Chủ nhật, 24/11/2024 07:44 (GMT+7)
    Thứ hai, 24/08/2020 15:00 (GMT+7)

    Tồn tại nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 các khu tái định cư

    Theo dõi KTMT trên

    Không chỉ tầng 1 bị “xẻ thịt” cho thuê nhằm thu lợi trái quy định mà ngay cả khuôn viên, vỉa hè cũng được tận dụng buôn bán, hàng quán mọc lên nhan nhản, nhếch nhác, trông rất mất vệ sinh và mỹ quan.

    Tồn tại nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 các khu tái định cư - Ảnh 1
    Hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại tầng 1 tòa nhà N6C Trung Hòa-Nhân Chính (Thanh Xuân). (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

    Mặc dù các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội đã có kết quả bản án đối với một số cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác tự ý cho thuê kinh doanh dịch vụ sai quy định tại các điểm diện tích tầng 1 các tòa nhà chung cư tái định cư, song không hiểu vì lý do gì, đến nay, tình trạng này vẫn tiếp tục tồn tại ở không ít các tòa nhà tái định cư với nhiều cửa hàng kinh doanh khác nhau, bất chấp lệnh cấm của UBND thành phố, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của cư dân.

    Có thể liệt kê hàng loạt các khu nhà tái định cư đang diễn ra các hoạt động kinh doanh tràn lan, nhộn nhịp tại tầng 1 như N4CD-N6C-N6E Trung Hòa-Nhân Chính (quận Thanh Xuân); CT1-CT2-X2 Bắc Linh Đàm, N14A-N14B Định Công, A2 Đền Lừ (quận Hoàng Mai), N11B Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), tòa nhà VIII C thuộc khu tái định cư phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng)...

    Không chỉ tầng 1 bị “xẻ thịt” cho thuê nhằm thu lợi trái quy định mà ngay cả khuôn viên, vỉa hè cũng được tận dụng buôn bán, hàng quán mọc lên nhan nhản, nhếch nhác, trông rất mất vệ sinh và mỹ quan đô thị.

    Điển hình tại khu nhà N6C Trung Hòa-Nhân Chính (quận Thanh Xuân), hầu hết các ki ốt tầng 1 là các cửa hàng làm tóc, phân phối nước, kinh doanh thuốc và các quán ăn nhậu. Diện tích để xe và sinh hoạt chung của cư dân trong tòa nhà nhỏ hẹp. Vào giờ cao điểm, khoảng 6 giờ chiều hàng ngày, mọi người trở về nhà phải xếp hàng, nhường nhau di chuyển vào khu vực để xe với diện tích ít ỏi.

    Cô Phan Thị Hồng Minh, 53 tuổi, cư dân tại nhà N6C Trung Hòa-Nhân Chính bày tỏ thái độ không hài lòng về vấn đề kinh doanh trái phép ở tầng 1. Theo cô Minh, diện tích để xe của tòa nhà quá chật chội, ẩm thấp, nhất là khi trời mưa.

    Quán ăn bên dưới gây ồn ào, mất an ninh trật tự. Mỗi buổi tối, hàng loạt xe máy xếp dưới lòng đường khiến giao thông trở nên ách tắc.

    Chung cư có phòng họp riêng tại nhà N5A, người dân đã nhiều lần kiến nghị, có sự tham gia giải quyết của ban quản trị, công an phường, quận nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả.

    Tương tự, tại nhà N11A Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), tầng 1 là thư viện và vỉa hè phía trước bị trưng dụng làm nơi đọc sách, mất làn đường đi bộ của người tham gia giao thông. Ngay bên cạnh, tầng 1 của nhà N11B, hàng rau, hàng thịt được bày bán như chợ thu nhỏ.

    Có mặt ở đây vào khoảng 8 giờ sáng, lượng người mua hàng khá đông, nhốn nháo, cản trở việc đi lại của cư dân. Khu vực để xe cũng trở thành kho chứa bàn ghế, thực phẩm.

    Anh Nguyễn Văn Hùng, 35 tuổi, người dân sinh sống ở nhà tái định cư N11B Dịch Vọng bức xúc cho biết: “Việc buôn bán ở ngay lối đi gây cản trở rất nhiều đến những người sống trong tòa nhà. Diện tích đi lại chật hẹp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc chạy thoát nếu chẳng may xảy ra cháy nổ. Mỗi ngày, lượng rác thải ra từ hàng hóa thừa là không ít, gây ô nhiễm môi trường, khu vực trước cửa chung cư này chẳng mấy khi sạch sẽ.”

    Thậm chí ngay sát Văn phòng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội (đơn vị được TP.Hà Nội giao quản lý, vận hành các khu nhà chung cư tái định cư) tại tầng 1 tòa N6C Trung Hòa-Nhân Chính cũng đang diễn ra hàng loạt dịch vụ kinh doanh nhỏ lẻ, lấn chiếm cả vỉa hè, không gian công cộng của cư dân.

    Theo Sở Xây dựng Hà Nội, liên quan đến việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội đã cho thuê trái quy định đối với 27 điểm diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại một số tòa nhà, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.Hà Nội đã điều tra vụ án, lập hồ sơ và chuyển cơ quan xét xử đối với cá nhân vi phạm.

    Cụ thể, ngày 12/6/2019, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã ban hành Bản án số 183/2019/HSST, trong đó, quyết định xử lý đối với các đối tượng đã “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; truy nộp số tiền bị thất thoát để bổ sung vào ngân sách nhà nước.

    Bốn cá nhân thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội đã bị xử phạt từ 30 tháng đến 10 năm 6 tháng tù giam; truy nộp gần 22 tỉ đồng. Đáng chú ý, người đứng đầu đơn vị này bị xử phạt 36 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo.

    Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội được TP.Hà Nội giao quản lý 148 tòa nhà tái định cư; trong đó, diện tích kinh doanh tầng 1 lên đến 56.937m2.

    Trong quá trình quản lý, từ năm 2010-2016, công ty đã tự ý bố trí cho 21 cá nhân, đơn vị vào sử dụng 4.038m2 tại 27 tòa nhà để kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của UBND TP.Hà Nội.

    Tồn tại nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 các khu tái định cư - Ảnh 2
    Hàng loạt kiốt tầng 1 tại tòa nhà N6A Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy) cho thuê kinh doanh trái quy định. (Ảnh: Kim Thu/ TTXVN)

    Nghiêm trọng hơn là toàn bộ số tiền cho thuê diện tích này (hơn 20 tỉ đồng), công ty không nộp vào ngân sách nhà nước.

    Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng quỹ nhà tầng 1 nhà tái định cư, mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2285/UBND-STC chỉ đạo các địa phương quản lý tầng 1 như tài sản công và không được sử dụng vào mục đích kinh doanh.

    UBND TP.Hà Nội đề nghị UBND xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận tài sản công là diện tích nhà tầng 1 thuộc sở hữu nhà nước tại chung cư tái định cư, bố trí sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng, thực hiện quản lý, sử dụng, kê khai và báo cáo theo chế độ quản lý, sử dụng tài sản công.

    Các địa phương có trách nhiệm quản lý nhà sinh hoạt cộng đồng theo đúng mục đích, không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

    Việc vận hành, bảo trì, sửa chữa đối với nhà sinh hoạt cộng đồng được thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và pháp luật khác có liên quan.

    Nguồn kinh phí vận hành, bảo trì, sửa chữa do cộng đồng dân cư tại chung cư tái định cư đóng góp; hỗ trợ từ ngân sách địa phương theo phân cấp (nếu có) và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.

    Trường hợp khó khăn, vướng mắc báo cáo Sở Xây dựng và Sở Tài chính để được hướng dẫn; những nội dung vượt thẩm quyền sẽ báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết.

    Bày tỏ ý kiến về vấn đề quản lý tầng 1 các tòa nhà tái định cư, chuyên gia Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1-Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc UBND TP.Hà Nội cấm cho thuê, kinh doanh tầng 1 tại các tòa nhà tái định cư là rất hợp lý, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của cư dân, bởi hiện nay, cư dân đang rất thiếu các không gian sinh hoạt cộng đồng.

    Theo ông Thịnh, môi trường của các chung cư có cửa hàng công cộng thường mất vệ sinh, mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy.

    Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, việc chấm dứt kinh doanh ở tầng 1 các tòa nhà tái định cư cũng như việc xử lý lấn chiếm, kinh doanh sai phép trên vỉa hè, hành lang công cộng của các khu tái định cư là rất khó.

    Thực tế xử lý thời gian qua của các cấp chính quyền quận Thanh Xuân tại khu tái định cư Trung Hòa-Nhân Chính cho thấy, đã có nhiều phương án, biện pháp, nhiều lần "ra quân" với tinh thần xử lý kiên quyết nhưng sau đó "đâu lại vào đấy", không khác nào tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa."

    Do vậy, để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm này, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh, đồng thời phải có phương án kết hợp giải quyết tình trạng công ăn việc làm cho người dân tái định cư. Chẳng hạn như phân khu các nơi được kinh doanh, hàng quán hoặc chợ cho cư dân đảm bảo an sinh cuộc sống.

    Ở một góc độ khác, Hà Nội cần thành lập các công ty quản lý, vận hành chuyên nghiệp. Hiện nay, mô hình xây tường bao quanh, lắp cầu bập bênh, ngựa quay, ghế đá... nhằm bảo vệ không gian sống cho cư dân cũng đang dần được thực hiện ở nhiều khu tái định cư.

    Đây cũng là một trong những biện pháp ngăn chặn hành vi chiếm dụng đang diễn ra hiện nay. Song, để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của thành phố về vấn đề tồn tại này rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đơn vị chức năng, đặc biệt là ban quản trị của các tòa nhà.

    Minh Nghĩa

    Bạn đang đọc bài viết Tồn tại nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 các khu tái định cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới