Triển vọng 'ngọt ngào' cho ngành đường mía Việt Nam
Sau giai đoạn khó khăn bị mất thị trường bởi đường Thái Lan giá rẻ và đường nhập lậu tràn lan, người nông dân trồng mía nay đã có thể yên tâm mở rộng diện tích, gia tăng lợi nhuận.
Giành lại vị thế cho ngành đường mía trong nước
Ngành đường mia Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn kể từ niên vụ 2018 - 2019, khi giá đường thế giới đi xuống. Ngành mía đường càng trở nên khó khăn hơn khi thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN giảm xuống còn 5% có hiệu lực từ 1/1/2020 và khi hạn ngạch được xóa bỏ.
Đường Thái Lan giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam, đe dọa đến sản phẩm đường nội địa có chi phí sản xuất cao hơn. Năm 2020, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đạt 1,3 triệu tấn, tăng 330% so với cùng kỳ (tổng lượng đường nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn).
Trong khi đó, sản lượng sản xuất trong nước giảm xuống mức thấp kỷ lục là 612 nghìn tấn, tương đương giảm 15% so với cùng kỳ niên vụ 2019 - 2020, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước và đạt 50% công suất sản xuất chỉ với 29 nhà máy còn hoạt động.
Trong 5 năm qua, ngành mía đường trong nước được định giá ở mức thấp do sự cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý người nông dân trồng mía, khiến công suất hoạt động của các nhà máy đường xuống mức thấp kỷ lục.
Gần đây, định giá đã có dấu hiệu phục hồi do thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp (AD&AS) đối với đường Thái Lan mang lại hy vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Kể từ khi áp thuế, sản lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất là 15.000 tấn trong tháng 6/2021 so với mức cao nhất là 183.000 tấn trong tháng 4/2020.
Dấu hiệu tích cực khác là đường nhập lậu đã được kiểm soát chặt chẽ do Việt Nam đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đường Thái Lan đã lách thuế bằng cách “quá cảnh” ở các nước ASEAN khác trước khi đến Việt Nam. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã nộp hồ sơ đề nghị điều tra lẩn tránh thuế AD&AS đối với đường Thái Lan lên Cục phòng vệ thương mại. Kết quả điều ra có thể là một yếu tố hỗ trợ ngành.
Hưởng “ngọt” từ đường mía
Mức thuế suất 47,6% đối với đường tinh luyện và đường thô sẽ hạn chế lợi nhuận của các nhà máy nhỏ nhập khẩu đường thô và tinh luyện. Do đó, việc mở rộng diện tích trồng mía là rất quan trọng đối với tăng trưởng của ngành mía đường trong những năm tới.
Trong niên vụ 2021 - 2022, VSSA dự kiến diện tích trồng mía sẽ tăng khoảng 10 - 20% so với cùng kỳ. Việc mở rộng có thể tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo do nông dân thu được lợi nhuận từ vụ mía.
Giá đường thế giới và đường trong nước trong tháng 8/2021 đã tăng mạnh bởi các thông tin thời tiết khô hạn và sương giá tại các đồng mía của Brazil.
Nhận định của các nhà phân tích thị trường trước các thông tin liên tục về thời tiết sương giá tại các cánh đồng mía tại Bazil đã gây ra lo ngại về hụt nguồn cung trong tương lai và tác động đến tăng giá đường mặc dù các giao dịch giao ngay vẫn không có gì sôi động. Brazil là nước sản xuất đường hàng đầu trên toàn cầu, chiếm 23% tổng sản lượng sản xuất trong niên vụ 2020-2021.
Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thâm hụt đường toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên trong niên vụ 2021-2022, đạt 3,8 triệu tấn so với mức thiếu hụt 3 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021.
Tại thị trường Việt Nam, trong tháng 8, tác động kép của giá đường tăng trên thị trường quốc tế và khủng hoảng vận tải biển quốc tế đã khiến cho đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng giá và lượng nhập khẩu giảm. Điều này khiến cho giá đường trong nước bắt đầu tăng từ giữa tháng.
VSSA cho rằng các nguồn cung rất dồi dào và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 9 - 10. Ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.
Ngoài ra, tác động của thuế suất đã được phản ánh một phần vào giá đường trong nước, các cuộc điều tra về việc lẩn tránh thuế và thâm hụt toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy giá đường tăng nhanh cho đến năm 2022.
Tuấn Thủy