Chủ nhật, 24/11/2024 10:56 (GMT+7)
    Thứ ba, 22/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/3

    Theo dõi KTMT trên

    Alibaba tăng quy mô mua lại cổ phiếu lên 25 tỷ USD; Giá vàng trong nước bật tăng trở lại theo thế giới... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 22/3/2022.

    Giá vàng trong nước bật tăng trở lại theo thế giới

    Chốt phiên giao dịch ngày 22/3, giá vàng tại thị trường New York đã bật tăng hơn 14 USD/ounce.

    Cụ thể, tại thị trường New York, giá vàng đã đảo bật tăng trở lại trong phiên giao dịch đêm qua (21/3 - theo giờ Việt Nam) do đồng đô la Mỹ suy yếu và giới đầu tư tìm đến vàng và dầu khi mà bất ổn gia tăng tại khu vực châu Âu.

    Giới phân tích cho rằng giá vàng vẫn đứng vững trên vùng 1.900 USD/ounce trong bối cảnh lạm phát tiếp tục cao cùng, với sự gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/3 - Ảnh 1
    Giá vàng tròng nước bật tăng mạnh trong phiên chiều nay 22/3.

    Giá vàng vẫn đang "tỏa sáng" như một tài sản trú ẩn an toàn. Theo Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng thỏi, vàng miếng và đồng xu vàng năm 2021 đạt 1.124 tấn, mức cao nhất trong gần một thập kỷ, với mức đầu tư của Mỹ và Đức cao kỷ lục.

    Theo chiều đi lên của thế giới, giá vàng SJC cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng khoảng 150 nghìn đồng/lượng trong sáng nay. Hiện giá vàng SJC vẫn duy trì ở mức dưới 69 triệu đồng/lượng.

    Cụ thể, lúc 8h30 phút sáng nay (22/3), giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,95 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra là 68,87 triệu đồng/lượng, tăng tương đương 150 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào - bán ra so với phiên trước đó.

    Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 67,7 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra ở mức 68,7 triệu đồng/lượng.

    Alibaba tăng quy mô mua lại cổ phiếu lên 25 tỷ USD

    Đây là lần thứ hai Alibaba Group Holding Ltd mở rộng chương trình mua lại trong một năm. Tăng chương trình từ 10 tỷ đô la lên 15 tỷ đô la vào tháng 8 năm ngoái, cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 50% trong năm qua.

    Phó Giám đốc Tài chính Toby Xu cho biết: "Việc mua lại cổ phiếu có kích thước lớn nhấn mạnh niềm tin của chúng tôi vào tiềm năng tăng trưởng bền vững, lâu dài và việc tạo ra giá trị của Alibaba", "Giá cổ phiếu của Alibaba không phản ánh đúng giá trị của công ty dựa trên sức khỏe tài chính mạnh mẽ và các kế hoạch mở rộng của chúng tôi" ông cho biết thêm.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/3 - Ảnh 2

    Cổ phiếu của Alibaba đã tăng 4,8% tại Hồng Kông sau tin tức này. Tại Hoa Kỳ, cổ phiếu của nó đóng cửa giảm 4,3% vào thứ hai. Công ty hiện đang chuẩn bị sa thải hàng chục nghìn nhân viên, Alibaba cho biết họ đã mua lại khoảng 9,2 tỷ USD cổ phiếu niêm yết tại Mỹ tính đến ngày 18/3 theo chương trình đã công bố trước đó, dự kiến kéo dài đến cuối năm nay. Theo đó, chương trình trị giá 25 tỷ đô la hiện tại sẽ có hiệu lực trong thời gian hai năm đến tháng 3 năm 2024.Alibaba nâng chương trình mua lại cổ phiếu của mình lên 25 tỷ đô la, đây là kế hoạch mua lại lớn nhất từ trước đến nay của gã khổng lồ thương mại điện tử, để nâng đỡ cổ phiếu bị đánh giá của mình khi họ chống lại sự giám sát của pháp luật và lo ngại về việc tăng trưởng chậm lại.

    Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ tăng điểm trong vài ngày qua sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He nói rằng Bắc Kinh sẽ triển khai thêm các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế cũng như các bước chính sách thuận lợi cho thị trường vốn.

    Bộ Tài chính muốn duy trì Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm

    Sáng 22/3, tiếp tục Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

    Liên quan đến Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm bởi sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.

    Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/3 - Ảnh 3
    Bộ Tài chính muốn duy trì Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm.

    Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đều có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

    Việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là hợp lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất việc giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng số dư quỹ, bảo đảm xử lý số dư Quỹ đúng mục đích thành lập Quỹ.

    Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc từ khi hình thành, hiện Quỹ có 1.000 tỉ đồng và “chưa chi đồng nào”.

    “Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng chúng tôi muốn giữ quỹ này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói và giải thích, như khi thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp bảo hiểm có thể khó khăn, mất khả năng thanh toán. Khi đó, Nhà nước sẽ sử dụng quỹ này để hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm.

    Theo lý giải của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vừa rồi có Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chúng ta mới thực hiện chia sẻ cho người lao động. Ở đây cũng thế, để chia sẻ cho người bảo hiểm cũng cần phải có Quỹ.

    Bộ trưởng Tài chính cho hay, hiện tại mức trích nộp của quỹ này là 0.3%, nếu lo về gánh nặng cho doanh nghiệp thì có thể giảm xuống từ 6-10 lần nhưng cần phải duy trì quỹ và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

    19 quốc gia giàu nhất thế giới cần chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2034

    Theo đó, báo cáo “Các lộ trình chấm dứt sản xuất nhiên liệu hóa thạch” áp dụng các nguyên tắc tương tự đối với dầu và khí đốt. Báo cáo xác định mức sản lượng trong tương lai phù hợp với các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris và điều này có ý nghĩa gì đối với 88 quốc gia chịu trách nhiệm về 99,97% nguồn cung cấp dầu và khí đốt.

    Báo cáo đặt ra các lộ trình loại bỏ dầu khí khả thi cho năm nhóm quốc gia khác nhau dựa trên năng lực của họ nhằm thực hiện một quá trình chuyển đổi, loại bỏ nhanh chóng và đơn giản nhiên liệu hóa thạch.

    Báo cáo đề xuất thời điểm loại bỏ sản xuất dầu và khí đốt của các quốc gia nhằm phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, cũng như cam kết về một quá trình chuyển dịch công bằng. Tính toán dựa trên mức độ giàu có, sự phát triển và sự phụ thuộc kinh tế vào nhiên liệu hóa thạch khác nhau của các quốc gia, báo cáo này cho biết các quốc gia nghèo nhất cần thời gian đến năm 2050 để chấm dứt sản xuất nhưng các nước này cũng sẽ cần nguồn hỗ trợ tài chính đáng kể để chuyển đổi nền kinh tế của họ.

    Báo cáo của Giáo sư Kevin Anderson, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu Tyndall và Tiến sĩ Dan Calverley, khuyến nghị rằng tất cả các quốc gia đều cần cắt giảm đáng kể sản lượng dầu khí trong thập kỷ này. Những quốc gia giàu có nhất, sản xuất hơn một phần ba lượng dầu và khí đốt của thế giới, phải cắt giảm sản lượng 74% vào năm 2030; những quốc gia nghèo nhất, chỉ cung cấp một phần chín nhu cầu toàn cầu, cần cắt giảm 14%.

    Kevin Anderson, Giáo sư về năng lượng và biến đổi khí hậu tại Đại học Manchester, cho biết: "Ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra đòi hỏi một sự chuyển dịch nhanh chóng, loại bỏ nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng điều này phải được thực hiện một cách công bằng. Có sự khác biệt rất lớn về khả năng chấm dứt sản xuất dầu và khí đốt của các quốc gia, trong khi vẫn phải duy trì nền kinh tế năng động đồng thời mang lại một quá trình chuyển dịch công bằng cho công dân của mình. Chúng tôi đã phát triển một lịch trình loại bỏ dần việc sản xuất dầu và khí đốt - với sự hỗ trợ đầy đủ cho các nước đang phát triển - đáp ứng các cam kết về khí hậu nhiều thách thức của chúng ta và thực hiện điều đó một cách công bằng.

