TP.HCM: Lên phương án mở lại chợ đầu mối từ ngày 7/9
Sở Công Thương TP.HCM đề xuất với UBND Thành phố và UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức về mô hình, cách thức mở lại chợ đầu mối Bình Điền từ ngày 7/9.
Có phương án dự phòng đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân
Chiều ngày 5/9, tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, công tác đi chợ hộ, giao hàng hóa cho người dân đạt được những tín hiệu khả quan.
Riêng trong ngày 4/9, tỉ lệ đi chợ hộ đạt 80% nhu cầu của người dân, có 95.496 hộ gia đình đã được cung ứng hàng hóa, đạt tỉ lệ 116,9% số hộ đăng ký.
TP.HCM hiện có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động, bao gồm 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Phương cho biết thêm, chưa có cơ sở đánh giá rằng, sau ngày 15/9 sẽ có biến động về nhu cầu hàng hóa.
Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao, Sở Công Thương TP.HCM luôn có các phương án dự phòng để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân.
Về kế hoạch mở lại chợ truyền thống, Sở Công Thương TP.HCM đã đề xuất với UBND Thành phố và gợi ý UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức các mô hình, cách thức để mở lại các chợ này.
Qua quá trình làm việc với các Sở, ngành liên quan, dự kiến ngày 7/9, Sở Công Thương TP.HCM sẽ tổ chức lại điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ Bình Điền, góp phần thuận tiện trong việc mở rộng, cung ứng hàng hóa cho các chợ truyền thống, bếp ăn tập thể.
Liên quan đến công tác an sinh xã hội trên địa bàn TP.HCM, từ ngày 15/8/2021 đến 5/9/2021, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP.Thủ Đức là 1.649.068 túi (tăng 28.350 túi so với ngày 4/9/2021).
Về phương án đối với những người ăn xin, lang thang sau ngày 15/9, đại diện Sở LĐTB&XH TP.HCM cho hay, đơn vị sẽ tiếp tục kế hoạch tiếp nhận, giúp đỡ các đối tượng hòa nhập với cơ sở bảo trợ. Đồng thời, liên hệ với các gia đình, người thân để đón những đối tượng về địa phương.
Mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới
Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo cho các địa phương, đơn vị đã khống chế được tình hình dịch bệnh, Công an TP.HCM sẽ có phương án giúp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế của người dân.
Hiện tại, Công an TP.HCM đang phối hợp với Sở Y tế, Sở TT&TT, Sở LĐTB&XH cùng UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức cập nhật cơ sở dữ liệu về tiêm chủng vaccine; Các ca F0; Các trường hợp được cấp giấy đi đường; Dữ liệu về an sinh xã hội vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư...
Qua đó, phục vụ công tác quản lý lưu lượng người dân sau khi TP.HCM đặt ra tiêu chí an toàn cho từng đối tượng.
Ngoài ra, Công an TP.HCM đã và đang triển khai, mở rộng thêm các chốt kiểm soát có sử dụng camera quét mã QR để kiểm soát lưu lượng người dân mà không cần thông qua Giấy đi đường.
Nguyễn Thu