Chủ nhật, 24/11/2024 11:28 (GMT+7)
Thứ hai, 09/05/2022 18:55 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 9/5

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc chuẩn bị đón đợt không khí lạnh hiếm gặp trong 40 năm qua; lại xảy ra thêm 3 trận động đất ở Kon Tum; ngành công nghiệp có thể tiết kiệm 20 - 30% năng lượng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 9/5.

Miền Bắc chuẩn bị đón đợt không khí lạnh hiếm gặp trong 40 năm qua

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, từ ngày 13-15/5, một đợt không khí lạnh sẽ tràn về đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm Hà Nội), nhiệt độ dự báo thấp nhất từ 20-23 độ C, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi khả năng xuống dưới 16 độ C.

Đặc biệt, khối không khí lạnh có thể gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ lên tới cấp 6, giật cấp 7-8. Đây là một trong những đợt không khí lạnh hiếm gặp trong tháng 5 trong khoảng 40 năm qua, tính từ năm 1981.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 9/5 - Ảnh 1
Chuyên gia nhận định đây là một trong những đợt không khí lạnh hiếm gặp trong tháng 5 trong khoảng 40 năm qua, tính từ năm 1981. (Ảnh minh họa)

Mặc dù đã gần giữa tháng 5, là thời điểm khởi đầu mùa hè ở miền Bắc và miền Trung, nhưng trời không nắng nóng như mọi năm mà mát mẻ. Thậm chí miền Bắc còn chuẩn bị đón một đợt lạnh hiếm gặp trong 40 năm.

Theo số liệu quan trắc ngày 4/5/1981, nhiệt trung bình ngày ghi nhận 19,6 độ C và ngày 5/5/1994 là 19,8 độ C.

Như vậy, chỉ còn 5 ngày nữa, khối không khí lạnh hiếm gặp sẽ về đến miền Bắc. Dự báo, đi kèm không khí lạnh là mưa to đến rất to từ ngày 13/5, đặc biệt ở vùng núi Bắc Bộ. Nguy cơ cao xảy ra đa thiên tai lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh; sạt lở, lũ lụt ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp.

Lại xảy ra thêm 3 trận động đất ở Kon Tum

Thông tin từ Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong ngày 9/5, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra 3 trận động đất.

Các trận động đất này xảy ra vào từ thời điểm 5 giờ 18 phút 26 giây đến 10 giờ 26 phút 33 giây, có độ lớn lần lượt là 3; 3,4 và 2,5 độ richter. Độ sâu tiêu chấn là 8,1km; 8,1km; 10km. Cả 3 trận không gây rủi ro thiên tai.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 9/5 - Ảnh 2
Trong ngày 9/5, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) lại xảy ra liên tiếp 3 trận động đất. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Trước đó, vào 1 giờ 32 phút 11 giây ngày 8/5, một trận động đất cũng xảy ra ở huyện Kon Plông với độ lớn 2,6 độ richter.

Liên quan đến các trận động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực này, TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết, khảo sát của các nhà khoa học bước đầu nhận định, động đất xảy ra ở Kon Plông và khu vực lân cận là động đất kích thích, xảy ra do tác động của hồ chứa thủy điện tích nước. Động đất liên tiếp xảy ra ngay sau khi nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum phát điện tổ máy số 1 vào 24/3/2021.

Tính từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực này đã ghi nhận gần 200 trận động đất, gấp hơn 5 lần số trận động đất ghi nhận được ở khu vực này suốt từ năm 1903 đến 2020.Cùng với việc khảo sát, tìm nguyên nhân, các nhà khoa học đang tiến hành đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum có công văn đề nghị các chủ đầu tư, quản lý công trình thủy điện lắp đặt thêm ngay 5 trạm quan sát động đất theo kiến nghị của đoàn kiểm tra thuộc Viện Vật lý địa cầu.

Cụ thể, Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh khẩn trương đầu tư, lắp đặt bổ sung mới 3 trạm quan sát động đất, kết hợp với 3 trạm quan sát động đất hiện có do Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt, hỗ trợ cấp kinh phí cho việc vận hành mạng trạm quan trắc động đất ở khu vực công trình thủy điện Thượng Kon Tum (6 trạm).

Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Đrinh khẩn trương đầu tư, lắp đặt mới 2 trạm quan sát động đất và cấp kinh phí cho việc vận hành 2 trạm quan sát động đất ở khu vực công trình thủy điện Đăk Đrinh để kết nối vào hệ thống với 6 trạm quan sát động đất ở khu vực công trình thủy điện Thượng Kon Tum.

Ngành công nghiệp có thể tiết kiệm 20 - 30% năng lượng

Ngày 9/5, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo giới thiệu Dự án "Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VSUEE". Dự án do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Từ các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, VNEEP3 cho thấy, dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong công nghiệp còn khả thi từ 20-30%.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 9/5 - Ảnh 3
Theo WB, dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong công nghiệp còn khả thi từ 20-30%. (Ảnh minh họa)

Trong thời gian triển khai, Dự án sẽ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thay đổi công nghệ theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Qua đó, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự án "Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam" có tổng kinh phí là 11,3 triệu USD, tương đương khoảng 252 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026. Các doanh nghiệp công nghiệp tham gia dự án sẽ áp dụng các công nghệ cải tiến và tối ưu hóa sản xuất để cắt giảm chi phí sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Dự án cũng hỗ trợ các ngân hàng thương mại phát triển sản phẩm vay tiết kiệm năng lượng công nghiệp, tăng cường năng lực kỹ thuật về thẩm định và theo dõi đầu tư cho tiết kiệm năng lượng. Ông Chu Bá Thi, đại diện WB cho biết: Thông qua những hoạt động này, WB mong muốn tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, các ngân hàng tham gia dự án còn được cấp bảo lãnh tín dụng một phần, khi doanh nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng vay đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng.

Quảng Ngãi: Nước sông Bàu Giang sủi bọt nâu, cá chết hàng loạt

Ngày 9/5, ngành chức năng huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) đã thành lập đoàn công tác để kiểm tra thực tế nhằm xác minh, làm rõ nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang, đoạn chảy qua thị trấn La Hà và xã Nghĩa Trung.

Đoàn đã đến kiểm tra thực tế tại đoạn kênh thoát nước TP. Quảng Ngãi đổ ra sông Bàu Giang và cơ sở chế biến tinh bột mỳ, thuộc doanh nghiệp tư nhân sản xuất Ngọc Hà, thôn An Hòa 1, xã Nghĩa Trung.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, cho hay, qua ghi nhận bước đầu, doanh nghiệp này có xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Cụ thể, tại đoạn sông Bàu Giang (gần cơ sở chế biến tinh bột mỳ) có rất nhiều bã thải, bốc mùi hôi nồng nặc.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 9/5 - Ảnh 4
Cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang, đoạn chảy qua thị trấn La Hà và xã Nghĩa Trung. (Ảnh: TTXVN)

Về vấn đề này, ông Tôn Long Nghênh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tư Nghĩa, thông tin, Phòng tiếp tục đề nghị Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xét nghiệm mẫu nước tại hai địa điểm nói trên.

Sau khi có kết quả đánh giá, phân tích mới xác định được nguyên nhân khiến cá chết. Phòng cũng đã tham mưu cho UBND huyện đình chỉ hoạt động đối với cơ sở chế biến tinh bột mỳ; đồng thời, nghiên cứu phương án di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư.

Được biết, vào năm 2020, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Quảng Ngãi, đã xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với doanh nghiệp tư nhân sản xuất Ngọc Hà về hành vi "không thu gom chất thải nguy hại theo quy định, để chất thải ngoài trời gây ô nhiễm môi trường xung quanh."

Như thông tin báo chí đã đưa, nhiều ngày qua, tại khu vực sông Bàu Giang chảy qua địa phận xã Nghĩa Trung và thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.

Nước sông xuất hiện hiện tượng sủi bọt và có màu nâu đục. Nhiều loại cá như trắm cỏ, diếc, lau kiếng, rô phi… chết bất thường, nổi trắng, bốc mùi hôi thối khiến người dân bức xúc và lo ngại.

80% đất trồng trọt sẽ đối mặt với khan hiếm nước tồi tệ hơn

Theo một nghiên cứu mới trên Tạp chí AGU về Tương lai của Trái Đất, ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trầm trọng hơn khi 80% diện tích đất trồng trọt trên thế giới sẽ thiếu nước vào năm 2050.

Trong 100 năm qua, nhu cầu sử dụng nước đã tăng gấp đôi so với dân số thế giới. Khan hiếm nước là vấn đề đáng lo ngại của ngành nông nghiệp mỗi châu lục, đồng thời là mối đe dọa lớn đối với an ninh lương thực. Mặc dù vậy, hầu hết các mô hình phân tích tình trạng khan hiếm nước đều không đưa ra được cái nhìn toàn diện về Green Water (nước xanh lục) và Blue Water (nước xanh dương).

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 9/5 - Ảnh 5
Ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trầm trọng hơn khi 80% diện tích đất trồng trọt trên thế giới sẽ thiếu nước vào năm 2050. (Ảnh minh họa)

Nước mưa bao phủ ngành nông nghiệp chiếm tới 80% diện tích đất và chịu trách nhiệm cho khoảng 60% sản lượng cây trồng. Khi trời mưa, nước mưa sẽ thấm qua lớp đất và cung cấp từ từ cho cây trồng. Một phần nước mưa như vậy gọi là nước xanh lục. Tính chất của loại nước này phụ thuộc nhiều vào khu vực có mưa.

Ngược lại, nước từ các sông, hồ và các tầng chứa nước như nước ngầm được gọi là nước xanh dương. Khi trời không mưa, lượng nước xanh dương dùng cho ngành nông nghiệp chiếm khoảng 20%. Lượng nước này chịu ảnh hưởng nhiều bởi quá trình bay hơi và được sử dụng cho ngành thủy điện, công nghiệp, khai thác khoáng sản… Hiện tại, nguồn nước xanh dương còn bị xâm nhập mặn.

Ông Mesfin Mekonnen, trợ lý giáo sư thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng tại Đại học Alabama cho biết, nghiên cứu của Tạp chí AGU đã đánh giá kịp thời tác động của khí hậu đối với nguồn nước sẵn có trên các vùng trồng trọt.

Ngoài ra, nghiên cứu đã phát triển một chỉ số chỉ tình trạng khan hiếm nước xét trên cả hai phương diện là nguồn nước xanh lục và xanh dương”

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trong điều kiện biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước nông nghiệp toàn cầu sẽ trở nên tồi tệ hơn trong phạm vi 84% diện tích đất trồng trọt và dự đoán khoảng 60% diện tích đất sẽ mất nguồn cung cấp nước.

Nghiên cứu sẽ giúp các quốc gia đánh giá ảnh hưởng và nguyên nhân của tình trạng khan hiếm nước nông nghiệp, từ đó, phát triển các chiến lược để giảm tác động của hạn hán trong tương lai.

Hiện nay, đã có rất nhiều biện pháp giúp ích cho việc bảo tồn nguồn nước nông nghiệp. Nông dân có thể làm giảm sự bốc hơi từ đất thông qua phương pháp No-till Farming- canh tác không cày xới, từ đó cho phép lượng nước thấm vào mặt đất nhiều hơn, điều chỉnh tốt hơn sự phát triển của cây trồng. Ngoài ra, kỹ thuật canh tác ruộng bậc thang cũng giúp giảm tốc độ nước chảy và ngăn chặn xói mòn đất.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 9/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới