Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/9
Giá vàng vẫn đang giảm mạnh; Hồi phục, VN-Index tăng hơn 13 điểm... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 20/9.
Giá vàng vẫn đang giảm mạnh
Vào ngày 21/9 tới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có động thái điều chỉnh lãi suất tiếp theo. Thị trường đang dự báo Fed khó có khả năng giảm lãi suất, mà ngược lại có thể tăng mạnh thêm 0,75-1% trước áp lực lạm phát đã tăng nóng trở lại.
Dưới áp lực này, phiên giao dịch hôm nay (20-9), vàng thế giới tiếp tục giảm về mức 1.672 USD/ounce, tương đương 48,1 triệu đồng/lượng.
Trả lời Hãng tin CNBC, ông Daniel Pavilonis, chuyên gia phân tích RJO Futures nhận định, hiện nay lợi suất trái phiếu cao đang gây áp lực lên giá vàng. Nhưng quan trọng nhất, kỳ vọng Fed tăng lãi suất chính là yếu tố tác động làm giảm giá vàng.
Giá vàng hiện giảm chậm vì thị trường vàng thỏi ở London, trung tâm thương mại vàng vật chất lớn nhất thế giới, đã tạm đóng cửa để tổ chức Quốc tang cho Nữ hoàng Elizabeth II, khiến khối lượng giao dịch hạn chế.
Hôm nay (20/9), vàng PNJ và SJC lần lượt bán ra thị trường trong nước là 51,4, 66,6 triệu đồng/lượng.
Hồi phục, VN-Index tăng hơn 13 điểm
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.164 tỷ đồng, giảm 36%; trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 36% và đạt 9.559 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch sáng, thị trường có sự hồi phục nhất định, các chỉ số được kéo lên trên mốc tham chiếu với sự nâng đỡ của nhiều cổ phiếu lớn. Trong đó, GAS tăng 1,7%, VHM tăng 1,5%, CTG tăng 1,2%, VNM tăng 1,1%...
Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm phân bón, khu công nghiệp, dầu khí, thủy sản, vận tải biển, năng lượng... hồi phục tốt.
Chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn bao trùm lên khá nhiều cổ phiếu, như HDG, BCM, NVL.. khiến đà hồi phục của các chỉ số còn khá yếu.
Cuối phiên sáng, đà hồi phục của các chỉ số bị chặn đứng khi áp lực bán dâng cao và kéo nhiều cổ phiếu trụ cột giảm trở lại. Trong đó, BCM giảm 4,5%, MWG giảm 1,6%, PLX giảm 1,1%, VPB giảm 1%...
Trong phiên chiều, lực cầu trở lại, giúp hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu có sự hồi phục nhất định. Tại nhóm chứng khoán, SSI tăng 2,5%, VND tăng 2,5%, HCM tăng 1,8%.... Ở nhóm ngân hàng, LPB tăng 2,6%, STB tăng 1,9%, SHB tăng 1,9%...
Bên cạnh đó, các cổ phiếu trụ cột như SAB, GAS, GVR, VHM... cũng đồng loạt tăng giá.
Về cuối phiên giao dịch, thị trường diễn biến tích cực hơn khi hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu tăng mạnh. SSI tăng đến 4%, BID tăng 2,8%, GVR tăng 2,6%, BVH tăng 2,4%, CTG tăng 2%.
Hãng chế tạo ôtô Ford dự kiến vượt chi 1 tỷ USD cho nhà cung cấp
Ngày 19/9, hãng chế tạo ôtô Ford cho biết trước đà tăng của lạm phát, chi phí trả cho các nhà cung cấp trong quý 3/2022 sẽ cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với dự kiến ban đầu.
Hãng xe trên cũng ước tính vào cuối quý 3 sẽ có từ 40.000-45.000 xe tồn kho do các vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra tình trạng thiếu một số linh kiện.
Ford dự kiến sẽ giao những chiếc xe trên trong quý 4, giúp hãng bám sát dự báo về doanh thu trước lãi vay và thuế.
Ford cho biết các loại xe đang thiếu phụ tùng chủ yếu là xe tải và SUV phổ thông có nhu cầu cao, lợi nhuận cao. Giống như các nhà sản xuất ôtô khác, Ford đã phải vật lộn từ đầu năm 2021 với tình trạng thiếu chip. General Motors đã khép lại quý 2 với gần 95.000 xe thiếu linh kiện.
Hồi tháng Tám, Ford xác nhận sẽ cắt giảm khoảng 3.000 việc làm, chủ yếu ở Bắc Mỹ và Ấn Độ, khi hãng đẩy mạnh việc chuyển đổi sang ôtô điện (EV).
Người phát ngôn Ford cho biết việc tái cơ cấu sẽ liên quan đến 2.000 nhân viên và 1.000 nhà thầu chủ yếu ở Mỹ, Canada và Ấn Độ, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến công nhân nhà máy.
Cũng theo người phát ngôn này, kế hoạch cắt giảm việc làm trên "phù hợp với những gì chúng tôi đã mô tả từ khá lâu" và nhằm mục đích giúp Ford hoạt động hiệu quả hơn.
Doanh thu TMĐT của Việt Nam có thể sớm vượt Thái Lan, ngang Singapore
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), doanh thu kinh tế Internet của Việt Nam vào năm 2025 có thể đạt tới 57 tỷ USD, vượt qua hầu hết quốc gia trong khu vực như Thái Lan (56 tỷ USD), Philippines (40 tỷ USD), Malaysia (35 tỷ USD), Singapore (27 tỷ USD) và chỉ đứng sau Indonesia (146 tỷ USD).
Trong đó, doanh thu mảng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam vào năm 2025 có thể lên tới 39 tỷ USD, ngang Singapore và đứng sau Indonesia (104 tỷ USD).
Hiện người Việt Nam dành trung bình 6 giờ 38 phút để truy cập Internet, thấp hơn mức chung của toàn cầu (6 giờ 58 phút) cũng như một số quốc gia trong khu vực, đơn cử như Philippines (10 giờ 27 phút), Malaysia (9 giờ 10 phút), Thái Lan (9 giờ 6 phút), Indonesia (8 giờ 36 phút) hay Singapore (7 giờ 29 phút).
Tương tự, tỷ lệ người dùng Internet mua sắm hàng tuần tại Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với những quốc gia kể trên. Song, với tốc độ gia tăng quy mô được dự báo trong thời gian tới, thị trường TMĐT còn nhiều dư địa để phát triển.
Năm 2021, Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam cũng như toàn thế giới. Tình trạng một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn tăng trưởng âm đã kéo mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước đó, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm. Tổng kết cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Dẫu vậy, TMĐT vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD năm 2021. Tỷ trọng doanh thu bán lẻ TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Bước sang năm 2022, doanh thu bán lẻ của lĩnh vực TMĐT được dự báo đạt 16,4 tỷ USD, tức tăng thêm 20% so với năm liền trước. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Suốt 5 năm qua, số lượng ước tính người dùng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam liên tục được mở rộng. Từ 33,6 triệu người vào năm 2017, tương đương 35% dân số, lên 54,6 triệu người trong năm 2021, tương đương 55,4%. Dự kiến trong năm nay, số lượng người dùng mua sắm trực tuyến có thể tăng lên 57-60 triệu người, tương đương 57,5-60,5% dân số cả nước.
Đáng chú ý, giá trị mua sắm trực tuyến bình quân của người dân Việt Nam dự báo tăng lên 260-285 USD/người, cao hơn 40-53% so với hồi năm 2017.
Hà Lan