Trái đất nóng lên hủy hoại hệ sinh thái dưới lòng đại dương
Biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang diễn ra ngày càng phức tạp, kéo theo đó là vô số hệ lụy như trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt,... Các nhà khoa học cảnh báo, trái đất nóng lên sẽ làm thay đổi hệ sinh thái đại dương với tốc độ chóng mặt.
Theo nghiên cứu dựa trên dữ liệu của Viện Vật lý khí quyển, nhiệt độ của đại dương vào năm 2019 cao hơn gần 0,1oC so với nhiệt độ trung bình giai đoạn từ năm 1981 - 2010. Tác động của việc toàn cầu ấm lên có thể được cảm nhận qua thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng và hệ sinh thái biển bị hủy hoại.
Biến đổi khí hậu và lượng CO2 ngày càng tăng đang “thử thách” hệ sinh thái của chúng ta. Nhiệt độ trái đất hiện nay đang làm cho các loài sinh vật biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Khoảng 50% các loài động thực vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,1 đến 6,4 độ C nữa.
Đại dương nóng hơn, mở rộng và làm tan băng, khiến mực nước biển dâng cao. (Ảnh: NASA) |
Không thể quan sát bằng mắt thường song "sự chết chóc" dưới lòng các đại dương là thực trạng đang diễn ra với cấp độ ngày càng nghiêm trọng. Có thể thấy, hệ sinh thái biển toàn cầu đang bị hủy hoại bởi các đợt nắng nóng trên bề mặt đại dương.
Hệ sinh thái biển đang dần bị suy thoái bởi biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa) |
Theo tính toán của giới khoa học, các đại dương hấp thu tới 90% nhiệt lượng nóng lên của Trái Đất, do đó, nhiệt độ trong lòng các đại dương đều tăng gấp bội phần so với mức tăng nhiệt trong bầu khí quyển Trái Đất.
San hô chết trên diện rộng tại rặng san hô Great Barrier. (Ảnh: NSW) |
San hô bị tẩy trắng do nước biển ấm chỉ là một trong những hậu quả mà biến đổi khí hậu đem đến cho hệ sinh thái. Những thay đổi triệt để hơn có thể kể đến như hiện tượng sa mạc hoá.
Với thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay, các đợt nắng nóng trên bề mặt các đại dương sẽ tiếp tục gia tăng với tần suất dày đặc hơn, kéo dài hơn và hệ lụy đằng sau đó sẽ ngày nghiêm trọng.
Nguyễn Luận