Chủ nhật, 24/11/2024 06:39 (GMT+7)
Thứ ba, 15/06/2021 15:27 (GMT+7)

Tổng thư ký LHQ cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres cảnh báo rằng những nước phát triển đang có nguy cơ “mất đi cơ hội quý giá” để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu khi không thúc đẩy một nền kinh tế xanh trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

“Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng, và thực sự lo ngại về những hậu quả mà nó để lại”, Tổng thư ký António Guterres bày tỏ quan ngại trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian tại trụ sở LHQ ở New York. “Chúng ta cần đảm bảo rằng các xu hướng môi trường sẽ có thể được đảo ngược chứ không phải là duy trì như hiện nay. Rõ ràng là chúng ta đang có nguy cơ phải đối mặt với đỉnh đểm mà không thể quay trở lại”.

“Bỏ ra hàng nghìn tỉ USD thay vì tận dụng khoảng thời gian này để đảo ngược xu hướng, và đầu tư vào nền kinh tế xanh đồng nghĩa với việc chúng ta đang mất đi cơ hội quý giá”, ông Guterres nhấn mạnh.

Tổng thư ký LHQ cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu - Ảnh 1
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres.

Một phân tích gần đây cho thấy, kể từ khi sự bùng phát đại dịch COVID-19, các nước G7 - Anh, Mỹ, Canada, Ý, Pháp, Đức và Nhật Bản - đã chi các khoản viện trợ tài chính lên đến 189 tỉ USD để hỗ trợ ngành dầu khí, than đốt cũng như ngành hàng không và sản xuất ô tô. Con số này nhiều hơn 40 tỉ USD so với số tiền mà những nước này đầu tư cho ngành năng lượng tái tạo.

Một số nhà lãnh đạo, bao gồm cả Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã nhấn mạnh việc đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu cần phải được đặt làm nhiệm vụ trọng tâm của quá trình hồi phục sau đại dịch.

Trong khi nhóm các nước G7 đã cam kết ngừng các khoản tài trợ quốc tế cho ngành than, nhiều quốc gia vẫn đang đổ hàng tỉ USD vào việc phát triển nhiên liệu khí đốt – mức chi cao gấp 4 lần so với các khoản tài chính hỗ trợ những dự án năng lượng mặt trời hay năng lượng gió.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo, khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại sau đại dịch, tốc độ phát thải khí nhà kính ra môi trường trong năm 2021 dự kiến sẽ tăng nhanh, đạt mức cao thứ hai trong lịch sử.

Tổng thư ký António Guterres cho biết ông hoan nghênh cam kết của khối G7 dù “nhiều quốc gia vẫn còn nghiện than”, nhưng cũng khẳng định rằng thế giới vẫn cần phải hành động quyết liệt hơn nữa.

Ông Guterres cho rằng năm 2021 là “một năm có yếu tố quyết định” để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, đề cập đến các cuộc thảo luận về khí hậu của LHQ tại Scotland vào tháng 11 tới đây.

“Chúng ta cần xóa bỏ các khoản trợ cấp cho ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch, đây là vấn đề trọng yếu”, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh. “Chúng ta cần xem xét cái giá phải đánh đổi khi theo đuổi một nền kinh tế như vậy, ở đây cái giá đó là lượng khí thải carbon. Nếu chúng ta làm như vậy, nhiều khoản đầu tư vào khai thác nhiên liệu hóa thạch rõ ràng sẽ không sinh lời trong giai đoạn phục hồi. Chúng sẽ trở thành những tài sản, những khoản đầu tư không có tương lai”.

Ưu tiên chính của Tổng thư ký LHQ tại hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là hối thúc các nhà lãnh đạo trong nhóm này tập trung giải quyết vấn đề gây tranh cãi về tài chính khí hậu. Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước giàu đã đồng ý cung cấp 100 tỉ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển nhằm thích ứng với các thiên tai như lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt và các tác động khác từ cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tuy nhiên, số tiền này chưa bao giờ được chi đầy đủ theo những cam kết trên. Ông Guterres nhận định rằng thế giới sẽ không thể đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu một cách hiệu quả, nếu như không hỗ trợ cho các nước nghèo. Ông nhấn mạnh nhóm G7 sẽ cần cung cấp đầy đủ các khoản tiền như đã cam kết để "xây dựng lại lòng tin" với các quốc gia đang phát triển.

“Khoản tiền 100 tỉ USD là vô cùng thiết yếu ”, Tổng thư ký nhấn mạnh. “Hành động vì khí hậu cho đến nay vẫn tập trung chủ yếu vào việc giảm thiểu phát thải ra môi trường. Nhưng các nước đang phát triển đang gặp phải những vấn đề lớn trong việc thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu”.

Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết ông hy vọng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có thể vận động các quốc gia khác thực hiện những cam kết viện trợ khí hậu trong bối cảnh, Mỹ đang nỗ lực tái gia nhập ngoại giao khí hậu quốc tế sau nhiệm kỳ của ông Donald Trump.

Một số nhà khoa học gần đây đã cảnh báo rằng thế giới có thể sẽ không duy trì được giới hạn nhiệt độ trung bình tăng ở mức 1,5 độ C như cam kết trong vòng 5 năm tới của thỏa thuận khí hậu Paris.

Tuy nhiên, ông Guterres nhấn mạnh mục tiêu đã đề ra “không chỉ là khả quan, mà thực sự rất cần thiết”, và tất cả các nước cần hợp tác, cố gắng kiểm soát để mức nhiệt toàn cầu không vượt ngưỡng này, bởi nếu không nó có thể gây ra những thảm hoạ khí hậu.

“Chúng ta vẫn còn thời gian, nhưng chúng ta cũng đang đứng bên bờ vực”, ông António Guterres cảnh báo. “Khi đang đứng bên bờ vực thẳm, chúng ta cần đảm bảo rằng bước đi tiếp theo của chúng ta sẽ là đúng hướng”.

Bắc Hiệp

Bạn đang đọc bài viết Tổng thư ký LHQ cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới