng

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện lần 2 dự thảo nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu gửi các bộ, ngành, hiệp hội có liên quan.

Bộ này cho biết, ngày 8/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì, theo đó điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xăng động cơ không pha chì (thuộc mã từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.

Tuy nhiên, ngoài mặt hàng xăng động cơ không pha chì, nhóm 27.10 còn có các chế phẩm, là sản phẩm chế biến từ dầu mỏ nhưng có chỉ số octan khác xăng động cơ và được sử dụng như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hoặc các ngành công nghiệp như pha sơn hay pha xăng có mã HS 2710.12.31, 2710.12.39, 2710.12.40, 2710.12.50, 2710.12.60, 2710.12.70, 2710.12.80, 2710.12.91, 2710.12.92, 2710.12.99 đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 20%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/9 - Ảnh 3
Đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu MFN mặt hàng chế phẩm xăng. (Ảnh minh họa)

Để đảm bảo thống nhất với thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì hiện đã được điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10%, hỗ trợ giảm giá nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc ban hành biểu thuế là thuế suất nguyên liệu thấp hơn thành phẩm, tránh vướng mắc trong việc phân loại của cơ quan hải quan, Bộ đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất đối với các mặt hàng chế phẩm xăng này bằng với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xăng không pha chì là 10%.

Về giảm thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng Ethanol, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số cơ quan về đề nghị về giảm thuế nhập khẩu MFN mặt hàng Ethanol mã HS 2207.20.19 từ 15% xuống 10%, mã HS 2207.20.11 từ 15% xuống 10%.

Hiện, Việt Nam có 6 nhà máy sản xuất Ethanol để phối trộn làm xăng sinh học. Nhu cầu sử dụng Ethanol để pha chế xăng E5 RON92 trong nước khoảng 200.000m3/năm. Năng lực sản xuất Ethanol của các nhà máy tại Việt Nam đạt 400.000 m3/năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, đa số các nhà máy đã dừng hoạt động do thua lỗ. Một số nhà máy đang xây dựng đã dừng không xây dựng vì nhiều nguyên nhân đến từ thiếu hụt vốn, nguồn nguyên liệu thiếu ổn định và sức ép cạnh tranh cao từ Ethanol nhập khẩu.

Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng Ethanol và xăng khoáng là nguyên liệu đầu vào để pha chế ra xăng sinh học. Khác với xăng khoáng là sản phẩm có nguồn gốc từ tài nguyên khoáng sản không tái tạo thì Ethanol là sản phẩm của ngành nông nghiệp (được sản xuất từ sắn, ngô, gạo, bã mía...) có khả năng tái tạo được nên Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá xăng thế giới và trong nước tăng cao kèm theo sự thiếu hụt về cung ứng xăng dầu thì việc nhập khẩu Ethanol sẽ bù đắp phần thiếu hụt của xăng khoáng. Các sắc thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đều quy định ưu đãi đối với mặt hàng Ethanol.

Theo nguyên tắc thuế suất thấp hơn thuế suất thuế nhập khẩu xăng khoáng nhưng vẫn đảm bảo dư địa để đàm phán hiệp định thương mại (FTA) cho các biểu thuế tới đây. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế suất mặt hàng Ethanol từ 15% xuống 10% thay cho phương án 12% đã gửi xin ý kiến.

"Việc điều chỉnh như trên không tác động đến sản xuất trong nước do mức điều chỉnh không lớn, nhưng sẽ tác động giảm giá mặt hàng xăng dầu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, việc điều chỉnh góp phần tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thực hiện theo phương án này sẽ tác động làm giảm thu ngân sách, nhưng dự kiến số giảm thu không quá lớn", Bộ Tài chính giải thích.

ADB: Lượng phát hành trái phiếu Chính phủ tại nhiều nước tăng vọt

Theo báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố ngày 14-9 cho thấy, lãi suất trái phiếu dài hạn tại khu vực Đông Á mới nổi đã giảm trong giai đoạn từ ngày 15-6 tới 24-8 trong bối cảnh rủi ro gia tăng và triển vọng kinh tế u ám, ngay cả khi các điều kiện tài chính đã được nới lỏng đôi chút.

Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc; Hồng Kông (Trung Quốc); Indonesia, Hàn Quốc; Malaysia; Philippine; Singapore; Thái Lan và Việt Nam.

Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm bằng đồng nội tệ giảm trong khi đường cong lãi suất đi ngang. Cả hai yếu tố này đều là những tín hiệu điển hình cho thấy các nhà đầu tư dự đoán tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Các đồng tiền trong khu vực tiếp tục giảm giá so với USD.

Các điều kiện tài chính tại Đông Á mới nổi đã được nới lỏng đôi chút từ giữa tháng 7 tới giữa tháng 8, khi các thị trường chứng khoán tăng điểm. Phần bù rủi ro thu hẹp và dòng vốn đầu tư gián tiếp đã quay trở lại với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.

Tuy nhiên, những rủi ro hiện tại và mới xuất hiện tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, bao gồm những quan ngại về lạm phát kéo dài, việc thắt chặt tiền tệ nhanh hơn dự kiến của FED, tác động dai dẳng của đại dịch COVID-19, sự suy thoái nhanh hơn dự kiến của Trung Quốc và hậu quả kéo dài từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina.

Cũng theo ADB, lượng phát hành trái phiếu Chính phủ tăng vọt ở mức 25,9% so với quý trước, khi các chính phủ vay nợ để hỗ trợ công cuộc phục hồi kinh tế. Tổng lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành đạt 14.500 tỉ USD.

Trong khi đó, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp giảm 4,9% trong bối cảnh triển vọng kinh tế suy yếu và chi phí vay gia tăng, đưa tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đạt mức 8.400 tỉ USD.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới