Chủ nhật, 24/11/2024 08:25 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/06/2022 14:30 (GMT+7)

TP.HCM vận động người dân giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy

Theo dõi KTMT trên

Mỗi ngày TP.HCM sử dụng hết 30 tấn ni lông trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và 34 - 60 tấn/ngày tương đương từ 5 - 9 triệu túi ni lông/ngày từ các hộ dân.

Phát thí điểm túi thân thiện môi trường

Sở Công Thương TP.HCM vừa có kế hoạch thực hiện chương trình tuyên truyền, vận động giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần tại hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM năm 2022.

Theo đó, Sở Công Thương vận động các hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách, cửa hàng tiện lợi xây dựng kế hoạch và cam kết có lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy cho khách hàng.

Nhằm đạt mục tiêu đến hết năm 2022, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; Các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng và hướng đến mục tiêu đến hết năm 2023, giảm sử dụng 65% sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học của các tiểu thương tại các chợ dân sinh trong việc đóng gói đựng sản phẩm cho người tiêu dùng.

TP.HCM vận động người dân giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Đồng thời, nắm bắt được tình hình nhu cầu sử dụng, nhận thức về trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đề ra các giải pháp tuyên truyền, hành động cụ thể tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường trên địa bàn Thành phố.

Để thực hiện yêu cầu trên, Sở Công Thương TP.HCM xây dựng và triển khai kế hoạch, lộ trình cắt giảm việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Phát thí điểm túi thân thiện môi trường, túi sử dụng nhiều lần tại các chợ truyền thống. Tổ chức khóa tập huấn tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông và tiêu dùng bền vững tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại. Trình chiếu các video, clip tuyên truyền về tác hại của túi ni lông khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách, cửa hàng tiện lợi. Phát loa tuyên truyền các nội dung về tác hại của túi ni lông khó phân hủy tại các chợ truyền thống. Hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các chương trình xúc tiến…

Từng bước cải thiện ô nhiễm

Theo thống kê của nhiều đơn vị nghiên cứu về môi trường, mỗi ngày, TP.HCM thải ra từ 8.000 đến hơn 9.000 tấn rác, trong đó rác thải từ các sản phẩm nhựa và túi ni lông chiếm từ 3 - 8%. Điều này tương đương với khoảng 30 tấn ni lông được sử dụng mỗi ngày trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và 34 - 60 tấn/ngày tương đương từ 5 - 9 triệu túi nylon/ngày từ các hộ dân trên địa bàn TP.HCM. Hầu như ni lông được phát thải ra môi trường, trong đó khu vực phát sinh nhiều nhất là chợ chiếm 70%, kế đến là siêu thị 25% và cuối cùng là trung tâm thương mại 3%. 

Năm 2011, khi Luật Thuế Bảo vệ môi trường bắt đầu được áp dụng, sự nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường được đánh động, họ dần dần sử dụng tiết kiệm túi ni lông vì giá quá cao, 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiệu quả của việc thực thi Luật Thuế Bảo vệ môi trường đối với túi ni lông chưa giải bỏ hết thói quen của người dân.

Trong bối cảnh các giải pháp hạn chế sử dụng túi nylon còn gây nhiều tranh cãi về tính khả thi, việc tìm kiếm một loại túi có thể thay thế túi ni lông là hy vọng với tất cả những người có trách nhiệm với môi trường. 

Đồng thời, cũng cần kêu gọi ý thức của các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông và tiến tới luật hoá nghĩa vụ của các doanh nghiệp này trong việc thu hồi, tái chế hoặc xử lý chất thải của các sản phẩm mà họ sản xuất. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này chưa phải chịu bất kỳ sức ép nào về trách nhiệm thu hồi và xử lý các sản phẩm qua sử dụng.

Đầu tư công nghệ hiện đại để biến túi ni lông thành sản phẩm hữu ích. Dùng túi nylon làm nguyên liệu cho công nghiệp xây dựng dùng trực tiếp hoặc trộn với các nguyên liệu khác để sản xuất bê tông chân đê, gạch lát đường, hay làm gạch.

Bên cạnh đó, phân loại, thu hồi rác thải ni lông để tái chế cũng được coi là một giải pháp hiệu quả. Việc thu hồi rác tuy nhiên là một công việc cần thời gian, công sức và sự đồng lòng của cộng đồng. Điều này có thể khó khăn ban đầu do thói quen và ý thức của người dân nhưng cùng với tuyên truyền và giáo dục ý thức môi trường, việc phân loại để tái chế rác thải có thể là một trong những giải pháp khả thi và hiệu quả nhất trong điều kiện hiện tại.

Hiện nay, ở TP.HCM việc phân loại rác thải mới là một hoạt động thí điểm, mật độ thùng rác ở những nơi công cộng còn thưa thớt và chưa có phân loại. Các hoạt động thu gom rác thải nhựa chỉ là những hoạt động tự phát, riêng lẻ... Điều này gây khó khăn cho việc thu hồi và tái chế rác thải nhựa.

Thanh Tâm

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM vận động người dân giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới