Chủ nhật, 24/11/2024 09:42 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/08/2022 17:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/8

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lào Cai: Mưa lớn gây thiệt hại 25 tỷ đồng; UNDP đề xuất 6 giải pháp để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 5/8.

Thủ tướng dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường

Sáng 5/8, Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (5/8/2002-5/8/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội.

Trong thư chúc mừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúc mừng, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những thành tích đóng góp to lớn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong 20 năm qua.

Tổng Bí thư mong ngành Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả, kinh nghiệm đã tích lũy được, chủ động hơn nữa trong dự báo, tham mưu, triển khai các giải pháp để ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, dịch bệnh; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, lĩnh vực đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Tin tức môi trường mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/8 - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, tài nguyên môi trường là yếu tố không thể thiếu đối với sự sinh tồn và phát triển của con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. 

Diễn văn kỷ niệm do Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày cho biết, trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, thể hiện qua những dấu mốc lớn.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, tài nguyên môi trường là yếu tố không thể thiếu đối với sự sinh tồn và phát triển của con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là lĩnh vực quản lý rất quan trọng, rộng lớn.

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta quan tâm. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên, môi trường đã được ban hành với những đổi mới về nội dung và tổ chức thực hiện. Ngày 05/8/2002 là dấu mốc quan trọng với việc Quốc hội khóa XI thông qua Nghị quyết số 02/2002/QH11 về việc thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trên nền tảng được tạo dựng từ các vực lĩnh vực có bề dày truyền thống, 20 năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng trưởng thành, phát triển, chủ động nắm bắt thuận lợi và thời cơ, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước cũng như xu hướng quốc tế; qua đó củng cố vững chắc nền tảng, khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Lào Cai: Mưa lớn gây thiệt hại 25 tỷ đồng

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp tác động của vùng hội tụ gió trên cao, từ tối 4 đến sáng 5/8, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa vừa đến mưa to ở nhiều nơi, cục bộ có nơi mưa rất to, nơi cao nhất là hơn 100mm. Mưa lớn đã gây ra lũ ống, lũ quét làm thiệt hại nhiều hoa màu và tài sản của người dân. Ước tổng thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng.

Cụ thể, về người mưa lớn làm 3 người bị thương do sét đánh đó là hộ gia đình ông Chảo Láo Tả tại Xã Tòng Sành, huyện Bát Xát( Lào Cai). Trong 3 người bị thương có 1 người bị thương phải đưa đi trạm Y tế kiểm tra và 2 người bị thương nhẹ ở nhà.

Tin tức môi trường mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/8 - Ảnh 2
Mưa lớn gây thiệt hại 25 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Về nhà ở, mưa lớn làm 592 nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng trong đó: Thành phố Lào Cai là 170 ngôi nhà ; thị xã Sa Pa là 413 ngôi nhà; huyện Bát Xát là 9 ngôi nhà

Về sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, mưa lớn đã làm 32 ha lúa bị thiệt hại, Mưa lớn cũng làm 1 trường học của xã Thanh Bình( thị xã Sa Pa) bị ảnh hưởng; làm sạt lở đất tại khu vực sau nhà văn hóa Duyên Sơn, phường Cốc Lếu, làm đổ 160m tường rào và tốc 35m2 mái và làm vỡ 01 cửa kính, hỏng 07 tay nắm cửa, rách rèm chắn nắng của trụ sở UBND tỉnh Lào Cai. Đặc biệt, mưa lớn làm 35 cây xanh đô thị bị gãy đổ, 21 xe ô tô, 40 xe máy bị ngập nước, làm gãy đổ 07 cột điện (Sa Pa: 5 cột hạ thế; 02 cột trung thế); đứt 200m đường dây điện 35KV (Sa Pa). Ước tính tổng thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Lào Cai phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, thống kê tình hình thiệt hại theo quy định. Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng bị thiên tai.

UNDP đề xuất 6 giải pháp để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0

Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, đại diện UNDP đã chia sẻ 6 hành động ưu tiên để Việt Nam đạt được mục tiêu về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26. Theo ước tính, Việt Nam sẽ cần 330-370 tỷ USD để đạt được mục tiêu này.Chia sẻ tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP tại Việt Nam) cho rằng việc giảm mức phát thải bằng 0 trong vòng chưa đầy 30 năm có thể là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt khi Việt Nam đồng thời phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, trước đây, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng đã đạt được các mục tiêu quan trọng trong khoảng thời gian ngắn. Ví dụ các chính sách kinh tế trong quá trình Đổi mới đã đưa 40 triệu người Việt Nam thoát nghèo trong chưa đầy 2 thập kỷ. Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành một quốc gia dẫn đầu ở Đông Nam Á về năng lượng mặt trời.

Để đạt được mục tiêu của Việt Nam về mức phát thải ròng bằng 0, bà Caitlin Wiesen đã chia sẻ 6 hành động ưu tiên để cân nhắc được đúc rút từ các bài học kinh nghiệm trên thế giới, nhằm thúc đẩy sứ mệnh mới cho một cuộc “đổi mới xanh”.

Tin tức môi trường mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/8 - Ảnh 3
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP tại Việt Nam) chia sẻ tại Hội nghị.

Đầu tiên, Việt Nam cần tăng cường luật pháp về khí hậu để hướng dẫn và thực thi các hành động khí hậu trong nước, hướng tới các mục tiêu quốc gia về phát thải bằng 0. Trên toàn cầu, các quốc gia đã xây dựng các luật dài hạn về biến đổi khí hậu. Các luật này có thể coi là thực hành tốt và thúc đẩy cách tiếp cận toàn xã hội để đạt được các tham vọng mới về khí hậu. Cần xây dựng một luật khí hậu toàn diện để tạo điều kiện cho những sáng kiến đột phá, tránh chồng chéo chính sách và cơ chế không cần thiết. Việt Nam cũng cần tiếp tục cung cấp các dịch vụ thông tin về khí hậu cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người chịu gánh nặng của các tác động bởi khí hậu.

Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu Châu Á về sản xuất năng lượng tái tạo chỉ trong giai đoạn 4 năm (2018 - 2021) và đây là hướng đi đúng đắn để tiếp tục trong tương lai. Quy hoạch Phát triển Điện 8 với tham vọng lớn hơn về năng lượng tái tạo và ít phụ thuộc hơn vào điện than sẽ là một khởi đầu đầy hứa hẹn, cần được phê duyệt càng sớm càng tốt để định hướng và thu hút đầu tư xanh. Việc thúc đẩy quy hoạch không gian biển cũng rất quan trọng để mở ra tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo biển theo cách bền vững, chuyên gia này nói.

Cùng với đó, Việt Nam cần có một chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo và chuyên dụng để tạo điều kiện cho các dòng tài chính xanh từ tất cả các nguồn đầu tư và phát triển. Theo ước tính, Việt Nam sẽ cần 330-370 tỷ USD để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Con số này đòi hỏi cả nguồn tài chính công và tư từ trong nước và quốc tế; trong đó, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và đặc biệt là tài trợ từ khu vực tư nhân trong nước đóng vai trò thiết yếu để hỗ trợ đạt được mục tiêu này. Cần xây dựng các chương trình tài chính và cơ sở mới để thu hút và tạo ra nguồn tài chính xanh, ví dụ hệ thống giao dịch kết quả giảm phát thải, thị trường carbon, trái phiếu xanh.

Hàn Quốc trải qua 10 ngày đầu tháng 7 nóng nhất từ trước đến nay

Mới đây, Cục Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết nước này vừa trải qua 10 ngày đầu tháng 7 nóng nhất từ trước đến nay.

Theo KMA, nhiệt độ trung bình ở Hàn Quốc ghi nhận từ ngày 1-10/7 vừa qua là 27,1 độ C, mức nhiệt cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu mở rộng phạm vi thu thập dữ liệu trên cả nước vào năm 1973. Nhiệt độ trung bình trong cả tháng 7 là 25,9 độ C, cao hơn 1,3 độ so với mức trung bình.

* Cùng ngày, Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc (NMC) tiếp tục phát cảnh báo màu vàng về nhiệt độ cao khi đợt nắng nóng gay gắt kéo dài ở nhiều vùng của nước này.

Các khu vực Thiểm Tây, Hà Bắc, Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông, Hà Nam, An Huy, Giang Tô, Thượng Hải, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu và Quảng Tây dự kiến nhiệt độ trên 35 độ C vào ban ngày, riêng Trùng Khánh có thể vượt quá 40 độ C.

NMC khuyến cáo người dân tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian nắng gắt, đồng thời khuyến nghị người lao động trong môi trường có nhiệt độ cao, làm việc ngoài trời trong thời gian dài cần thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết.

Thang cảnh báo thời tiết của Trung Quốc gồm 4 cấp độ chia theo màu sắc. Màu đỏ là cảnh báo nghiêm trọng nhất, tiếp đó là màu cam, màu vàng và màu xanh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới