Chủ nhật, 24/11/2024 08:03 (GMT+7)
Thứ tư, 17/08/2022 18:15 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 17/8: Mùa đông tới sớm, miền Bắc lạnh hơn mọi năm

Theo dõi KTMT trên

Mưa lớn dồn dập tại miền Trung trong các tháng cuối năm 2022; 300 trận động đất xảy ra ở Kon Tum trong hơn một năm qua; Quảng Ngãi: Rạn san hô vùng biển Lý Sơn bị suy giảm nghiêm trọng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 17/8.

Mưa lớn dồn dập tại miền Trung trong các tháng cuối năm 2022

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 60-65% và khả năng còn kéo dài sang các tháng đầu năm 2023.

Từ nay đến tháng 2/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 3-5 cơn. Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp và mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung trong các tháng cuối năm 2022. Không ngoại trừ khả năng tháng 1/2023 vẫn còn xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 17/8: Mùa đông tới sớm, miền Bắc lạnh hơn mọi năm - Ảnh 1
Mưa lớn dồn dập tại miền Trung trong các tháng cuối năm 2022.

Đáng chú ý, không khí lạnh năm nay có khả năng hoạt động sớm và nền nhiệt độ các tháng đầu mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ tháng 10-11/2022, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ dự báo lượng mưa cao hơn TBNN, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Ngoài ra, tại khu vực Nam Bộ trong những tháng đầu năm 2023 vẫn có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa cục bộ. Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, mưa đá.

Từ đầu năm 2022 ghi nhận đợt mưa lớn trái mùa ở khu vực Nam Trung Bộ gây thiệt hại về người và tài sản. Năm 2022 do ảnh hưởng bởi La Nina, nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021.

Thời gian qua tại các tỉnh thành Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Ở nhiều nơi nguy cơ xảy ra các loại hình thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở, ngập úng tại các khu vực trũng, dự báo cuối năm 2022 mưa bão sẽ xảy ra dồn dập.

300 trận động đất xảy ra ở Kon Tum trong hơn một năm qua

Theo thống kê của UBND tỉnh Kon Tum, từ năm 1903 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ richter trở lên tại huyện Kon Plông và lân cận; trong đó, chỉ có hai trận động đất xảy ra vào năm 1973 độ lớn 3,9 độ richter và năm 2015 độ lớn 3,0 độ richter.

Đáng chú ý, từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 300 trận động đất có cường độ ngày càng lớn. Đặc biệt, ngày 18/5/2022, tại huyện Kon Plông ghi nhận động đất có cường độ 4,5 độ richter.

Dự kiến trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhất là huyện Kon Plông tiếp tục có những trận động đất kích thích có cường độ và mật độ ngày càng lớn, gây sập đổ công trình, nhà ở, cầu cống, sạt lở đất gây ách tắc giao thông, đặc biệt là có nguy cơ rạn nứt bờ đập, dẫn đến vỡ đập thủy điện, khả năng ngập nước vùng trũng, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Theo kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và Nhân dân tại địa phương các tin động đất; truyền tin cảnh báo, báo động trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống thông tin mạng viễn thông; tăng cường kết nối thông tin để nắm bắt kịp thời các diễn biến, hậu quả của động đất; đánh giá kịp thời quy mô, diễn biến sự cố do thảm họa động đất, xác định nhanh kịch bản ứng phó hiệu quả; triển khai các lực lượng, phương tiện quan sát, giám sát; các lực lượng giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả...

Nghệ An: Hơn 600 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà chống lũ

Theo Quyết định 716 và Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, hơn 600 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được hỗ trợ xây dựng nhà chống lũ.

Tại xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) - thuộc vùng hạ du sông Lam - từ bao đời nay, người dân vô cùng vất vả sau vụ lúa mùa khi phải đóng lương thực vào bao bì, đưa lên gác cao tại nhà chòi để bảo quản. Bà Thảo, người dân xóm 7 xã Châu Nhân cho biết: "Mỗi mùa mưa bão về, cả nhà tôi lại thấp thỏm lo di chuyển lúa gạo, trâu bò và các tài sản khác đến nơi cao ráo. Tuy nhiên, từ năm 2013 sau khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà chống lũ gia đình tôi đã thoát khỏi cảnh khổ sở với những cơn bão, lũ".

Tin tức môi trường nổi bật ngày 17/8: Mùa đông tới sớm, miền Bắc lạnh hơn mọi năm - Ảnh 2
Hơn 600 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được hỗ trợ xây dựng nhà chống lũ.

Toàn xã Châu Nhân, có 73 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà chòi chống lũ. Từ khi có nhà chòi chống lũ an toàn trong mùa mưa bão, gánh nặng của bà con đã được vơi đi, người dân đều ra sức lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống. "Từ khi có nhà chống lũ, gia đình tôi giảm đi gánh nặng, lo lắng khi mư lũ về. Từ đó, chúng tôi yên tâm hơn trong lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống", bà Thảo nói thêm.

Không chỉ các hộ gia đình ở vùng hạ du, nhiều hộ nghèo tại các xã miền núi cũng được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh thiên tai, lụt bão. Theo số liệu từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quế Phong cho biết, trên địa bàn có 67 hộ gia đình dân tộc thiểu số được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh lụt, bão theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Các hộ dân này tập trung tại các xã Nậm Giải, Cắm Muộn, Quang Phong, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Thông Thụ. Từ khi có nhà tránh thiên tai, bà con vùng cao đã yên tâm hơn mỗi mùa mưa lũ về, không phải nơm nớp lo sợ cảnh “màn trời, chiếu đất".

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Nghệ An, toàn tỉnh đã có 504 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà chống lụt bão theo Quyết định 48 của Chính phủ. Các hộ này được phân bố ở 13 huyện, trong đó, có 202 hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, 33 hộ có hoàn cảnh già cả, neo đơn, tàn tật, 45 hộ đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn, 223 hộ cư trú ở vùng còn lại.

Quảng Ngãi: Rạn san hô vùng biển Lý Sơn bị suy giảm nghiêm trọng

Theo khảo sát của các nhà khoa học, vùng biển Lý Sơn có 157 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 18 họ. San hô có mặt hầu khắp các vùng biển xung quanh đảo.

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế của con người đã khiến diện tích các rạn san hô khu vực phía Nam đảo lý Sơn bị suy giảm nghiêm trọng.

Để phát triển kinh tế, mở rộng cầu cảng phục vụ phát triển du lịch, huyện Lý Sơn tập trung xây dựng ở khu vực phía Nam, khiến các rạn san hô khu vực trước, xung quanh cảng Bến Đinh, khu vực trước và xung quanh cầu cập An Bình bị tàn phá nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, các tác động từ khai thác cá bằng thuốc nổ, chất độc, neo đậu tàu thuyền,… cũng góp phần hủy hoại, giảm diện tích đáng kể các rạn san hô khu vực đảo Lý Sơn. Chưa kể, người dân còn khai thác san hô chết là chân giá thể để san hô sống bám vào để bán phục vụ cho nung vôi, làm cảnh.

Ngoài ra, hiện nay tại huyện đảo Lý Sơn còn có hiện tượng khai thác cát biển để phục vụ cho trồng tỏi và hành. Đây là nguyên nhân làm cho rạn san hô và cỏ biển bị suy giảm khá nhanh.

Trước thực trạng san hô bị suy giảm ngày càng nghiêm trọng đáng báo động như hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến bảo vệ, bảo tồn biển, về ý nghĩa của việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái nói chung, rạn san hô nói riêng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường biển và các hệ sinh thái rạn san hô trong khu bảo tồn.

“Hiện nay, hai khu vực được giữ gìn bảo vệ và phát huy là khu bảo vệ nghiêm ngặt phía Bắc và phía Nam, khu vực lặn ngắm san hô phía Bắc đảo Bé An Bình được đội tuần tra của đơn vị và đội chèo thúng, cứu hộ cứu nạn An Bình thường xuyên tuần tra, bảo vệ, giữ gìn và nếu có trường hợp xâm phạm sẽ phối hợp cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật”, ông Huỳnh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết.

Cường độ nắng nóng tại Trung Quốc mạnh nhất từ năm 1961

Theo đánh giá của Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc, cường độ của đợt sóng nhiệt xảy ra ở nước này từ tháng 6 đến nay đã đạt mức mạnh nhất kể từ năm 1961 và sẽ còn tiếp tục tăng cường. Nắng nóng khiến mực nước ở sông Dương Tử đã thấp xuống mức kỷ lục trong gần 160 năm qua.

Theo trung tâm này, đợt sóng nhiệt lần này ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục kéo dài và cường độ tổng thể vẫn sẽ tiếp tục gia tăng.

Dữ liệu cho thấy, kể từ đầu Hè đến nay (1/6-15/8), nước này đã có tổng số 914 trạm khí tượng quốc gia, có nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt mức thời tiết cực đoan, chiếm 37,7% tổng số trạm trong cả nước. Trong số đó, nhiệt độ cao nhất trong ngày tại 262 trạm khí tượng quốc gia ở ít nhất 9 tỉnh tương đương hoặc vượt mức cao nhất trong lịch sử, trong đó nhiều nơi trên 44 độ C, như Trúc Sơn Hồ Bắc 44,6 độ C, Bắc Bội Trùng Khánh 44,5 độ C, Linh Thọ  Hà Bắc 44,2 độ C...

Tin tức môi trường nổi bật ngày 17/8: Mùa đông tới sớm, miền Bắc lạnh hơn mọi năm - Ảnh 3
Cường độ nắng nóng tại Trung Quốc mạnh nhất từ năm 1961.

Đợt thời tiết nắng nóng năm nay có các đặc điểm như thời gian kéo dài, phạm vi rộng, cường độ mạnh và tính cực đoan cao. Tính đến 15/8, thời tiết nhiệt độ cao ở Trung Quốc đã kéo dài 64 ngày, dài nhất kể từ năm 1961, vượt quá 62 ngày của năm 2013. Số trạm khí tượng đạt nhiệt độ cao ở mức cực điểm lên đến 262 trạm, vượt qua con số 187 trạm của năm 2013 và 133 trạm của năm 2017.

Mùa Hè năm nay, số ngày nhiệt độ cao trung bình trên cả nước Trung Quốc là 12 ngày, nhiều hơn 5,1 ngày so với cùng kỳ các năm và là nhiều nhất kể từ năm 1961.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc, trong 10 ngày tới (17-26/8), nhiều khu vực ở miền Nam nước này vẫn xảy ra tình trạng nhiệt độ cao kéo dài, số ngày nắng nóng có thể lên tới 7-10 ngày.

Nắng nóng đã khiến mực nước tại Hán Khẩu, trạm quan trắc quan trọng trên sông Dương Tử (Trường Giang) – con sông dài nhất châu Á - đoạn chảy qua thành phố Vũ Hán, ghi nhận mực nước giảm xuống chỉ còn 17,22 mét, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu có ghi chép mực nước trên sông Dương Tử tại đây vào năm 1865 (cách đây 157 năm), theo báo chí địa phương.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 17/8: Mùa đông tới sớm, miền Bắc lạnh hơn mọi năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới