Trên mái nhà ngập tràn màu xanh
Giữa lòng Bangkok, mọi người có thể cùng nhau thu hoạch lúa trồng theo phương pháp hữu cơ tại nông trại nằm trên sân thượng bỏ không của một tòa nhà.
Được xây dựng trên vùng đồng bằng sông Chao Phraya, mỗi năm sụt lún thêm 1 cm so với mực nước biển, Bangkok hiện đang là một trong những đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa không kiểm soát đang dần hủy hoại nền nông nghiệp của quốc gia này, gây ô nhiễm môi trường và đe dọa cuộc sống hàng triệu người.
Đứng trước tình trạng này, công ty kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị LandProcess đã hợp tác với Đại học Thammasat đem đến giải pháp độc đáo giúp ứng phó với hiện tượng ngập lụt ở thủ đô. Tận dụng khoảng sân thượng bị bỏ không thuộc khuôn viên Rangsit của Đại học Thammasat, kết hợp giữa kiến trúc cảnh quan hiện đại, nông nghiệp truyền thống và đô thị, dự án Green Roof đã ra đời.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh ruộng bậc thang truyền thống ở các vùng núi Thái Lan, Green Roof là nông trại đô thị trên mái nhà lớn nhất châu Á, với diện tích lên đến 22.000 m2. Nông trại gồm nhiều tầng với không gian chuyên biệt để sản xuất lương thực bền vững, tạo không gian xanh công cộng, đồng thời kết hợp tái tạo năng lượng, quản lý chất thải hữu cơ và nước.
Nông trại hiện trồng hơn 40 loại cây ăn được, bao gồm lúa, rau và thảo mộc bản địa, nhờ đó tạo nên sự đa dạng sinh học thu hút các loài côn trùng, chim thụ phấn và nơi trú ẩn cho các loài động vật nhỏ. Cây cối cũng giúp loại bỏ các chất có hại trong bầu khí quyển.
Nhờ thiết kế phân tầng, Green Roof giúp làm chậm dòng chảy hiệu quả hơn 20 lần so với các mái nhà bê tông thông thường, chống rửa trôi và giữ lại các chất dinh dưỡng trong đất khi có mưa lớn, đồng thời lọc bỏ các chất bẩn có trong nước mưa. Ở đây có 4 hồ lưu giữ nước được bố trí ở 4 góc có thể lưu trữ lên đến 11.718 m3 nước mưa, vừa để tưới cho cây trồng trong nông trại và khuôn viên trường, vừa để dự phòng trong những đợt khô hạn.
Bằng cách loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, Green Roof cung cấp mô hình canh tác hữu cơ, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch có lợi cho sức khỏe con người, môi trường và nền kinh tế.
Được đặt ở phía Nam, các tấm pin mặt trời của Green Roof có tổng diện tích 3.565 m2 và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cả ngày. Tận dụng nguồn năng lượng dồi dào, nông trại có thể sản xuất được 500.000 watt (có thể thắp sáng 25.000 đèn điện) mỗi giờ, vừa để bơm nước tưới tiêu, vừa cung cấp điện cho tòa nhà bên dưới. Ốc đảo giữa lòng đô thị này còn giúp làm mát cả bên trong và bên ngoài tòa nhà, giảm phát thải khí nhà kính và chi phí cho việc tiêu thụ năng lượng.
Green Roof có thể cung cấp lên tới 135.000 suất cơm mỗi năm thông qua căng tin trong trường. Bằng cách xây dựng hệ thống thực phẩm nguồn và điểm phân phối gần nhau như vậy, lượng khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất và vận chuyển cũng phần nào được giảm thiểu. Thức ăn thừa sẽ được gửi trở lại nông trại để làm phân bón hữu cơ.
Không chỉ sinh viên và nhân viên trong trường mới có thể trồng cây hữu cơ tại đây. Bất kỳ ai cũng đều được hoan nghênh tham gia. Green Roof còn thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo nhằm trang bị cho mọi người kiến thức về nông nghiệp và đô thị bền vững. Nơi đây cũng đóng vai trò như một lớp học ngoài trời phục vụ quá trình học hỏi, tìm hiểu của sinh viên, giảng viên và du khách.
Green Roof có tiềm năng đáng kinh ngạc về khả năng nhân rộng trên khắp Thái Lan, cũng như có thể cải tiến và sửa đổi để phù hợp với các thành phố khác đang phải vật lộn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Phương Anh