Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/4
Giá vàng tiếp đà giảm mạnh; Dự báo giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 20/4/2022.
Giá vàng tiếp đà giảm mạnh
Giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.944 USD/ounce, giảm mạnh 32 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Giá vàng sáng 20/4 giảm mạnh chủ yếu là do giá USD chạm mức cao nhất trong 2 năm qua và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên gần 3% - mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2018. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ mạnh tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong cuộc họp tháng 5, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản để hạ nhiệt lạm phát. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ đêm qua đồng loạt xanh sàn, chứng tỏ một phần dòng tiền trên thị trường đang dồn vào cổ phiếu.
Trước tình hình trên, giới đầu cơ vàng nhận thấy giá kim loại quý rơi vào hoàn cảnh bất lợi nên nhanh tay bán ra chốt lời, đẩy giá vàng giảm mạnh hơn 30 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, sáng nay, giá vàng SJC tiếp tục giảm mạnh so với phiên trước. Theo đó, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mức 69,5 – 70,2 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng giá vàng SJC mua - bán trong khoảng 69,55 – 70,27 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 69,5 – 70,2 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 600.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 69,5 – 70,2 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 600.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Dự báo giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng
Thông tin từ đại diện Bộ Xây dựng cho biết từ giữa tháng 2 đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã bắt đầu tăng mạnh; trong khi thị trường xi măng, cát, đá… cũng tiếp tục điều chỉnh tăng.
Cụ thể, từ giữa tháng 2 đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã bắt đầu tăng thêm từ 600 - 1.200 đồng/kg; đến giữa tháng 3, giá thép lần lượt tăng 3,5% so với giá tại thời điểm tháng 2 và 7,5% so với tháng 1.
Theo khảo sát thị trường, ở thời điểm hiện tại, giá thép xây dựng các loại rơi vào khoảng 18.600-20.600 đồng/kg. Trong đó, giá thép tròn tại nhà máy trung bình sau thuế VAT của các nhà sản xuất Hòa Phát, Miền Nam, Việt Nhật lần lượt là 18.300 đồng/kg, 18.600 đồng, 19.000 đồng/kg; giá thép hình các loại trung bình khoảng 20.600 đồng/kg. Như vậy, trung bình trong quý I/2022, giá thép xây dựng các loại khoảng 18.890 đồng/kg, tăng 3,5% so với quý IV/2021.
Đối với thị trường xi măng, hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm, nhưng thực tế có thể sản xuất với số lượng lớn hơn.
Thông tin từ Bộ Xây dựng, dù dư cung nhưng do áp lực giá nguyên liệu đầu vào như điện, vỏ bao, xăng dầu, nhất là than nên giá xi măng vẫn tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn so với quý IV/2021 (tăng 1-3% so với quý IV/2021 và tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021).
Về giá cát, đất đắp, đá xây dựng…, Bộ Xây dựng cho biết trong quý I/2022, giá đất đắp trung bình tại các mỏ là 35.000-40.000 đồng/m3, giá cát trung bình đến công trình là 337.000 đồng/m3, giá đá trung bình đến hiện trường công trình là 224.000 đồng/m3. Tuy nhiên, giá xăng dầu đang cao dẫn đến nguồn cung về cát, đất đắp, đá xây dựng khan hiếm.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian sắp tới, các loại vật liệu xây dựng này sẽ còn tiếp tục tăng giá.
Để quản lý và bình ổn giá vật liệu xây dựng, tránh những biến động giá nhiên, vật liệu xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá vật liệu xây dựng.
Cụ thể, tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.
Đồng thời, giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông nói chung và các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt giá trị 388 tỷ USD, duy trì thứ hạng 33 thế giới
Ngày 20/4/2022 tại Hà Nội, Cục Xúc Tiến thương mại - Bộ Công Thương và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề: 'Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa'.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá sau 20 năm hình thành phát triển, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt thành quả tích cực, thu hút và tạo uy tín với doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan quản lý, người tiêu dùng trong nước.
Trong 3 năm trở lại đây, giá trị thứ hạng thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục cải thiện, nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.
Báo cáo đánh giá từ Brand Finance cho thấy năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, giá trị đạt 388 tỷ USD. Thương hiệu quốc gia Việt Nam duy trì thứ hạng 33 trong top 100 thương hiệu mạnh thế giới trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Việt Nam là một trong 10 nền kinh tế có độ mở thị trường lớn nhất thế giới, với tỷ trọng xuất khẩu trên GDP tăng liên tục qua các năm, đây cũng là điều kiện tốt tăng hạng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trên bảng xếp hạng thế giới.
Việt Nam cũng được xem là điểm sáng nhờ tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được, thể hiện sự chủ động nâng cao tầm vóc Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như chìa khóa gia tăng giá trị cho sản phẩm, giá trị cho doanh nghiệp. Minh chứng từ thực tế cho thấy nhiều thương hiệu Việt Nam đã gây được tiếng vang ở thị trường khu vực và quốc tế.
Báo cáo của Brand Finance cũng chỉ ra trong top 50 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia đạt đến 34% trong năm 2021. Trong top 10 thương hiệu giá trị lớn Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu quốc gia tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên 60% năm 2021.
Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam trong top 10 thương hiệu giá trị nhất theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể từ 21,9% năm 2018 lên 68% năm 2021.
Theo ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đi kèm quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, GDP và kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam có thêm nhiều thương hiệu doanh nghiệp lớn mạnh, vươn mình ra sân chơi quốc tế. Sự thành công này cũng có một phần đóng góp của doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong việc đưa hàng hóa Việt Nam đến với thị trường nước sở tại. Cơ sở phân phối tuy quy mô hạn chế nhưng đã phủ sóng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó kể tới các trung tâm thương mại, chợ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng đã hỗ trợ tìm hiểu luật pháp các nước, thị hiếu người dân bản địa nhằm đưa các sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối thế giới, nền tảng giao dịch thương mại quốc tế giúp các sản phẩm Việt Nam được biết tới rộng rãi, được bảo hộ bài bản hơn.
90% nhu cầu tài chính cá nhân của người Việt có thể thực hiện trên smartphone
Các nhu cầu tài chính cá nhân hiện nay như thanh toán các khoản vay, mua bảo hiểm, gửi tiết kiệm online, đầu tư tích lũy, tín dụng tiêu dùng... đều có thể thực hiện trên smartphone, thay vì phải ra quầy giao dịch như trước kia.
Báo cáo mới đây của MoMo cho hay, mảng tài chính – bảo hiểm của công ty hiện có khoảng 10 triệu người dùng sau 4 năm tung dịch vụ ra thị trường. Với khoảng 70 đối tác cung cấp các dịch vụ nói trên, 90% nhu cầu tài chính của người dùng cá nhân đã được cung cấp đủ.
Trong số này, có khoảng 4 triệu người dùng sử dụng dịch vụ vay, 3 triệu người mua các sản phẩm bảo hiểm và hơn 4 triệu người sử dụng các dịch vụ đầu tư tích lũy. Phần lớn (60%) người dùng sử dụng từ hai dịch vụ tài chính đều đặn hàng tháng.
Trong toàn bộ hệ sinh thái của MoMo, mảng tài chính – bảo hiểm thuộc nhóm tăng trưởng nhanh, với mức tăng gấp 3-5 lần mỗi năm. Tính đến cuối năm 2021, người dùng mua hàng chục triệu hợp đồng bảo hiểm, hàng ngàn tỷ đồng chi tiêu thông qua sản phẩm tín dụng tiêu dùng, với số lượng người dùng tăng hơn 3 lần trong năm qua.
Theo hãng nghiên cứu và tư vấn McKinsey & Company, năm 2021, tỷ lệ người dùng dịch vụ của fintech (công nghệ tài chính) tại Việt Nam đạt 56%, tăng từ mức 16% năm 2017. Quy mô hệ sinh thái số Việt Nam ước đạt 50 tỷ USD và có thể tăng gấp đôi lên 100 tỷ USD vào năm 2025.
Việc đưa các dịch vụ tài chính lên smartphone giúp xóa bỏ rào cản thủ tục, rút ngắn thời gian và gia tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân Việt. Từ đó, các dịch vụ tài chính có thể chạm đến nhiều tầng lớp trong xã hội, bao gồm các đối tượng thu nhập trung bình thấp, doanh nghiệp nhỏ/siêu nhỏ.
Hà Lan