Chủ nhật, 24/11/2024 10:43 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/05/2022 05:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 26/5

Theo dõi KTMT trên

Trao giải Báo chí toàn quốc về Phòng, chống thiên tai lần 2; Mưa lớn chưa từng có, cảnh báo một năm thiên tai khốc liệt, dị thường; Làm rõ nguyên nhân cháy lá cây ngoài KCN Tằng Loỏng (Lào Cai)... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 26/5.

Trao giải Báo chí toàn quốc về Phòng, chống thiên tai lần thứ hai

Ngày 26/5, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Lễ vinh danh và trao giải Báo chí toàn quốc về Phòng, chống thiên tai lần thứ hai, với chủ đề "Vì một xã hội an toàn trước thiên tai - Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu".

Tiếp nối thành công của Giải lần thứ nhất với sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí và đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, Giải Báo chí toàn quốc về Phòng, chống thiên tai lần thứ hai được phát động vào ngày 13/10/2020, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ngày ASEAN về Quản lý thiên tai.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 26/5 - Ảnh 1
Các tác giả đoạt giải Nhất cuộc thi Báo chí toàn quốc về Phòng, chống thiên tai lần thứ hai. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Sau một thời gian chấm giải, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 4 tác phẩm đạt giải Nhất, 5 tác phẩm đạt giải Nhì, 10 tác phẩm đạt giải Ba; 15 tác phẩm đạt giải Khuyến khích, 1 tác phẩm đạt giải “Câu chuyện tác động mạnh mẽ nhất” và 2 giải Đồng hành dành cho các đơn vị có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống thiên tai. Báo Nhân Dân là cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm dự thi nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban tổ chức Giải cho biết: “Hầu hết các tác phẩm dự thi lần này phản ánh chân thực, góc nhìn trực quan về hiện trạng, tác động, diễn biến của thiên tai cũng như sự tham gia của cộng đồng; làm rõ, giúp nhận dạng những hạn chế, thách thức trong công tác phòng, chống thiên tai.

“Không những vậy, các tác phẩm dự thi còn giúp gợi mở, đề xuất các giải pháp, biện pháp mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai cho các cơ quan chuyên trách tại Trung ương và địa phương. So với Giải lần thứ nhất, số lượng tác phẩm của Giải lần này cao hơn, chất lượng các tác phẩm cũng được đầu tư kỹ lưỡng hơn với nhiều bài báo, phóng sự nhiều kỳ, nhiều phần phản ánh trung thực khách quan…”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Mưa lớn chưa từng có, cảnh báo một năm thiên tai khốc liệt, dị thường

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, mưa lớn xảy ra ở miền Bắc trong 3 ngày qua gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương ở Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Nội. Chuyên gia dự báo khu vực tiếp diễn trạng thái mưa dông đến hết tháng 5.

Liên quan đến đợt mưa lớn trên diện rộng, gây ngập nặng tại nhiều khu vực ở miền Bắc, thậm chí một số nơi có lượng mưa trong ngày vượt kỷ lục, đường "biến" thành sông, sáng 26/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) đã có thông báo phân tích về diễn biến của đợt mưa vừa qua đồng thời đưa ra nhận định “năm nay khả năng sẽ là một năm có nhiều thiên tai bất thường ở Việt Nam”.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 26/5 - Ảnh 2
Mưa lớn chưa từng có, cảnh báo một năm thiên tai khốc liệt, dị thường. (Ảnh internet)

Theo đó, nguyên nhân gây mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong những ngày qua là do rãnh gió mùa (là khu vực hội tụ của hai đới gió mùa Đông Bắc và Tây Nam) có trục đi qua Bắc Bộ.

Đặc biệt, trong ngày 23-24/5, rãnh áp thấp hoạt động mạnh, kết hợp với vùng xoáy thấp trên rãnh áp thấp phát triển đến độ cao 5.000m đã gây ra mưa rất to ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, từ ngày 25/5, dự báo rãnh áp thấp và vùng xoáy thấp hoạt động yếu dần sẽ làm cho mưa lớn ở khu vực này suy giảm.

Dự báo, từ chiều tối và đêm nay (26/5) đến hết đêm 27/5, Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Riêng khu vực Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).

Ngoài ra, trong ngày và đêm nay (26/5), ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông (Nam Bộ tập trung trong chiều và đêm nay) với lượng mưa 20-40mm, cục bộ có mưa to với lượng mưa trên 60mm. Mưa dông ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 30/5 (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).

Làm rõ nguyên nhân cháy lá cây ngoài KCN Tằng Loỏng (Lào Cai)

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - Trịnh Xuân Trường vừa giao UBND huyện Bảo Thắng chủ trì, phối hợp với UBND xã Phú Nhuận, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, Đồn Công an Khu công nghiệp Tằng Loỏng thành lập Đoàn triển khai kiểm đếm cây trồng bị táp lá tại xã Phú Nhuận, đảm bảo chính xác đầy đủ từ ngày 26/5 và báo cáo UBND tỉnh Lào Cai kết quả trong ngày 28/5/2022.

Đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai chủ trì, phối hợp với với các ngành liên quan và chính quyền địa phương xác minh, làm rõ nguyên nhân cây trồng bị táp lá tại xã Phú Nhuận.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 26/5 - Ảnh 3
Hàng loạt các loại cây trồng bị cháy, táp lá tại thôn Phú Hà 1, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, Lào Cai.

Trước đó, ngày 24/5, người dân tại thôn Phú Hà 1, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng phát hiện luồng khí màu trắng từ hướng nhà máy sản xuất trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) tạt qua có mùi khét gây khó chịu, khó thở; đến đầu giờ chiều phát hiện các loại cây trồng bị cháy, táp lá.

Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương đã ghi nhận các ý kiến phản ánh của người dân và xác định sơ bộ diện tích rau màu, quế, bồ đề, sắn, ngô bị ảnh hưởng khoảng 60 ha với trên 60 hộ dân.

Qua khảo sát, bước đầu xác định hiện tượng cây trồng bị cháy táp lá xuất hiện theo vệt từ khu vực nhà máy tuyển quặng Apatít Tằng Loỏng, giáp xưởng sản xuất SA của nhà máy sản xuất DAP số 2 - Vinachem, kéo dài sang khu vực nhà máy sản xuất tấm nhựa của Công ty Công ty Tân Hưng Thịnh và đến khu vực thôn Phú Hà 1.

Thừa Thiên – Huế: Cá nuôi lồng chết hàng loạt

Những ngày qua, trên địa bàn xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) xảy ra hiện tượng cá trắm cỏ nuôi lồng trên sông Bồ nổi lờ đờ, bị chết. Trong đó tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ có nhiều lồng cá chết rải rác, một số lồng bị chết khoảng 150 con/lồng. Một số hộ có đến 2- 3 lồng cá trắm bị chết, phần lớn cá đều từ 4- 5 tháng tuổi, thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Ông Trần Kìm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ thông tin, ngay sau khi xuất hiện cá chết, chính quyền địa phương báo với Chi cục Thuỷ sản tỉnh, đồng thời hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên đến nay thì cá vẫn chết rải rác, địa phương khuyến cáo bà con thu hoạch bán, chấp nhận giá thấp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 26/5 - Ảnh 4
Hiện tượng cá trắm cỏ nuôi lồng trên sông Bồ nổi lờ đờ, bị chết tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền). (Ảnh: Báo TN&MT)

Chi cục Thủy sản cũng đã phối hợp với Khoa Thủy sản - Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức lấy mẫu cá chết tại hiện trường với các dấu hiệu như không xuất huyết bên ngoài cơ thể, không có hiện tượng xơ rách ở vây, không phát hiện bất kỳ tổn thương bên ngoài cơ thể.

Kết quả kiểm tra tại phòng thí nghiệm không phát hiện vi khuẩn trên các mẫu bệnh phẩm từ thận, không thấy dấu hiệu do nhiễm virus vì cơ không xuất huyết, nấm xuất hiện trên các mẫu nuôi cấy từ mang. Từ đó có thể kết luận cá trắm cỏ nuôi lồng tại các địa phương bị chết do nhiễm tác nhân gây bệnh nấm mang Brachiomyces sanguinis.

Theo cơ quan chức năng, bệnh Brachiomyces sanguinis khá nghiêm trọng và chưa có thuốc để trị dứt điểm. Vì vậy ngoài các biện pháp treo túi vôi và sunphat đồng tại các góc lồng, bà con tiếp tục thực hiện các biện pháp theo quy định để tránh lây lan mầm bệnh trên diện rộng. Trước hết loại bỏ ngay các con bị bệnh (cá yếu, chết) trong lồng. 

Biến đổi khí hậu đe dọa khả năng tiếp cận nước và vệ sinh

Liên hợp quốc vừa cảnh báo biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ làm gia tăng đáng kể áp lực lên khả năng tiếp cận nước và vệ sinh của người dân nếu các Chính phủ không làm nhiều hơn nữa để đầu tư cho cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ông Thomas Croll-Knight - phát ngôn viên của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu (UNECE) cho biết, BĐKH đã và đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống nước và vệ sinh ở các quốc gia trên thế giới.

Theo UNECE và Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, mặc dù là ưu tiên phù hợp với Thỏa thuận Khí hậu Paris, nhưng kế hoạch giúp tiếp cận nguồn nước tiềm năng khi đối mặt với áp lực khí hậu vẫn chưa được thực hiện ở khu vực châu Âu.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 26/5 - Ảnh 5
Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng đáng kể áp lực lên khả năng tiếp cận nước và vệ sinh của người dân nếu không có các giải pháp đầu tư cho cơ sở hạ tầng quan trọng. (Ảnh minh họa)

“Từ việc nguồn cung cấp nước bị giảm và ô nhiễm nguồn cung cấp nước đến thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng thoát nước, những rủi ro này sẽ tăng lên đáng kể nếu các quốc gia không tăng cường triển khai các biện pháp để tăng khả năng phục hồi”.

Theo ước tính, hơn một phần ba của Liên minh châu Âu sẽ chịu căng thẳng cao về nước vào những năm 2070 - thời điểm số người bị ảnh hưởng thêm dự kiến sẽ tăng lên 16 - 44 triệu người so với năm 2007.

Ngoài ra, trên toàn cầu, mỗi lần tăng 1 độ C do hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ dẫn đến giảm 20% nguồn nước tái tạo, ảnh hưởng đến thêm 7% dân số.

Mặc dù các sáng kiến thích ứng với quản lý nước đã xuất hiện trong nhiều Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) và Chương trình Hành động Quốc gia (NAP) theo Thỏa thuận Paris, nhưng vẫn chưa có các cơ chế và phương pháp quản lý để tích hợp nước và khí hậu, khiến các vấn đề về nước uống, vệ sinh và sức khỏe vẫn chưa được giải quyết hợp lý.

Việc tăng cường các cơ chế quản lý đầy đủ cũng như các biện pháp theo Nghị định thư về Nước và Sức khỏe - một thỏa thuận đa phương duy nhất do UNECE và Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Âu thực hiện - có thể đóng một vai trò quan trọng.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 26/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới