Chủ nhật, 24/11/2024 08:40 (GMT+7)
Thứ tư, 14/07/2021 06:15 (GMT+7)

TP.HCM có thể thực hiện các biện pháp mạnh hơn để ứng phó dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Cơ quan chức năng TP.HCM đang xây dựng 3 kịch bản có thể triển khai thực hiện sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để ứng phó với dịch Covid-19.

3 kịch bản ứng phó

Ngày 13/7, trong buổi họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã xây dựng 3 tình huống cũng như những giải pháp sau khi thực hiện 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. 

Tình huống thứ nhất là TP.HCM ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh. 

Tình huống thứ hai là TP.HCM chưa kiểm soát được, dịch vẫn gia tăng, thành phố tiếp tục thực hiện siết chặt biện pháp phòng, chống dịch, có thể áp dụng Chỉ thị 16 “cộng” ở một số khu vực. 

Tình huống thứ ba là dịch vẫn gia tăng, TP.HCM mất kiểm soát phải phong tỏa, thực hiện các biện pháp mạnh hơn để ứng phó với tình hình.

“Việc này thành phố cũng đang nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chuyên môn, báo cáo Bộ Y tế để có nghiên cứu, đề xuất cho phù hợp với tình hình thực tế. Dù cho là tình huống nào, quyết định nào sau 15 ngày, thì điều quan trọng là trong những ngày còn lại phải thực hiện nghiêm. 

Từng người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan phải thực hiện thật triệt để Chỉ thị 16, chấp hành các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất, là một trong những yếu tố quyết định", ông Mãi nói.

TP.HCM có thể thực hiện các biện pháp mạnh hơn để ứng phó dịch Covid-19 - Ảnh 1
Quảng cảnh buổi họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM diễn ra vào chiều ngày 13/7.

Đồng thời, ông Mãi đề nghị các lực lượng phòng chống dịch phải thực hiện hết trách nhiệm cùng với ý thức của mỗi người, mỗi nhà, thì thành phố mới đạt được kết quả cao nhất. Ngược lại, nếu lơ là không thực hiện nghiêm thì sẽ phải tiếp tục thực hiện tình huống 2, hoặc phải đối diện với tình huống xấu như tình huống 3. 

“Kết quả sau 15 ngày phụ thuộc vào sự thực hiện nghiêm của chúng ta", ông Mãi nhấn mạnh và mong muốn nhân dân, các tổ chức cá nhân thời gian qua đã đồng thuận chia sẻ, chấp hành thực hiện nghiêm thì thời gian tới tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện tốt, để đạt kết quả cao nhất, không phải đối mặt với những tình huống xấu hơn.

Thí điểm cách ly F0 tại nhà

Cũng trong ngày 13/7, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn khẩn về triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Theo nội dung công văn, được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, TP.HCM triển khai thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0, F1 như sau:

Về cách ly F1, đối với trường hợp F1 ở vùng nguy cơ rất cao không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly tại nhà (có ca F0 tại nhà ở vùng lõi của ổ dịch như khu nhà trọ, khu dân cư nghèo, khu ký túc xá...) thì chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm RT-PCR ngày 7 thay vì ngày 14 như trước đây, nếu âm tính xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú. Giao y tế địa phương theo dõi như trường hợp F1 cách ly tại nhà nêu trên.

Về cách ly, điều trị F0, đối với trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.

Đối với việc triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng, cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. 

Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

Về tổ chức chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với trường hợp F0 và F1, công văn nêu rõ, y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với các trường hợp F0 cách ly tại nhà; Tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.

Đối với trường hợp F1 được theo dõi tại nhà và thực hiện xét nghiệm RT-PCR theo quy định như trường hợp cách ly tập trung.

Tối 13/7, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thông báo 2 ca tử vong do Covid-19 số 131 và 132.

Cụ thể, ca tử vong số 131 là BN2983, nữ, 65 tuổi, người nhập cảnh tại An Giang. Ngày 5/5, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Covid-19. 

Ngày 13/5, bệnh nhân được chuyển điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với chẩn đoán vào viện viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp tiến triển do nhiễm Covid-19, tràn khí màng phổi phải đang đặt dẫn lưu ngày thứ 4 trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. 

Bệnh nhân tử vong ngày 1/7 với chẩn đoán tử vong là viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp tiến triển do nhiễm Covid-19, sốc nhiễm trùng, xuất huyết não trên bệnh nhân tăng huyết áp - đái tháo đường (Covid-19 đã điều trị, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính 4 lần).

Ca tử vong 132 là BN17165, nữ 77 tuổi, địa chỉ, quận Bình Tân, TP.HCM. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, gãy cổ xương đùi cũ đã phẫu thuật. 

Ngày 27/6, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Cơ sở điều trị là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Bệnh nhân tử vong ngày 10/7 với chẩn đoán tử vong sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng ARDS do nhiễm Covid-19 trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, gãy cổ xương đùi cũ.

Duy Thật

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM có thể thực hiện các biện pháp mạnh hơn để ứng phó dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới