Chủ nhật, 24/11/2024 07:29 (GMT+7)
Thứ ba, 02/08/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/8

Theo dõi KTMT trên

Bitcoin 'đạt thành tích' tốt nhất kể từ tháng 10/2021; Chỉ số giá tiêu dùng TP.HCM tháng 7 tăng 0,4%... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 2/8.

Chỉ số giá tiêu dùng TP.HCM tháng 7 tăng 0,4%

Ngày 2/8, thông tin từ Cục Thống kê TP.HCM cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của thành phố tăng 0,4%.

Theo đó, có 9/11 nhóm tăng so với tháng trước và tăng cao nhất là nhóm bưu chính viễn thông tăng 1,83%. Tiếp theo là nhóm văn hóa giải trí du lịch tăng 1,74%. Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là thiết bị đồ dùng gia đình giảm 0,09% và nhóm giao thông giảm 2,83%;

Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng tháng 7 so với tháng trước, Cục Thống kê thành phố chỉ rõ: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số tăng 1,13%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/8 - Ảnh 1

Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,12% với giá gạo tăng 0,17%. Nhóm thực phẩm tăng 1,17%; trong đó thịt gia súc tăng 1,78%, trứng các loại tăng 1,59%, thịt gia cầm tăng 1,58%, giá dầu thực vật tăng 0,75%; rau tươi, khô và chế biến tăng 2,17%; quả tươi, chế biến tăng 1,16%; bánh mứt kẹo tăng 0,45%...

Theo Cục Thống kê thành phố, nhìn chung giá các mặt hàng vẫn ở xu hướng tăng nhưng tốc độ chậm lại. Dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng cao hơn mức tăng tháng trước, ở mức 1,25%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,65%.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,28%, chủ yếu tập trung giá dịch vụ sữa chữa nhà tăng 1,69%, vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,13%, nước sinh hoạt tăng 1,08%. Giá nhóm gas và các loại chất đốt giảm 1,44%.

Nhóm giao thông giảm 2,83%, chủ yếu là do nhóm nhiên liệu giảm 7,31% sau 3 lần điều chỉnh giảm giá xăng trong tháng.

Về chỉ số giá vàng, USD, Cục Thống kê thành phố cho biết, trong tháng 7, chỉ số giá vàng giảm 1,72% so với tháng trước; bình quân 7 tháng đầu năm 2022 tăng 18,7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá USD tháng 7 tăng 0,33% so với tháng trước; bình quân 7 tháng đầu năm 2022 giảm 0,18% so với cùng kỳ.

Áp thuế chống bán phá giá với đường nhập khẩu từ một số nước Đông Nam Á

Ngày 1-8, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.

Gia hạn lần 2 điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ sản phẩm đường mía. Tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi EVFTA cao hơn gấp 4 lần CPTPP

Đồng thời, các chỉ số kinh tế cho thấy hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan hiện đang bị suy giảm do tác động của đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nói trên.

Vì thế, nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía, từ tháng 8/2022 đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/8 - Ảnh 2
Áp thuế chống bán phá giá với đường nhập khẩu từ một số nước Đông Nam Á.

Đường nhập khẩu từ 5 quốc gia trên, nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia này sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh – trích Quyết định số 1514/QĐ-BCT.

Theo Bộ Công thương, quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được bộ này ban hành trên cơ sở quá trình điều tra được thực hiện một cách khách quan, minh bạch theo đúng các quy định pháp luật trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế. Các nội dung chính của kết luận điều tra đã được gửi trước đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng như các doanh nghiệp để tham gia ý kiến.

Các bên liên quan bị ảnh hưởng bởi quyết định này có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công thương tiến hành rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trên cơ sở quy định tại Điều 82 và Điều 90 Luật Quản lý ngoại thương và Chương IV Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan theo dõi tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất, cung-cầu, giá cả, để triển khai các công cụ quản lý phù hợp theo quy định nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng và hài hòa lợi ích giữa người nông dân trồng mía, các doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng.

Bitcoin 'đạt thành tích' tốt nhất kể từ tháng 10/2021

Cùng tháng, đồng Ether tăng 57%, mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 1/2021.

Sự phục hồi của các đồng tiền kỹ thuật số diễn ra theo đà tăng của các tài sản rủi ro như cổ phiếu khi các nhà đầu tư đặt cược rằng sự suy yếu của nền kinh tế có thể ngăn cản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ.

Itai Avneri, Phó Giám đốc điều hành sàn giao dịch tiền điện tử INX, đánh giá đà tăng của tháng Bảy là thông tin đáng mừng. Theo ông Avneri, các nhà đầu tư tổ chức đang xem bitcoin như các loại tài sản khác. Khi thị trường biến động, bitcoin cũng chịu tác động, theo đó, các nhà đầu tư tổ chức sẽ quay lại và “đổ tiền” vào tiền điện tử.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/8 - Ảnh 3
Bitcoin 'đạt thành tích' tốt nhất kể từ tháng 10/2021.

Theo nền tảng dữ liệu tiền điện tử Coingecko, giá trị của thị trường tiền điện tử toàn cầu đã vượt lên trên 1.150 tỷ USD vào tháng Bảy, tăng hơn 255 tỷ USD kể từ cuối tháng Sáu.

Công ty nghiên cứu CryptoCompare nhận định giá trị tài sản trong danh mục sản phẩm đầu tư tài sản kỹ thuật số đã tăng 16,9% lên 25,9 tỷ USD trong tháng Bảy, đảo ngược so với mức giảm 36,8% của tháng Sáu.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch mỏng cho thấy nhiều nhà đầu tư cho rằng vẫn còn quá sớm để thị trường chuyển sang xu hướng tăng giá khi môi trường vĩ mô thiếu chắc chắn, châu Mỹ và châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái và một số sàn giao dịch tiền điện tử lớn vỡ nợ.

Hiện bitcoin đang giao dịch ở mức 23.336 USD/bitcoin. Theo Chris Terry, Phó Chủ tịch nền tảng cho vay SmartFi, đồng tiền này có thể sẽ tiếp tục giao dịch trong phạm vi hẹp khoảng 20.000 USD/bitcoin, cộng hoặc trừ 10% đến 15%, cho đến khi có sự rõ ràng hơn về quỹ đạo của nền kinh tế.

Russell Starr, Giám đốc điều hành Valour, công ty tạo ra các sản phẩm trao đổi cho các tài sản kỹ thuật số, cho rằng nếu kinh tế Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái kéo dài và Fed buộc phải cắt giảm lãi suất, bitcoin có thể được hưởng lợi.

Theo ông Starr, nếu Mỹ chứng kiến một quý suy giảm kinh tế nữa, bitcoin có thể phục hồi trở lại mức cao 60.000 USD/bitcoin.

Vàng tăng hơn nửa triệu đồng mỗi lượng, vượt mốc 68 triệu đồng

Lúc 14h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) yết giá mua bán vàng miếng 67,4-68,4 triệu đồng mỗi lượng, tăng 600.000 đồng cả hai chiều so với chốt phiên 1-8. Chênh lệch mua bán giữ nguyên ở mức 1 triệu đồng một lượng.

Cùng thời điểm, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá vàng miếng SJC tăng 650.000 đồng cả hai chiều, lên 68,35-68,3 triệu đồng mỗi lượng.

Tính trong hai tuần qua, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng gần 4 triệu đồng một lượng. Đối với mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm là vàng nhẫn 4 số 9, mỗi lượng tăng khoảng 400.000 đồng trong cùng thời gian này. Hiện mỗi lượng vàng nhẫn tròn trơn được SJC niêm yết giá 52,65-53,55 triệu đồng, tại PNJ là 52,5-53,5 triệu đồng, tăng 100.000 đồng so với hôm qua.

Trong khi đó, tại thị trường thế giới, mỗi ounce vàng giao ngay có giá 1.773 đô la Mỹ, tương đương với 50,2 triệu đồng một lượng nếu quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank (chưa kể thuế, phí). Như vậy, so với giá quốc tế quy đổi, mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn giá thế giới 18 triệu đồng.

TTXVN ngày 1/8 dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng, cho rằng sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như giữa giá vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp, do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế.

Hiện nay, chênh lệch giữa giá vàng SJC với thế giới lên đến 17-19 triệu đồng mỗi lượng và chêch lệch với các thương hiệu khác vàng khác ở trong nước cũng lên đến 13-14 triệu đồng/lượng. Người tiêu dùng và giới chuyên gia đã có ý kiến và kiến nghị cần phải có sự điều chỉnh Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng vì không còn phù hợp với điều kiện hiện nay.

Giải đáp những khúc mắc này, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Ngoài ra, Nghị định 24NĐ/CP góp phần ổn định tâm lý của người dân, duy trì giá trị đồng Việt Nam (VND) thông qua việc kiểm soát chặt lạm phát nên người dân chuyển hóa một lượng lớn vàng vật chất sang tiền VND và dùng nó để tạo ra nguồn lực đầu tư, tái đầu tư cho nền kinh tế.

Ngược chiều với diễn biến kim loại quý, đồng đô la Mỹ (USD) đang có dấu hiệu hạ nhiệt ở cả thị trường quốc tế và trong nước sau thời gian tăng mạnh. Tỷ giá USD/VND về vùng 23.500 đồng còn đô la Mỹ trên thị trường chợ đen cũng giảm về 24.250 đồng.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới