Chủ nhật, 24/11/2024 07:42 (GMT+7)
Thứ hai, 28/11/2022 18:50 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/11

Theo dõi KTMT trên

Giá vàng trong nước đảo chiều giảm đến 200.000 đồng mỗi lượng, VN-Index bật mạnh áp sát 1.000 điểm, giá dầu thế giới lao dốc thấp nhất 10 tháng,... là những tin tức kinh tế nổi bật nhất ngày 28/11.

Giá vàng trong nước đảo chiều giảm đến 200.000 đồng mỗi lượng

Mở cửa phiên đầu tuần sáng nay (28/11) giá vàng trong nước giảm mạnh từ 100.000 - 200.000 đồng mỗi lượng, tỷ giá trung tâm cũng giảm 2 đồng.

Theo đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn thông báo giá mua vào là 66,60 triệu đồng/lượng và bán ra là 67,40 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng.

Tương tự Công ty Doji Hà Nội giao dịch vàng SJC từ 66,40-67,40 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/11 - Ảnh 1

Công ty Phú Quý cũng giảm 100.000 đồng, hiện đang giao dịch từ 66,60-67,40 triệu đồng/lượng.

Trong tuần qua, dù có 3 phiên giảm, 1 phiên tăng giá và 1 phiên đi ngang, song phiên cuối tuần vẫn tương đương so với sáng đầu tuần.

Về phía Công ty Bảo Tín Minh Châu, sáng nay doanh nghiệp này niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long từ 53,11 - 54,01 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng.

Do điều chỉnh khác nhau, giá vàng Rồng Thăng Long tiếp tục thấp hơn thương hiệu SJC khoảng 13,4 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, đồng kim loại quý này giao dịch quanh ngưỡng 1.756 USD/ounce, giảm 8 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên trước. Khi quy đổi, giá vàng thế giới xấp xỉ 52,25 triệu đồng mỗi lượng.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm áp dụng ngày hôm nay là 23.667 VND/USD, giảm 2 đồng.

Với biên độ +/-5%, Ngân hàng Vietcombank giữ ổn định ở mức mua vào là 24.570 đồng/USD và bán ra là 24.840 đồng/USD.

Trong khi đó, Ngân hàng BIDV và VietinBank lại giảm 2 đồng, hiện 2 ngân hàng này đang áp dụng tỷ giá từ 24.590 - 24.850 đồng/USD.

Ngược lại, ngân hàng Eximbank thông báo từ 24.620 - 24.848 đồng/USD, tăng 28 đồng.

VN-Index bật mạnh áp sát 1.000 điểm

Phiên giao dịch sáng nay (28/11) chứng kiến sự vận động tích cực của cả dòng tiền và diễn biến các chỉ số. VN-Index tăng 27,84 điểm tương ứng 2,87% lên 999,3 điểm; VN30-Index tăng 29,48 điểm tương ứng 3,05% lên 996,97 điểm. Thanh khoản sàn HoSE đạt 7.341,06 tỷ đồng.

HNX-Index sáng nay cũng bay cao, tăng 6,09 điểm tương ứng 3,1% lên 202,86 điểm; UPCoM-Index tăng 1,27 điểm tương ứng 1,85% lên 69,68 điểm.

Trong bối cảnh thị trường thăng hoa với 748 mã tăng giá, 170 mã tăng trần thì vẫn còn có 140 mã giảm, 25 mã giảm sàn. Trong đó, chuỗi bán tháo tại NVL và PDR vẫn chưa kết thúc. Hai mã này vẫn bị khóa sàn suốt phiên sáng nay. PDR giảm sàn còn 12.000 đồng, khớp lệnh 2,5 triệu cổ phiếu nhưng dư bán sàn còn 97 triệu đơn vị; NVL giảm sàn về 19.050 đồng, khớp lệnh 17,77 triệu cổ phiếu và dư bán sàn còn 33,67 triệu đơn vị.

Top cổ phiếu ảnh hưởng tới VN-Index

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/11 - Ảnh 2

Top cổ phiếu tăng giá mạnh nhất

*Trên sàn HoSE:

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/11 - Ảnh 3

*Trên sàn HNX:

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/11 - Ảnh 4

Top cổ phiếu giảm giá mạnh nhất

*Trên sàn HoSE:

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/11 - Ảnh 5

*Trên sàn HNX:

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/11 - Ảnh 6

EVN đối mặt với số lỗ dự tính là 31.360 tỷ đồng

EVN cho biết, theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong năm 2022, EVN đã thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí như tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho cán bộ công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020, tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện... 

Đồng thời vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn thủy điện (có chi phí thấp); điều phối các hợp đồng mua than, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện; đàm phán với các chủ đầu tư các nhà máy điện BOT về sản lượng phát điện để tối ưu hóa chi phí chung.

Theo tính toán, tổng các khoản EVN đã cố gắng để giảm lỗ nêu trên đạt khoảng 33.445 tỉ đồng và tác động làm giảm chi phí sản xuất của EVN, ngoài ra chi phí khâu truyền tải, phân phối, phụ trợ năm 2022 và chỉ bằng 92,8% so với năm 2021. 

"Mặc dù đã cố gắng để chi phí vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỉ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỉ đồng", đại diện EVN nhận định.

Trong bối cảnh tình hình tài chính hiện nay, EVN nhận định, sẽ có rất nhiều khó khăn trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Trước hết là khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Tiếp đến là việc chi phí sửa chữa lớn đã phải cắt giảm từ 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới.

Thứ ba là khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/11 - Ảnh 7

Trong khi đó, dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021, do đó dự kiến năm 2023 EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính.

"Năm 2023, dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn đang ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỉ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời tỉ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao. Song, EVN vẫn nỗ lực đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội", EVN cho hay.

Giá dầu thế giới lao dốc thấp nhất 10 tháng

Theo Reuters đưa tin bước vào phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới tiếp đà giảm cùng với những lo ngại về triển vọng nhu cầu nhiên liệu từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 2,43 USD, tương đương 2,9% trong phiên giao dịch sáng 28/11 xuống mức 81,20 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022.

Trong khi đó giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ cũng giảm 2,16 USD vào phiên giao dịch sáng nay (tương đương 2,8%), về 74,12 USD/thùng, đây cũng là mức giảm thấp nhất đối với dầu WTI kể từ tháng 12/2021.

Tính tới thời điểm hiện tại, giá dầu thế giới đã có tuần giảm thứ ba liên tiếp. Dầu Brent trong phiên giao dịch cuối tuần trước giảm 4,6%, trong khi WTI giảm 4,7%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/11 - Ảnh 8

Ông Hiroyuki Kikukawa - Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Nissan Securities cho biết: Trước những lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc do số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, cùng với việc Bắc Kinh duy trì chính sách phong tỏa, các nhà đầu tư đang có xu hướng bán ra thay vì găm hàng.

Ông Kikukawa cũng cho biết thêm rằng: Giá dầu WTI dự kiến giảm xuống mức 70 - 75 USD/thùng, đồng thời dự báo thị trường có thể tiếp tục biến động tùy thuộc vào kết quả của cuộc họp sản lượng của OPEC+ sắp tới, cũng như kế hoạch áp trần giá dầu mỏ Nga của các nước G7 vào đầu tháng 12.

Tetsu Emori - Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư Emori Fund Management cho biết: Nếu OPEC+ đồng ý giảm sản lượng trong thời gian tới và Mỹ có kế hoạch bổ sung dầu cho kho dự trữ chiến lược, giá dầu sẽ ổn hơn còn không giá dầu thế giới sẽ tiếp tục giảm.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đối tác Nga, còn được gọi OPEC+ sẽ tổ chức nhóm họp vào ngày 4/12 tới. Trước đó vào tháng 10, OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến năm 2023.

Hãng thông tấn Nhà nước Iraq dẫn lời ông Saadoun Mohsen, một quan chức cấp cao công ty dầu mỏ nhà nước SOMO của Iraq cho biết: Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ tính đến điều kiện và sự cân bằng của thị trường trước khi đưa quyết định tăng hoặc giảm sản lượng.

Các nhà đầu tư cũng tập trung vào các kế hoạch của phương Tây về việc áp trần giá dầu của Nga.

Các nhà ngoại giao của các nước Nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về mức giá trần đối với dầu của Nga từ 65 đến 70 USD/thùng, với mục đích hạn chế doanh thu để tài trợ xuất khẩu năng lượng của Moskva mà không làm gián đoạn thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới