Trào lưu nằm yên kệ sự đời của giới trẻ Trung Quốc
Một số người trẻ đã lựa chọn từ bỏ hoàn toàn và tạo nên trào lưu “nằm yên kệ sự đời” sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng chóng mặt, mọi thứ dần chậm lại ở Trung Quốc và khiến thành công với người lao động bình thường trở nên khó khăn.
Những người cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng do áp lực công việc và áp lực xã hội phải trở nên thành đạt theo đuổi trào lưu này. Trong khi một số người coi phòng trào này là cảnh báo về hiện tượng đình trệ xã hội sắp xảy ra giống như Nhật Bản, những người khác lại cho rằng nó tương tự với các phòng trào của những năm 1960. Những người trẻ tuổi được cho là đang tìm kiếm một xã hội ít đòi hỏi hơn và tập trung vào sự phát triển cá nhân hơn.
Trào lưu này bắt đầu trở nên phổ biến sau một bài đăng vào tháng 4/2021 trên nền tảng mạng xã hội Baidu Tieba với tiêu đề “nằm yên kệ sự đời là chân lý”. Dù đã bị kiểm duyệt và bị xóa, bài đăng bởi người dùng với tên gọi Lữ Khách Tốt Bụng vẫn nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
“Tôi đã không đi làm được 2 năm rồi và tôi không thấy có vấn đề gì với chuyện này cả”. Sau đó, người dùng này tiếp tục bổ sung áp lực hiện nay chủ yếu đến từ việc bị so sánh với bạn bè và đồng nghiệp cũng như với các giá trị của thế hệ trước, đồng thời khẳng định giới trẻ không cần thiết phải tuân theo những điều đó, Lữ Khách Tốt Bụng phát biểu.
Phong trào “nằm yên kệ sự đời” đã gây chấn động mạnh, đặc biệt là tại Thâm Quyến, trung tâm công nghệ nằm ở Đông Nam Trung Quốc, giáp với Hong Kong. Văn hóa làm việc tại đây “996” từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối trong 6 ngày một tuần từ lâu đã trở nên phổ biến. Nơi này cũng là quê nhà của nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ như Huawei và Tencent cũng như của lực lượng lao động khổng lồ bao gồm 18 triệu người đến để theo đuổi giấc mơ giàu có.
Mặt khác, khi thời đại tăng trưởng bùng nổ bắt đầu suy yếu, nhiều người lao động đang phải cân nhắc lại sự lựa chọn của mình. Việc Thâm Quyến nằm trong số những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới càng khiến trào lưu này có tác động lớn hơn.
Trào lưu này không chỉ có mặt ở riêng Trung Quốc vì những áp lực tương tự đã tích tụ tại các nước phát triển trong nhiều thập kỷ qua, trong bối cảnh thu nhập đình trệ và chi phí nhà ở cũng như giáo dục leo thang. Ngày càng ít người trẻ tuổi có thể xây dựng được cuộc sống ổn định về mặt tài chính vì những yếu tố này.
Cùng với đó, những biến động do đại dịch Covid-19 gây ra cũng khiến nhiều người phải sắp xếp lại các ưu tiên của mình. Nền kinh tế số một thế giới là Mỹ cũng đang ghi nhận số lượng người lao động bỏ việc đạt mức kỷ lục 37 triệu người vào năm ngoái, trong một phong trào được gọi là “nghỉ việc hàng loạt”. Nhiều người thậm chí còn không tham gia vào thị trường lao động nữa.
Theo nhận định của nhiều người, đây có thể là dấu hiệu nền kinh tế Trung Quốc đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, khi một quốc gia trở nên giàu có, người lao động sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Tại Mỹ và châu Âu, sự phát triển của tầng lớp trung lưu chính là nguyên nhân cho sự phổ biến của phong trào phản văn hóa những năm 60 và sau đó là sự ra đời của thế hệ lười biếng của những năm 90.
Giống như những phong trào phương Tây đó, một số thanh niên thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc cũng cho rằng xã hội hiện tại quá thực dụng và lề lối. Hiện chưa có bất cứ thống kê chính thức nào về số người bỏ việc vì nó vẫn chỉ đang dừng lại ở mức khái niệm. Tuy nhiên, đây không phải điều mà chính phủ nước này muốn khuyến khích.
Dù nền kinh tế Trung Quốc đã tăng gấp đôi quy mô trong thập kỷ qua, không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ điều này. Do đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy các chính sách “thịnh vượng chung” nhằm cải thiện điều kiện cho người lao động, bình ổn giá nhà ở và chi phí giáo dục cũng như hỗ trợ chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Tập đoàn công nghệ ByteDance – chủ sở hữu của Tik Tok và Douyin - cũng đã bắt đầu chính sách rút ngắn tuần làm việc cho nhân viên. Động thái này xảy ra sau khi nhân viên của tập đoàn tham gia cùng hàng nghìn người tại các tập đoàn lớn khác trong một chiến dịch trực tuyến với cái tên “Worker Lives Matter”. Những người lao động đã tham gia vào chiến dịch bằng cách công bố thời điểm bắt đầu và kết thúc một ngày làm việc của mình.
Bùi Hằng (T/h)