    Nghiên cứu đã được hoàn thành trước khi Nga tấn công Ukraine. Tất nhiên, người đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là người dân Ukraine, và thực sự là tất cả những người bị cuốn vào cuộc chiến. Nhưng giá dầu và khí đốt tăng cao chỉ làm củng cố thêm cho nghiên cứu mà chúng tôi đưa ra trong báo cáo của mình mà thôi. Nếu chúng ta đã dành hai mươi năm qua để thiết lập việc sử dụng năng lượng hiệu quả và hợp lý cùng với việc xây dựng số lượng lớn các dự án năng lượng tái tạo, thì giờ đây chúng ta đã không phải tìm kiếm nguồn cung cấp dầu khí thay thế và đối mặt với tác động của giá cả biến động. Bây giờ chính là lúc chúng ta nên lập kế hoạch cho một thế kỷ XXI sử dụng năng lượng tái tạo thay vì sống phụ thuộc vào dầu mỏ như thế kỷ XX".

    Báo cáo được ủy quyền bởi Viện Phát triển bền vững quốc tế, lưu ý rằng, một số quốc gia nghèo hơn phụ thuộc vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch sẽ có nguy cơ gặp bất ổn về chính trị nếu loại bỏ thu nhập này quá nhanh. Các quốc gia như Nam Sudan, Congo-Brazzaville và Gabon, mặc dù là các nước sản xuất nhỏ, nhưng doanh thu từ các lĩnh vực khác ngoài sản xuất dầu và khí đốt là rất ít.

    Ngược lại, báo cáo nhận định: "Các quốc gia giàu có là nhà sản xuất lớn, thường vẫn giàu có ngay cả khi nguồn thu từ dầu khí không còn". Doanh thu từ dầu khí đóng góp 8% vào GDP của Hoa Kỳ nhưng nếu không có nó, GDP bình quân đầu người của quốc gia này sẽ vẫn ở mức khoảng 60.000 USD - mức cao thứ hai trên toàn cầu.

    Có thể nhận định rằng, việc chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch khác cần các quốc gia giàu có nhất trên thế giới hành động "làm gương". Đây là trách nhiệm cần được thể hiện bằng hành động thực tế chứ không phải sự kêu gọi xuông để cứu lấy trái đất khỏi các thảm họa về môi trường và cả sự hủy diệt trong tương lai gần.

    19 quốc gia có GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ (GDP/đầu người) trên 50.000 USD, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2034, với mức cắt giảm 74% vào năm 2030. Nhóm này sản xuất 35% lượng dầu và khí đốt toàn cầu và bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Na Uy, Canada, Úc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

    524 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2022

    Ngày 22/3, tại TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức họp báo về Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2022, chính thức diễn ra chiều 29/3 ở khách sạn Rex Sài Gòn. Năm nay, có 524 doanh nghiệp đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn.

    Trước đó, cuộc khảo sát Người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2022 được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức thực hiện trong hơn 2 tháng, từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022.

    Hội đã tiến hành xác minh, đối chiếu việc tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, gửi thư tới các cơ quan chức năng quản lý nhà nước tại địa phương liên quan để ghi nhận thông tin chính thức về tuân thủ pháp luật kinh doanh (về chất lượng, môi trường, sử dụng lao động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…).

    Qua hơn 2 tháng khảo sát, kết quả nhận về 13.648 phiếu khảo sát, với hơn 7.000 phiếu khảo sát người tiêu dùng trực tuyến thuộc 60 tỉnh, thành phố trên cả nước; đáng chú ý, có 36 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn 26 năm liên tiếp…

    Theo Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe, sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo “xanh” và “sạch”. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng và an toàn đối với sức khỏe đang là một xu hướng nổi bật hiện nay.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới