Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 25/11
Giá vàng tiếp tục tăng, USD chưa ngừng đà giảm, VN-Index hồi phục mạnh,... là những tin tức kinh tế nổi bật nhất ngày 25/11.
Giá vàng hôm nay 25/11: Tăng tiếp, USD chưa ngừng đà giảm
Lúc 9 giờ 15, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 66,6 triệu đồng/lượng, bán ra 67,6 triệu đồng/lượng bán ra, ổn định so với hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 53,1 triệu đồng/lượng mua vào, 54,1 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 50.000 đồng mỗi lượng.
Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước tiếp tục dao động trong biên độ hẹp, giao dịch khá trầm lắng. Dù vậy, biên độ chênh lệch giá mua – bán tiếp tục được các doanh nghiệp duy trì ở mức cao cả triệu đồng/lượng.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.699 đồng/USD, giảm 2 đồng/USD. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 24.654 đồng/USD mua vào, 24.854 đồng/USD bán ra, ổn định so với hôm qua.
Giá vàng thế giới đêm qua có lúc lên tới 1.758 USD/ounce. Đến đầu ngày 25/11, tuy giá vàng hôm nay giao dịch tại 1.756 USD/ounce nhưng vẫn tăng 6 USD so với mức giá cùng thời điểm hôm trước.
Theo giới phân tích, giá vàg tiếp tục tăng từ những kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất, bắt đầu từ tháng 12-2022. Kết quả là giới đầu tư thiếu quan tâm đến USD khiến đồng tiền này chưa ngừng đà giảm giá, có lợi cho giá vàng.
Ông Ole Hansen, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Saxo Bank (Đan Mạch) – một ngân hàng chuyên về giao dịch ngoại hối trực tuyến nhận định thị trường vàng cần một chất xúc tác mới để phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.757 - 1.765 USD/ounce.
"Thế nhưng, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu nắm giữ vàng từ các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư tập dài hạn tăng lên. Tình hình này có thể làm cho lãi suất trái phiếu Mỹ và sức mạnh của đồng USD suy giảm hơn nữa, tác động nhất định đến giá vàng thế giới "- ông Ole Hansen nói.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm tỷ giá bán USD
Sáng nay (25/11), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm 23.669 đồng/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với phiên giao dịch hôm qua. Với biên độ +/-5% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 24.853 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.486 đồng/USD.
Đặc biệt, tỷ giá USD bán ra tại Sở giao Ngân hàng Nhà nước giảm 10 đồng về mức 24.840 đồng/USD. Như vậy, đây là lần thứ ba liên tiếp NHNN giảm tỷ giá giao dịch chỉ trong một tháng, sau khi đã tăng 6 lần kể từ đầu năm.
Lần giảm giá bán đầu tiên diễn ra vào ngày 11/11, lần thứ hai là vào ngày 18/11 với cùng mức giảm là 10 đồng.
Động thái điều chỉnh giảm tỷ giá USD của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sau khi cơ quan này thực hiện 2 đợt tăng mạnh lãi suất điều hành ngày 23/9 và 25/10, mỗi đợt tăng 1%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng được điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn bám sát trần quy định của NHNN.
VN-Index hồi phục mạnh, khối ngoại tiếp đà "gom" thêm 1.000 tỷ đồng cổ phiếu
Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần tiếp nối xu hướng phục hồi và diễn biến tích cực trong suốt phiên giao dịch. Hàng loạt nhóm ngành nhuộm sắc xanh, đóng góp đáng kể cho đà tăng của chỉ số chính. Tâm lý giao dịch như được "cởi trói", đặc biệt nhóm cổ phiếu trụ VN30 có mức hồi phục ấn tượng nhất trên toàn sàn.
Về cổ phiếu ảnh hưởng đến thị trường, VIC, BID và VHM là bộ ba công thần trong phiên hôm nay, đóng góp tổng cộng hơn 8 điểm cho đà tăng; trái lại NVL, GAS, VHC,… lại trở thành các tác nhân khiến thị trường không thể bứt phá cao hơn.
Toàn thị trường có tới 743 mã cổ phiếu tăng giá, trong đó có tới 147 mã tăng kịch trần, hoàn toàn áp đảo so với 240 mã giảm giá.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 23,75 điểm (+2,51%) lên 971,46 điểm. HNX-Index tăng 5,56 điểm lên 196,77 điểm và UPCoM-Index tăng 0,91 điểm lên 68,41 điểm. Thanh khoản trên HoSE tăng 21% so với phiên trước với giá trị khớp lệnh đạt 8.419 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi họ mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 987 tỷ đồng. Lực mua của nhà đầu tư ngoại tập trung giải ngân vào CTG, VHM cùng các cổ phiếu HPG, VIC trong khi bán ròng GAS, VCB.
Trên HoSE, khối ngoại mua ròng với khối lượng gần 38 triệu cổ phiếu, giá trị ghi nhận xấp xỉ 962 tỷ đồng.
Tại chiều mua, cổ phiếu ngân hàng CTG được mua ròng nhiều nhất với giá trị 129 tỷ đồng, VHN xếp tiếp theo danh sách mua ròng mạnh trên HoSE với 112 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại còn mua ròng cổ phiếu HPG và VIC với giá trị lần lượt 97 tỷ đồng và 86 tỷ đồng.
Ngược lại, VCB và GAS chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị lần lượt là 35 tỷ đồng và 18 tỷ đồng. Xếp tiếp theo danh sách bán ròng còn có DIG (13 tỷ đồng), VHC (13 tỷ đồng) và DGC (9 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại mua ròng với giá trị mua ròng hơn 23 tỷ đồng.
IDC hôm nay được khối ngoại mua ròng mạnh với 17 tỷ đồng, ngoài ra dòng vốn ngoại còn tìm tới TNG, SHS và PVI với giá trị từ 2-4 tỷ đồng.
Ngược lại, BCC, NVB, NTP, ... cũng bị bán ròng vài trăm triệu đồng trên HNX.
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng gần 3 tỷ đồng.
Cổ phiếu QNS hôm nay được khối ngoại mua ròng gần 1 tỷ đồng, tương tự, LTG, MCM, ACV cũng đồng loạt được mua ròng mỗi cổ phiếu vài trăm triệu đồng.
Trong khi đó, QSP hôm nay bị khối ngoại bán ròng khoảng 200 triệu đồng; ngoài ra họ cũng bán ròng tại BDG, BDT, SKH, VFC,...
Giá điện nhiều nước vẫn cao trong quý IV
Cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát kéo dài và chiến sự diễn ra tại Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại khiến giá điện ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tăng cao.
*EU giá điện vẫn tăng cao
Theo dữ liệu của Ember, giá bán buôn trung bình những tháng cuối năm ở châu Âu tuy giảm đôi chút nhưng vẫn cao hơn đầu năm. Hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng đã lắng xuống. Theo Ember, ở châu Âu, giá điện bán buôn trung bình tại Ý là: 211,2 €/MWh (tương đương 5.714 VNĐ/kWh); Pháp là 178,9 €/MWh; (khoảng 4.847 VNĐ/kWh); Đức 157,8 €/MWh; (khoảng 4.278 VNĐ/kWh); Tây Ban Nha 127,22 €/MWh (khoảng 3.439 VNĐ/kWh).
Riêng tại Vương quốc Anh, giá điện đã lên đến mức cao kỷ lục, người nghèo có thể bị ảnh hưởng nhiều, giá điện hiện 136,60 €/ MWh. (khoảng 3.710VNĐ/kWh)
Chi phí khí đốt tự nhiên tăng cao và tình trạng thời tiết khô, ít gió bắt đầu từ mùa thu năm 2021 đang là thách thức đối với người dùng điện ở Anh.
Các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như gió, đang tạo ra ít năng lượng hơn dự kiến và hệ thống điện đã phải sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn, trong khi giá nhiên liệu đang tăng nhanh. Đồng thời, với tình hình thực tế là một số máy phát điện bị ngừng hoạt động trong mùa Hè và vẫn chưa khởi động lại đã dẫn tới kết quả là giá điện bán buôn vượt qua mức cao nhất từ trước đến nay.
OFGEM - cơ quan quản lý năng lượng của Vương quốc Anh cho hay, buổi tối là thời điểm có nhiều xu hướng sử dụng điện trong mọi gia đình. Đèn bật sáng cùng hệ thống sưởi và nhiều thiết bị gia dụng khác. Đó là lý do tại sao nhu cầu điện cao nhất vào các buổi tối trong tuần. Việc đáp ứng các đợt cao điểm vào buổi tối này luôn gây khó khăn cho hệ thống điện khi khi nhu cầu cao, cần nhiều tổ máy phát điện hoạt động hơn.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà cung cấp năng lượng đã đáp ứng nhu cầu cao điểm bằng cách bổ sung các nguồn vào hỗn hợp cung cấp có thể dễ dàng phát điện lên và xuống, chẳng hạn như các tổ máy phát điện bằng khí đốt.
Chính phủ Anh đặt mục tiêu phá vỡ sự phụ thuộc này vào năng lượng hóa thạch và thay thế bằng năng lượng tái tạo, thiết lập các khuyến khích pháp lý để khử cacbon trong hệ thống điện. Tuy nhiên, các nguồn tái tạo, như gió và mặt trời, không liên tục và phụ thuộc vào thời tiết.
Nhu cầu thường xuyên vượt quá lượng điện tái tạo sẵn có vào buổi tối, do đó, chi phí phát điện thêm sẽ vẫn cao hơn so với thời gian còn lại trong ngày. Để giảm nhu cầu trong thời gian cao điểm buổi tối, các mức biểu giá theo thời gian sử dụng đang dần được áp dụng để người tiêu dùng bị tính chi phí ít hơn cho việc tiêu thụ năng lượng ngoài những khoảng thời gian này.
*Nhiều khu vực hơn 6.000 đồng/kWh
Theo thông tin từ ngành điện, vào tháng 10/2022, giá điện ở Tokyo đã tăng gần 27%. Đây là nguyên nhân chính làm tăng lạm phát ở một quốc gia nhập khẩu hơn 90% nhiên liệu. Lạm phát đã đặc biệt đè nặng lên các hộ gia đình, vốn đã chứng kiến mức lương trì trệ trong vài thập kỷ qua và không đủ khả năng chi trả cho chi phí gia tăng.
Các biện pháp trợ cấp giá điện của Nhật Bản sẽ được đưa vào gói kinh tế toàn diện sắp tới của chính phủ. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp viện trợ cho các công ty điện lực để cắt giảm giá điện hộ gia đình của họ xuống 7 yên/kWh, để bù đắp việc tăng giá dự kiến cho mùa Xuân tới và sau đó. Biện pháp hỗ trợ này sẽ được cắt giảm từ tháng 9 để tránh cản trở nỗ lực khử cacbon. Giá điện tháng ở Nhật Bản tính theo bậc thang với mức thấp nhất là 19,88 ¥(3.530 VNĐ)/kWh và cao nhất là 30,57 ¥(5.425 VNĐ)/kWh.
Tại Thái Lan, tờ Nation của nước này cho biết, giá điện sinh hoạt tại Thái Lan tăng lên 4,72 baht (3.273 VNĐ)/kWh từ tháng 9/2022 khi Ủy ban điều tiết năng lượng (ERC) sẽ tăng biểu giá nhiên liệu được dùng để tính toán hóa đơn. Cụ thể ERC cho hay sẽ tăng thuế nhiên liệu thêm 0,6866 baht (477 VNĐ) lên 0,9343 baht (638 VNĐ)/đơn vị trong giai đoạn tháng 9 đến tháng 12/2022. Lý do chính của sự gia tăng là do nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các thị trường giao ngay để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng từ Vịnh Thái Lan.
ERC cho biết, sản lượng LNG nội địa của Thái Lan đã giảm từ 3,1 xuống 2,5 triệu feet khối mỗi ngày, buộc nước này phải nhập khẩu thêm LNG để cung cấp cho các nhà máy điện của mình. Trong khi đó, xung đột Nga- Ukraine đã làm tăng giá LNG trên thị trường toàn cầu, làm tăng chi phí sản xuất điện của Thái Lan.
ERC dự đoán tình trạng thiếu LNG sẽ kéo dài đến năm 2023 do nguồn cung ở Thái Lan và Myanmar vẫn không chắc chắn và tình hình kinh tế cản trở đầu tư vào các dự án thăm dò LNG mới.
ERC cũng đang nghiên cứu khả năng sử dụng các nhiên liệu khác để cung cấp cho các nhà máy điện của Thái Lan, bao gồm nhiên liệu dầu, diesel, than đá, thủy điện và năng lượng tái tạo. ERC cũng kêu gọi các hộ gia đình và doanh nghiệp tiết kiệm điện để giảm sự phụ thuộc của đất nước vào LNG nhập khẩu.
Tại Hàn Quốc, giá bán buôn điện đạt mức cao nhất vào ngày đầu tiên của tháng 9/2022 do giá khí đốt quốc tế tăng mạnh từ việc vũ khí hóa năng lượng của Nga, dẫn đến lựa chọn tăng nhiên liệu than thay cho khí đốt tự nhiên để sản xuất điện ổn định trong thời tiết lạnh hơn.
Theo Korea Power Exchange, giá biên hệ thống (SMP), Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) trả cho các nhà máy điện đã tăng lên mức cao kỷ lục hàng ngày là 228,96 won (4.287 VNĐ)/kWh cho nội địa, cao hơn mức cao nhất hàng tháng 202,11 won (3.784 VNĐ)/kWh hồi tháng 4/2022.
Tại Mỹ, giá điện bình quân theo tiểu bang (tháng 10 năm 2022) dao động đáng kể. Ví dụ, các bang không tiếp giáp Thái Bình Dương tăng trung bình 24,18%, trong khi các bang ở Tây Bắc Trung bộ tăng 6,23%. Trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2021 đến năm 2022, một số tiểu bang đã chứng kiến sự tăng vọt về giá điện bình quân, bao gồm Maine, Hawaii, Oklahoma và Illinois, trong số những tiểu bang khác. Trong khí đó, các bang khác, như Michigan, South Dakota, Alaska và Idaho có mức tăng nhẹ.
10 bang có mức giá tăng cao nhất, đứng đầu là New Hampshire 27,47 ¢ (6.810 VNĐ)/kWh và thứ 10 là bang New England 25,59¢ (6.340 VNĐ)/kWh. Trong khi đó 10 tiểu bang có mức giá tăng thấp nhất là Montana 11,55¢ (2.860 VNĐ)/kWh và thứ 10 là New Jersey 17,35¢ (4.300 VNĐ)/ kWh.
Khách hàng sử dụng điện của Mỹ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện tăng là do giá khí đốt tự nhiên biến động, và tình trạng thiếu cung toàn cầu trở nên tồi tệ hơn do chiến sự tại Ukraine. Ngoài ra, còn phải kể đến tác động của biến đổi khí hậu, từ thời tiết khắc nghiệt và dự báo sẽ tồi tệ hơn trong những năm tới.
Ngay tại châu Phi, giá điện gia dụng của châu Phi, tiêu biểu ở đây là Nam Phi, nơi người dân phải trả tiền điện nhiều hơn so với người dân ở hầu hết các quốc gia còn lại của lục địa đen này. Đơn giá trên mỗi kilowatt, Nam Phi nằm gần giữa phổ giá điện toàn cầu với giá trung bình R2,56 (3.672 VNĐ/kWh).
Ngoài Nam Phi, còn có Đan Mạch có giá điện sinh hoạt cao nhất ở mức $ 0,465/kWh (tương đương 11.408 VND/kWh)...