Chủ nhật, 24/11/2024 09:53 (GMT+7)
Thứ tư, 18/05/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/5: Chính thức khởi động dự án 'Vì sông Mê Kông không rác'

Theo dõi KTMT trên

Chính thức khởi động dự án "Vì sông Mê Kông không rác"; Thừa Thiên – Huế: Doanh nghiệp xả chất thải rắn ra môi trường; Cháy rừng ở New Mexico là vụ cháy lớn nhất trong lịch sử bang... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 18/5.

Chính thức khởi động dự án "Vì sông Mê Kông không rác"

Ngày 18/5, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Cần Thơ, UBND quận Bình Thủy, Cái Răng, Dow Việt Nam và GreenHub đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, chính thức khởi động dự án “Vì sông Mê Kông không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ".

Theo bà Cao Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.Cần Thơ, Dự án "Vì sông Mê Kông không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở TP.Cần Thơ" sẽ được triển khai thực hiện tại cồn Sơn và chợ nổi Cái Răng của Thành phố. Dự án được triển khai nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải từ sông ra biển và tạo sự thay đổi hành vi trong quản lý rác thải của cộng đồng địa phương; tăng cường hoạt động thu gom, phân loại rác thải, tái sử dụng và tái chế rác thải.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/5: Chính thức khởi động dự án 'Vì sông Mê Kông không rác' - Ảnh 1
Các chợ nổi ở TP.Cần Thơ sẽ thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn.

Các hoạt động của dự án sẽ góp phần giúp TP. Cần Thơ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, cải thiện chất lượng môi trường ở khu vực Chợ nổi Cái Răng, cồn Sơn, một trong những điểm nhấn du lịch của thành phố. Dự án này còn mang ý nghĩa quan trọng trong các hoạt động hợp tác, chung tay bảo vệ môi trường của Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như hy vọng mở ra các hoạt động hợp tác lâu dài giữa TP.Cần Thơ với Dow Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Thông qua quản lý chất thải từ các nguồn xả rác chính vào sông Mê Kông thuộc địa phận Cần Thơ, dự án "Vì sông Mê Kông không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ" sẽ thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, giảm thiểu rác từ sông ra biển và tạo sự thay đổi hành vi trong quản lý chất thải đối với các cộng đồng địa phương sống trên sông.

Dự án sẽ đóng góp cải thiện môi trường sống và bảo tồn hệ sinh thái bằng việc giảm khoảng 300 – 400 tấn rác thải mỗi năm trên sông Mê Kông và trực tiếp giúp đỡ cuộc sống của hơn 150 nghìn người (15 cộng đồng) sinh sống tại 2 quận nơi dự án sẽ triển khai: Quận Bình Thủy và Quận Cái Răng. Ngoài ra, đây cũng là dự án chủ đạo của Hợp tác Công - Tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa mà Dow Việt Nam cùng với Bộ TN&MT và các công ty khác thành lập vào năm 2020.

An Giang: Nguyên nhân có thể khiến cá chết ở sông Châu Đốc

Ngày 18/5, Sở TN&MT An Giang đã có báo cáo nhanh kết quả phân tích một số chỉ tiêu lý hóa trong môi trường nước trên sông Châu Đốc, liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở các khóm Vĩnh Tân, Vĩnh Chánh 1, Vĩnh Chánh 2 (phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc) từ ngày 12-14/5.

Trước đó, ngày 14/5, Phòng TN&MT TP. Châu Đốc thông tin có hiện tượng cá nuôi thương phẩm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân ở các khóm Vĩnh Tân, Vĩnh Chánh 1, Vĩnh Chánh 2, phường Vĩnh Ngươn.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở TN&MT tỉnh An Giang đã tiến hành thu mẫu nước, thủy sinh vật ở khu vực cá chết tại xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, An Giang), phường Vĩnh Ngươn (thành phố Châu Đốc) để phân tích 36 chỉ tiêu lý hóa nước, thủy sinh vật để tìm nguyên nhân gây cá chết.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/5: Chính thức khởi động dự án 'Vì sông Mê Kông không rác' - Ảnh 2
Cá nuôi bè của một số hộ nuôi thủy sản trên nhánh sông Hậu chết hàng loạt. (Ảnh: Báo An Giang)

Kết quả phân tích 17 chỉ tiêu lý hóa nước ở khu vực xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú), Sở TN&MT tỉnh An Giang xác định có 6/17 thông số quan trắc chưa đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Còn kết quả phân tích 17 chỉ tiêu lý hóa nước ở khu vực phường Vĩnh Ngươn (thành phố Châu Đốc) thì có 7/17 thông số quan trắc chưa đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Theo đánh giá của Sở TN&MT An Giang, kết quả phân tích một số chỉ tiêu lý hóa trong môi trường nước trên sông Châu Đốc phản ánh chất lượng nước tại huyện An Phú và thành phố Châu Đốc thời điểm lấy mẫu cho thấy hàm lượng các chất: rắn lơ lửng, sắt, hữu cơ, nitơ, photphat đều ở mức cao hơn quy chuẩn cho phép và oxy hòa tan trong nước thấp hơn quy chuẩn cho phép; không có kim loại nặng và dầu mỡ trong môi trường nước khu vực quan trắc.

Sở TN&MT An Giang kết luận trong môi trường nước khi hàm lượng chất rắn lơ lửng nhiều, chất hữu cơ cao, oxy trong nước thấp, sắt cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá, có thể gây bất lợi cho quá trình trao đổi khí qua mang cá.

Thừa Thiên – Huế: Phát hiện doanh nghiệp xả chất thải rắn ra môi trường

Ngày 18/5, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Phong Điền kiểm tra, phát hiện công ty TNHH MTV Cao su Huy Anh (đóng tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) có hành vi đổ, thải, đốt chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, đoàn công tác phát hiện doanh nghiệp trên do ông Phạm Phước S. (SN 1946, trú tại tỉnh Kiên Giang) làm giám đốc có hành vi đổ chất thải rắn xuống khu vực hồ chứa nước trong khuôn viên công ty không đúng quy định về bảo vệ môi trường.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/5: Chính thức khởi động dự án 'Vì sông Mê Kông không rác' - Ảnh 3
Lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp xả chất thải rắn ra môi trường. (Ảnh: Báo TN&MT)

Tiếp tục kiểm tra, lực lượng công an phát hiện thêm 1 bãi chất thải rắn là bao bì đựng mũ cao su đã được đốt tại khu vực bãi đất trống nằm trong khuôn viên công ty.

Được biết, công ty TNHH MTV Cao su Huy Anh chuyên chế biến và sản xuất cao su đóng trên địa bàn huyện Phong Điền. Hiện Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tiếp tục xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý vi phạm.

Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi)

Sau khi Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ban soạn thảo và các thành viên Ban soạn thảo thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 54 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Điều 26 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tổ biên tập và các thành viên Tổ biên tập thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 27 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/5: Chính thức khởi động dự án 'Vì sông Mê Kông không rác' - Ảnh 4
Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). (Ảnh minh họa)

Ban soạn thảo và Tổ biên tập có trách nhiệm phối hợp với đơn vị được giao chủ trì soạn thảo, các đơn vị có liên quan để hoàn thành việc soạn thảo Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) theo tiến độ và các thủ tục do pháp luật quy định để trình Chính phủ.

Ban soạn thảo và Tổ biên tập tự giải thể sau khi Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Trước đó, trong cuộc họp về việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) ngày 5/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sớm hoàn thành việc thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Theo danh sách Ban soạn thảo Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà là Trưởng ban; Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên là Phó Trưởng ban Thường trực; ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là thành viên kiêm thư ký và 36 thành viên khác.

Danh sách Tổ biên tập Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên là Tổ trưởng; ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là Phó Tổ trưởng thường trực; ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là Phó Tổ trưởng và nhiều thành viên khác.

Cháy rừng ở New Mexico là vụ cháy lớn nhất trong lịch sử bang

Đám cháy Hermits Peak và Calf Canyon diễn ra trong suốt 40 ngày qua ở New Mexico (Mỹ) được ghi nhận là trận cháy rừng lớn nhất trong lịch sử của bang này, buộc phải sơ tán một khu trượt tuyết và các ngôi làng ở vùng núi phía Đông thành phố Santa Fe.

Ngay khi ngọn lửa tràn vào Pecos Wilderness - một khu vực hoang dã được bảo vệ trong Rừng Quốc gia Santa Fe và Rừng Quốc gia Carson tại New Mexico, Mỹ, cư dân có mặt tại khu trượt tuyết Sipapu và các cộng đồng cách thành phố Taos khoảng 21 km về phía Nam đã nhận được thông báo sơ tán qua điện thoại di động.

Đám cháy có tên là Hermits Peak và Calf Canyon bắt đầu xuất hiện từ ngày 6/4 đã thiêu rụi 121.000 ha rừng, vượt qua vụ cháy Whitewater Baldy vào năm 2012 để trở thành trận cháy lớn nhất lịch sử bang New Mexico. Hiện tại, ngọn lửa đã được kiểm soát 27%. Nguyên nhân của đám cháy vẫn đang được điều tra.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/5: Chính thức khởi động dự án 'Vì sông Mê Kông không rác' - Ảnh 5
Đám cháy Hermits Peak và Calf Canyon diễn ra trong suốt 40 ngày qua ở New Mexico (Mỹ) được ghi nhận là trận cháy rừng lớn nhất trong lịch sử. (Ảnh internet)

Sau khi lan dài 72km, đám cháy kết hợp với một ngọn lửa khác và bùng lên mạnh hơn, phá hủy các lưu vực và khu rừng được làng nông nghiệp Indo-Hispano sử dụng trong nhiều thế kỷ để làm vật liệu xây dựng, củi và tưới tiêu. Ngoài ra, ngọn lửa còn bùng cháy trong phạm vi 32 km tại Santa Fe thuộc bang New Mexico, làm tắc nghẽn thành phố 84.000 dân này.

Theo các nhà sinh vật học, đám cháy đã xuyên qua những khu rừng rậm vốn luôn được bảo vệ và cấm khai thác gỗ từ những năm 1990. Họ nhận định rằng, biến đổi khí hậu làm giảm lớp băng tuyết và làm khô rừng, kết hợp với đợt hạn hán kéo dài 25 năm khiến cây cối bị chết do sâu bệnh có thể là nguyên nhân của đám cháy lịch sử này.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/5: Chính thức khởi động dự án 'Vì sông Mê Kông không rác'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới