Chủ nhật, 24/11/2024 11:37 (GMT+7)
Thứ hai, 05/08/2019 14:09 (GMT+7)

Tranh chấp nguồn nước sông Vu Gia – Thu Bồn diễn ra nhiều năm qua

Theo dõi KTMT trên

Đó chính là khẳng định của Bộ Tài nguyên & Môi trường trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 với chuyên đề “Môi trường nước các lưu vực sông” vừa được ban hành mới đây.

Người dân khốn khổ vì ô nhiễm tại cảng cá lớn nhất miền Trung

Theo đó, việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn dẫn đến tình trạng nhiễm mặn ở vùng hạ lưu hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng trở nên gay gắt; việc tranh chấp nguồn nước giữa 2 địa phương này và các chủ hồ thủy điện vẫn diễn ra suốt những năm qua mỗi khi mùa khô về.

Tranh chấp nguồn nước sông Vu Gia – Thu Bồn diễn ra nhiều năm qua - Ảnh 1
Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, xung đột do sử dụng nguồn nước cho các công trình thuỷ điện xảy ra ngày càng thường xuyên hơn (Ảnh: Đà Nẵng Online)

Trong giai đoạn 2014-2018, chất lượng nước các sông thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn biến động khá rõ rệt. Chất lượng nước sông Vu Gia kém hơn sông Thu Bồn, hầu hết chỉ đáp ứng cho mục đích tưới tiêu và giao thông thủy. Kết quả quan trắc đã cho thấy nước 2 sông bị ô nhiễm do chất hữu cơ, chất dinh dưỡng với giá trị và thông số cao vượt quy chuẩn.

Tại khu vực hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, tình trạng xâm nhập mặn tiến sâu vào các sông đã gây tác động xấu tới chất lượng nước, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Do các nhà máy thủy điện ở đầu nguồn lưu vực sông tích nước trong thời gian mùa khô đã gây ra tình trạng xâm nhập mặn tại nhiều khu vực hạ lưu các sông chính của hai địa phương này.

Đây là nguyên nhân khiến cho việc cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tại hạ lưu sông sông Thu Bồn và sông Vĩnh Điện, đoạn chảy qua huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An (Quảng Nam) nguồn nước thủy lợi bị nhiễm mặn nặng, khiến cho việc cấp nước cho hoạt động tưới tiêu nông nghiệp không thể thực hiện.

Những năm gần đây, xung đột do sử dụng nguồn nước cho các công trình thuỷ điện xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, ngay cả những năm lượng nước đến đảm bảo đúng công suất thiết kế.

Việc xây dựng công trình thuỷ điện Đak Mi 4 trên phần thượng nguồn của huyện Phước Sơn (Quảng Nam) dẫn đến không trả đủ lưu lượng nước mùa khô về sông Vu Gia (diễn ra từ năm 2011-2012 đến nay) khiến vùng hạ lưu sông Vu Gia, nhất là thành phố Đà Nẵng thiếu nước trầm trọng. Nhà máy nước Cầu Đỏ cấp nước cho thành phố Đà Nẵng bị nhiễm mặn 4 đến 5 tháng/năm; hệ thống đập dâng An Trạch không đủ cấp nước cho nông nghiệp huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn (Quảng Nam)

Tranh chấp nguồn nước sông Vu Gia – Thu Bồn diễn ra nhiều năm qua - Ảnh 2

Xây dựng công trình thuỷ điện Đak Mi 4 dẫn đến việc không trả đủ lưu lượng nước mùa khô, nhất là TP Đà Nẵng bị thiếu nước trầm trọng (Ảnh: Đà Nẵng Online)

Về giải pháp quản lý nguồn nước ở lưu vực sông, Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục duy trì chương trình quan trắc môi trường nước mặt định kỳ với tần suất 4-5 đợt quan trắc/năm tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng cho rằng, những năm qua, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã có những nỗ lực trong việc cùng nhau định hướng và lập kế hoạch quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nói chung và bảo vệ môi trường nước nói riêng. Tuy nhiên, cần tăng cường cơ chế điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước theo quy định…

Trong những năm đến, sẽ tiến hành quy hoạch khai thác và sử dụng nước trên lưu vực sông nhằm bảo đảm nhu cầu khai thác và sử dụng nguồn nước cho vùng thượng lưu và hạ lưu, đồng thời kiểm soát và phòng chống các nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, khô hạn, thiếu nước trên diện rộng vào mùa khô và vấn đề lũ lụt vào mùa mưa. Giải quyết vấn đề sử dụng nước đa mục tiêu, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa, kiểm soát xâm nhập mặn và khắc phục vấn đề ô nhiễm công nghiệp và sinh hoạt trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn…

Như Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Tranh chấp nguồn nước sông Vu Gia – Thu Bồn diễn ra nhiều năm qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới