Chủ nhật, 24/11/2024 10:38 (GMT+7)
    Thứ hai, 20/06/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/6

    Theo dõi KTMT trên

    Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng nhanh; IATA dự báo ngành hàng không thế giới sẽ có lãi vào năm 2023... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 20/6/2022.

     Nhóm tài chính và vật liệu xây dựng lao dốc, VN-Index mất gần 37 điểm

    Thị trường chứng khoán chào tuần mới bằng một phiên giao dịch ảm đạm. Lực cung giá rẻ áp đảo thị trường từ trong đợt giao dịch sáng và kéo trong ngày trong khi dòng tiền rất thận trọng.

    Trong cả phiên, thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt 18.500 tỷ đồng, tương đương 817 triệu đơn vị. Theo đó, VN-Index mất 36,9 điểm và về mức 1.180,4 điểm. Cùng chung xu thế, HNX-Index cũng rơi 12,14 điểm, xuống mức 267.92 điểm, UpCoM-Index giảm 1,66 điểm, xuống 85,44 điểm.

    Trong đợt giao dịch xác định giá mở cửa, nhóm ngân hàng và chứng khoán dẫn dắt thị trường trong sắc xanh với các đại diện tiêu biểu như mã SHB, HCM, TPB, VCB…

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/6 - Ảnh 1
    Ảnh minh họa.

    Tuy nhiên sau đó, xu thế bán bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng lan rộng ra các dòng cổ phiếu. Tâm lý nhà đầu tư mỗi lúc một yếu khiến các mã cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán ra ồ ạt và dẫn dắt thị trường lao dốc.

    Cụ thể, trong rổ VN30 chỉ có hai mã VJC, VNM lội dòng tăng nhẹ, còn lại các mã khác đồng loạt giảm giá, trong đó các mã GAS, HPG, POW, SSI, STB đóng cửa với mức giá “nện sàn.” Kết thúc, VN30-Index giảm mạnh 32,47 điểm, tương đương 2,6%.

    Trong phiên, nhóm cổ phiếu tài chính đã giảm 7,7% giá trị vốn hóa, nhóm chứng khoán giảm 6,5%. Bên cạnh đó, nhóm vật liệu xây dựng giảm 6%, chủ yếu từ nhóm sản xuất thép, xi măng và bê tông bị nhà đầu tư bán tháo với mức giá giảm kịch biên độ, đại diện như HPG, HSG, NKG, ACC, FCM…

    Chốt phiên, toàn thị trường có 699 mã giảm điểm (trong đó 225 mã giảm sàn) và 728 mã đi ngang và 200 mã tăng giá.

    IATA dự báo ngành hàng không thế giới sẽ có lãi vào năm 2023

    Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ngày 20/6 đưa dự báo tình hình của ngành hàng không năm 2022 cho thấy lượng hành khách đi máy bay sẽ đạt 83% mức trước đại dịch COVID-19 và ngành hàng không có thể có lãi trong năm 2023.

    Trong dự báo, Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh nêu rõ các hãng hàng không đang phục hồi với số lượng hành khách đang tăng lên. Vận chuyển hàng hóa tăng trưởng tốt mặc dù nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/6 - Ảnh 2
    IATA dự báo ngành hàng không thế giới sẽ có lãi vào năm 2023.

    Ngành hàng không thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, với lượng hành khách giảm tới 60% trong năm 2020 và giảm tiếp 50% trong năm 2021.

    Các hãng hàng không thiệt hại gần 200 tỷ USD trong hai năm đại dịch vừa qua, trong khi một số hãng hàng không bị phá sản, các hãng khác được nhà nước hỗ trợ, phục hồi và bắt đầu làm ăn có lãi.

    IATA đại diện cho 290 hãng hàng không, chiếm 83% lượng vận tải hàng không toàn thế giới.

    Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng nhanh

    Tại Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt” nằm trong chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt”, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hoạt động chuyển đổi số ngân hàng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán.

    Tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

    Trong đó nổi bật là tỉ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%. Cả nước đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).

    Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: Mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm..

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/6 - Ảnh 3
    Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng nhanh.

    Đáng chú ý, trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

    Theo thống đốc NHNN, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số ngày càng phát triển.

    Với xu hướng này, nhiều kênh thanh toán hiện đại đang được phía ngân hàng đang thúc đẩy nhiều kênh thanh toán hiện đại như ứng dụng mobile banking, ví điện tử, tiết kiệm, bảo hiểm, thanh toán nhà hàng, du lịch, y tế, giáo dục,...

    “Hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn đáp ứng được hầu hết nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế. Các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới như thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử... đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam với chi phí hợp lý”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

    Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đang phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu các phương án kết nối, khai thác thông tin công dân tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD gắn chip phục vụ xác thực, làm sạch dữ liệu khách hàng tại các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng.

    Về mục tiêu cụ thể trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, mục tiêu đến năm 2030, NHNN đặt ra 50 - 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50 - 80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng.

    Trong thời gian tới để thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích trên cơ sở ứng dụng cộng nghệ và đổi mới sáng tạo.

    Tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

    Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

    Đồng thời, phía NHNN sẽ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn.

    Mỹ cân nhắc bỏ bớt thuế quan với hàng Trung Quốc và thuế khí đốt

    Theo các quan chức kinh tế hàng đầu của Mỹ hôm 19/6, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc dỡ bỏ một số thuế quan đối với Trung Quốc cũng như tạm dừng thuế khí đốt liên bang nhằm đối phó lạm phát.

    Reuters trích dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ đương nhiệm Janet Yellen nhận định một số thuế quan đối với Trung Quốc từ thời cựu Tổng thống Donald Trump "không có mục đích chiến lược". Do đó trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay, Tổng thống Joe Biden đang xem xét loại bỏ một số loại thuế như một cách để phần nào hạ nhiệt thị trường.

    Bà Yellen cho biết chính quyền đang xem xét chính sách thuế quan lên Trung Quốc. Tuy nhiên, bà lại không nêu chi tiết và từ chối cho biết khi nào có thể có quyết định chính thức. Theo bà, tất cả mọi người đều nhận ra rằng các chính sách thuế quan hàng trăm tỷ USD mà Mỹ đang áp đặt lên Trung Quốc là được thừa hưởng từ trước đó. Trong khi đó, một số đang làm tăng ngược lại chi phí cho người tiêu dùng.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/6 - Ảnh 4
    Mỹ cân nhắc bỏ bớt thuế quan với hàng Trung Quốc và thuế khí đốt.

    Vì vậy, ông Biden đang xem xét loại bỏ một số thuế quan mà người tiền nhiệm áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, khi cuộc chiến thương mại gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa kết thúc.

    Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm lại cho biết, Tổng thống Joe Biden cũng đang cân nhắc việc tạm dừng đánh thuế khí đốt liên bang để hạ giá. Các bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đang phải vật lộn để đối phó với giá xăng cao kỷ lục và lạm phát tồi tệ đang ở mức cao nhất trong 40 năm.

    Thêm vào đó, dù đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, mạnh nhất từ năm 1994 trở lại đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Cleveland bà Loretta Mester vẫn đưa ra nhận xét lạm phát sẽ mất 2 năm để giảm xuống mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

    Đặc biệt, bà Granholm và Yellen đều nhắc lại lập trường của Tổng thống Biden rằng suy thoái là "không thể tránh khỏi". Gần đây, câu hỏi về việc liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có rơi vào suy thoái hay không là mối quan tâm ngày càng tăng của các giám đốc điều hành, Cục Dự trữ Liên bang và chính quyền ông Biden.

    Bất chấp các khẳng định từ chính quyền hiện thời cũng như nhiều chuyên gia khác, cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Lawrence Summers nói với NBC News rằng, ông kỳ vọng một cuộc suy thoái sẽ diễn ra. Theo ông, khả năng cao là Fed sẽ phải tăng lãi suất hơn nữa để ngăn chặn lạm phát, nhưng để lạm phát dừng lại thì lãi suất cũng sẽ phải ở mức đủ cao để nền kinh tế rơi vào suy thoái.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới