Chủ nhật, 24/11/2024 09:58 (GMT+7)
Thứ ba, 16/08/2022 18:15 (GMT+7)

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 16/8

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM ghi “kỷ lục” nhiều năm về số tuyến đường ngập; Biển Đông có thể đón thêm 8-10 cơn bão trong mùa mưa bão năm nay; Lũ quét tại Afghanistan khiến ít nhất 29 người thiệt mạng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 16/8.

TP.HCM ghi “kỷ lục” nhiều năm về số tuyến đường ngập

Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) vừa có báo cáo nhanh về trận mưa kéo dài từ 15 giờ 30 đến 18 giờ chiều 15/8 gây ngập nhiều nơi trên địa bàn thành phố.

Theo đó, lượng mưa cao nhất đo được tại trạm Lý Thường Kiệt là 112,7 mm. Trận mưa này gây ngập 47 tuyến đường, trong đó có nhiều tuyến đường ngập tức thời.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết do mưa lớn, nước thoát không kịp nên ngập tức thời nhiều tuyến đường.

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 16/8 - Ảnh 1
TP.HCM ghi “kỷ lục” nhiều năm về số tuyến đường ngập. (Ảnh internet)

"Ngập là do mưa lớn trên diện rộng và kéo dài nên số tuyến đường ngập nhiều nhất trong vài năm trở lại đây. Trước đây cũng mưa lớn nhưng theo từng vùng, vài quận, huyện còn hôm qua gần như mưa khắp thành phố. Tuy vậy, hầu hết các tuyến đường đều thoát hết nước sau mưa", ông Vũ Văn Điệp nói.

47 tuyến đường ngập: Lê Văn Việt, Nguyễn Duy Trinh, Lã Xuân Oai, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, Hiệp Bình, Quốc lộ 13, Quốc Hương, Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng, Đinh Bộ Lĩnh, Điện Biên Phủ, Ung Văn Khiêm - Tân Cảng, Bạch Đằng, Bùi Đình Túy, Song Hành QL22 , Phan Văn Hớn, Bà Triệu, Nguyễn Văn Quá, Đặng Thúc Vịnh, Tô Ký, Nguyễn Văn Khối, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Võ Văn Kiệt- Hồ Học Lãm, Tân Hòa Đông, Phan Anh, An Dương Vương, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Phạm Hữu Lầu, Ba Tháng Hai, Nguyễn Biểu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ, Calmette, Lê Lai, Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Vĩnh Hội, Phạm Ngũ Lão.

Biển Đông có thể đón thêm 8-10 cơn bão trong mùa mưa bão năm nay

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo trạng thái La Nina sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 60-65% và khả năng còn kéo dài sang các tháng đầu năm 2023. Đây là năm thứ 3, La Nina duy trì và là điểm bất thường vì một chu kỳ La Nina trung bình kéo dài 2 năm.

Do tác động của La Nina, từ nay đến tháng 2/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 8-10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 3-5 cơn. Các chuyên gia cảnh báo, không ngoại trừ khả năng tháng 01/2023 vẫn còn xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.

Ngoài ra, những năm La Nina tác động, nguy cơ xuất hiện các cơn bão dồn dập cuối năm, trong đó những cơn bão mạnh, dị thường, trái quy luật.

Một điểm đáng lưu ý là năm nay, không khí lạnh có khả năng đến sớm. Dự báo nền nhiệt tháng đầu mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Do bão dồn dập, kết hợp với không khí lạnh đến sớm nên thời tiết những tháng cuối năm ở miền Trung được đánh giá khó lường. Dự báo từ tháng 10-11/2022, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập.

Cụ thể, trong tháng 10/2022, tổng lượng mưa ở miền Trung phổ biến cao hơn từ 20-50% với xác suất khoảng 80-90%. Tháng 11/2022, tại khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-50%, có nơi trên 50% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ với xác suất khoảng 80-90%.

Ngoài ra, tại khu vực Nam Bộ trong những tháng đầu năm 2023 vẫn có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa cục bộ.

Hiện nay, trên Biển Đông cũng đang tồn tại một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục qua Bắc Bộ nối với vùng áp thấp phân tích trên, kết hợp với gió mùa Tây Nam ở phía Nam có cường độ trung bình nên đêm nay và ngày mai (17/8), khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Độ cao sóng từ 2-3m. Dự báo trong 1-2 ngày tới, gió mùa Tây Nam tiếp tục có khả năng gây ra mưa dông trên khu vực Biển Đông.

Quảng Ngãi: Bảo vệ môi trường sống của san hô

Tại vùng biển Lý Sơn, theo khảo sát đã xác định được 157 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 18 họ. San hô bao phủ hầu như khắp xung quanh đảo. Thế nhưng, những năm gần đây, do sự phát triển đô thị hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nên các công trình, cầu cảng phục vụ phát triển kinh tế du lịch tập trung xây dựng ở khu vực phía Nam, nên một số khu vực san hô ở phía Nam bị tàn phá như khu vực trước, xung quanh cảng Bến Đình, khu vực trước và xung quanh cầu cập An Bình.

San hô khu vực đảo Lý Sơn bị hủy hoại nhiều, diện tích suy giảm đáng kể bởi các tác động từ khai thác cá bằng thuốc nổ, chất độc, neo đậu tàu thuyền,… bên cạnh đó, người dân còn khai thác san hô chết (là chân giá thể để san hô sống bám vào) để bán phục vụ cho nung vôi, làm cảnh. Ngoài ra, hiện nay tại huyện đảo Lý Sơn còn có hiện tượng khai thác cát biển để phục vụ cho trồng tỏi và hành. Đây là nguyên nhân làm cho rạn san hô và cỏ biển bị suy giảm khá nhanh.

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 16/8 - Ảnh 2
Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường biển và các hệ sinh thái rạn san hô trong khu bảo tồn.

Trước thực trạng san hô bị suy giảm ngày càng nghiêm trọng đáng báo động như hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến bảo vệ, bảo tồn biển, về ý nghĩa của việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái nói chung, rạn san hô nói riêng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường biển và các hệ sinh thái rạn san hô trong khu bảo tồn.

“Hiện nay, hai khu vực được giữ gìn bảo vệ và phát huy là khu bảo vệ nghiêm ngặt phía Bắc và phía Nam, khu vực lặn ngắm san hô phía Bắc đảo Bé - An Bình được đội tuần tra của đơn vị và đội chèo thúng, cứu hộ cứu nạn An Bình thường xuyên tuần tra, bảo vệ, giữ gìn và nếu có trường hợp xâm phạm sẽ phối hợp cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật”, ông Huỳnh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết.

Lũ quét tại Afghanistan khiến ít nhất 29 người thiệt mạng

Ngày 15/8, giới chức Afghanistan cho biết các trận lũ quét do mưa lớn gây ra đã làm ít nhất 29 người thiệt mạng, phá hủy hàng chục ngôi nhà ở miền Đông nước này.

Theo người phát ngôn Bộ Quản lý thiên tai Afghanistan, Mohammad Naseeb Haqqani, mưa to trút xuống các tỉnh Parwan, Kapisa và Nangarhar trong 24 giờ qua đã làm ít nhất 29 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương, mùa màng, hàng chục ngôi nhà và đường sá bị phá hủy.

Ông cho biết các nhóm cứu trợ và viện trợ khẩn cấp đã được phái tới những vùng bị ảnh hưởng bởi lũ quét trong khi lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm người sống sót trong đống đất bùn.

Trong khi đó, giới chức tỉnh Parwan cho biết khoảng 100 người cũng bị mất tích tại tỉnh này. Mỗi năm, Afghanistan ghi nhận hàng chục người thiệt mạng trong các trận mưa lớn, nhất là ở những vùng nông thôn nghèo khó bởi nhà cửa nơi đây được xây dựng sơ sài, dễ sụp đổ trong mưa lũ.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 16/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới