Chủ nhật, 24/11/2024 09:38 (GMT+7)
Thứ năm, 02/01/2020 16:00 (GMT+7)

… 'Trông vời lưng núi…'

Theo dõi KTMT trên

Xuân Canh Tý, chúng tôi trở lại Pắc Bó - Cao Bằng, nơi gần 70 năm trước, Bác Hồ trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

…"Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về… Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…”

Mùa Xuân năm nay, Xuân Canh Tý, chúng tôi trở lại Pắc Bó - Cao Bằng, nơi gần 70 năm trước, Bác Hồ trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

… 'Trông vời lưng núi…' - Ảnh 1
Cột km số 0 đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó.

Sừng sững trên đường vào Pắc Bó là cột km số 0, điểm đầu tiên của “đại lộ” Hồ Chí Minh khởi nguồn từ Pắc Bó chạy vào tới Đất Mũi Cà Mau, nơi cực Nam của Tổ Quốc. Đối diện với cột km số 0 là khu đền thờ Bác Hồ và Bảo tàng khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pắc Bó.

Du khách đến Pắc Bó ngày nay có xe ô tô điện đưa đến quảng trường nhỏ bên suối Lê Nin, nghỉ ngơi trong ít phút trước khi thăm hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ đã nghỉ lại một thời gian sau ngày trở về Tổ Quốc (28/1/1941). Dãy núi có cột mốc 108 trên biên giới Việt – Trung được Bác đặt tên là “núi Các Mác”. Con suối chảy về bản Khuổi Nậm khởi nguồn từ núi Các Mác được Bác đặt tên là “suối Lê Nin”.

Đường từ ven suối Lê Nin lên cột mốc 108 đã được sang sửa, nhưng vẫn thuộc loại khó đi vì dốc cao, gặp ngày mưa bậc đá trơn trượt. Chúng tôi phải động viên nhau theo gương Bác mà đi lên. Hoa đào hoa mơ quanh khu vực cột mốc nở sớm làm cho sắc Xuân thêm dịu dàng. Chỉ tiếc rằng từ cột mốc 108 không có đường xuống lán Khuổi Nậm nên muốn vào Khuổi Nậm, buộc phải quay lại khu vực quảng trường nhỏ mà đi.

… 'Trông vời lưng núi…' - Ảnh 2
Đường lên lán Khuổi Nậm.

Đường lên Khuổi Nậm giờ cũng được sang sửa phẳng phiu. Những dấu tích xưa vẫn còn đó: đây nơi đặt hòm thư mật của Việt Minh, đây hang "diêm tiêu” nơi chế tạo thuốc súng, đây là đoạn đường Bác hay tập thể dục mỗi sáng tinh sương, đây nơi đặt bếp nấu cơm cho cán bộ dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do Bác triệu tập, quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam, lấy giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, cho dân tộc làm trọng tâm.

Một buổi sáng đầu xuân đẹp trời. Ánh nắng từ phía núi Các Mác thẳng xuống khiến khu rừng và thung lũng Khuổi Nậm sáng rực lên. Nhớ tới câu thơ của ông Lê Khánh Ái, giáo viên quê ở Bắc Giang, đi B năm 1972, khi đến thăm Pắc Bó: …"Con về Pắc Bó hôm nay/ Rừng xanh ngói đỏ mây bay suối ngàn”…

Vâng. Cả xã Trường Hà, cả huyện Hà Quảng hôm nay chỉ thấy ngói đỏ nhà tầng. Trong bữa cơm vui ở mỗi gia đình, mọi người lại nhìn về núi Các Mác mà thưa với Bác rằng: mỗi tấc đất quê hương nơi Bác gửi gắm bao tình thương, chúng con quyết giữ. Đó cũng là tâm sự của một người dân bản Pắc Bó, ông Nùng Văn Nàn.

… 'Trông vời lưng núi…' - Ảnh 3
Bố con ông Nùng Văn Nàn, bản Pắc Bó.

Vào sáng 7/12/2019, chúng tôi gặp hai cha con ông Nùng Văn Nàn cặm cụi nhặt từng hòn đá ngổn ngang trên mặt đất, xếp thành đống rồi đào từng hốc nhỏ, xúc đất đổ vào. Ông than: mùa mưa lũ hè năm 2019, một trận lũ ống tràn từ phía lán Khuổi Nậm đã biến cả cánh đồng Khuổi Nậm thành bãi đá. Bà con phải nhặt từng hòn đá vứt đi nhưng vẫn chưa khôi phục lại được. Đành đào lỗ trên nền đá, đổ đất vào để giâm ngọn mía cho vụ mía năm sau…

Lời của ông Nàn làm chúng tôi hết thắc mắc trước tấm biển thông báo chặn ngay lối lên lán Khuổi Nậm: Lán đang được sửa chữa, bà con không đi lối này. Thì ra là vậy. Tôi đã đi ngược lên và thấy ở chỗ khe suối bên kia: Lán Khuổi Nậm đã biến mất, chỉ còn một tấm biển đề. Cũng là một điều hay vì chợt nhận ra rằng: bà con ở khu di tích Pắc Bó thật cần cù, tận dụng từng mét đất để sản xuất. Chỉ về phía núi Các Mác, nơi có cột mốc 108, ông Nàn khoe rằng từ khi được nhận đất, ông không phải đi “buôn” nữa. Ông bảo phía bên kia biên giới, họ làm đường lên lưng chừng núi, lại xây nhà to…Trước ông thường mang muối, mang dầu sang bán. Cũng mong mình làm được con đường to lên chỗ cột mốc và làm đường từ cột mốc nơi Bác về, xuống đến Khuổi Nậm.

Trong những lần đến Pắc Bó, tôi được dự ngày hội “quân dân đoàn kết” ở các bản trong xã Trường Hà quanh khu vực Pắc Bó dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là ngày Quốc phòng toàn dân 22/12. Bà con hồ hởi tổ chức các cuộc thi bắn nỏ, thi kéo co, liên hoan văn nghệ… Hỏi thăm ông Nàn về cuộc sống vài gia đình quen biết, thấy vui khi biết nhà nào cũng ăn nên làm ra, con cháu sum vầy. Rưng rưng nhớ Bác trong câu hát “Bát cơm mong chờ người già ước mơ/ Líu lo i tờ môi đọng trẻ thơ”.

… 'Trông vời lưng núi…' - Ảnh 4
Lối vào khu rừng Trần Hưng Đạo từ quốc lộ 3.

Đến Cao Bằng, sau điểm suối nguồn Pắc Bó, không thể không đến Khu rừng Trần Hưng Đạo ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, nơi thành lập đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1941). Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng và Bộ Quốc phòng thực hiện dự án tôn tạo, nâng cấp khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo. Một đoạn đường dài 34km từ chân đèo Cao Bắc trên quốc lộ 3 qua hai xã Hoa Thám và Tam Kim của huyện Nguyên Bình, chạy thẳng đến khu di tích dưới chân dãy núi Slam Cao.

Theo con đường mới, nhà cửa mọc lên, mái ngói đỏ tươi. Hai xã Hoa Thám và Tam Kim có thêm trường học, nhà văn hoá, công trình thuỷ lợi… Di tích đồn Phai Khắt, nơi bộ đội ta đánh thắng trận đầu, được tôn tạo. Một nhà đón khách khang trang cùng với bãi đỗ xe ô tô rộng rãi vừa hoàn thành, kịp đón khách trong dịp 22/12 năm 2019. Lán chỉ huy, lán ở của cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được tôn tạo và sắp xếp lại.

… 'Trông vời lưng núi…' - Ảnh 5
Lán chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại Khu rừng Trần Hưng Đạo.

Từ đỉnh Slam Cao, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đặt chòi quan sát đồn Phai Khắt, một con đường mới mở chạy thẳng xuống chân núi, xuống tới quảng trường đặt bức phù điêu tạc bằng đá núi, cảnh cán bộ chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tuyên thệ. Đền thờ Đại tướng với bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ở chính giữa có bức hoành phi lớn mang dòng chữ “Dĩ công vi thượng” - lời Bác Hồ dặn Đại tướng và ông làm theo suốt đời.

Vào đền thờ Đại tướng thắp hương, tôi gặp lại anh Mông Văn Bốn, cán bộ khu di tích, người đã 22 năm nay cần mẫn làm nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ khu rừng đặc biệt thiêng liêng này. Chia sẻ cùng anh về những đổi thay ngày càng đẹp lên của khu rừng Trần Hưng Đạo và hai xã Hoa Thám, Tam Kim, chúng tôi được anh Mông Văn Bốn báo tin vui: từ tháng 7/2019, đã có quyết định hợp nhất Ban quản lý 3 khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trên đất Cao Bằng: đó là khu di tích Pắc Bó (huyện Hà Quảng), khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình) và khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới 1950 (huyện Thạch Hà). Với sự quản lý chung, sẽ phục vụ đồng bào trong nước và khách quốc tế đến Cao Bằng tốt hơn.

… 'Trông vời lưng núi…' - Ảnh 6
Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu rừng Trần Hưng Đạo.

“Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi ôm vạn trùng mây

Quân ta khí mạnh “nuốt Ngưu Đẩu”

Thề diệt xâm lăng lũ sói, cầy”

Đó là 4 câu thơ Bác Hồ làm khi chứng kiến khí thế quyết thắng của bộ đội ta trong chiến dịch. Chiến dịch Biên giới 1950 là chiến dịch đầu tiên và cũng là duy nhất Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo. Bác căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “chỉ được thắng không được thua”.

Trong hồi ức “Đường tới Điện Biên Phủ” (nhà xuất bản Quân đội nhân dân –Hà Nội 1999), Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Không hiểu vì đâu tin Bác đi chiến dịch đã lan truyền rất rộng... Người ta rì rầm với nhau những câu chuyện về Bác… Mọi chuyện về Bác Hồ đều được chăm chú lắng nghe. Người kể, người nghe đều cảm thấy hạnh phúc. Nhưng có một điều ít được nói tới là những ngày đi chiến dịch cũng đem lại cho Bác một niềm vui rất lớn”.

… 'Trông vời lưng núi…' - Ảnh 7
Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới 1950.

Ngày 19/5/2004, tại bản Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), địa điểm Bác Hồ dựng lán cỏ làm nơi chỉ huy chiến dịch 54 năm trước, tỉnh Cao Bằng khánh thành “Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hố Chí Minh” với nhiều tranh ảnh, hiện vật liên quan đến Bác trong chiến dịch Biên giới 1950.

Xa hơn một chút, trên đường vào chân núi Báo Đông là nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trên đỉnh núi Báo Đông, nơi Bác Hồ trực tiếp quan sát trận đánh đồn Đông Khê (16/9/1950), đặt một cụm tượng đài “Bác Hồ quan sát trận địa” phỏng theo bức ảnh của Vũ Năng An. Cụm tượng đài cao 2,8 mét, nặng 418 kg bằng vật liệu composit giả đồng. Từ chân núi lên đến tượng đài có 846 bậc đá với 79 quãng nghỉ. Nơi đây đã nhanh chóng trở thành một địa điểm “về nguồn” của tuổi trẻ tỉnh Cao Bằng cũng như cả nước.

Ngày 14/6/2018, tôi đã có dịp đến thăm khu di tích chiến thắng Biên giới 1950. Từ thị trấn Đông Khê, con đường mới được nâng cấp lượn qua những bản làng trù phú. Vừa đi chúng tôi vừa tò mò nhìn xem đâu là thửa ruộng bậc thang nơi những cô dân công ngồi dựa lưng vào nhau ngủ qua đêm, dành nhà để chứa lương thực cho khỏi ướt. Trước sự băn khoăn của Bác, các cô nói để Bác yên lòng: “Chúng cháu ngủ ngoài đồng càng vui”.

Chúng tôi hình dung ra những phút giây Bác Hồ chứng kiến: đồng bào ta, đủ các dân tộc, từ những bản làng heo hút trong rừng sâu, trên núi cao, từ vùng địch hậu trung du lên, người nối người với những bó đuốc tạo thành những con rồng lửa trong đêm sương giá, trườn qua những vùng núi đá tai mèo tải đạn, tải gạo cho bộ đội. Thu Đông 1950, Bác Hồ đã chứng kiến chân lý “có dân là có tất cả”, chứng kiến những thành quả sau 5 năm kháng chiến. Người hoà mình vào với cái Văn mới, cái Đức mới của dân tộc. (theo Võ Nguyên Giáp - sách đã dẫn).

Mỗi lần trở lại Cao Bằng, trong lòng ta ngân nga câu hát “Trông vời lưng núi/Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây/Chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo/Kể rằng Người về đây…".

Mùa Xuân Canh Tý 2020, người dân Cao Bằng còn kể mãi về Người: “Ở bản Pắc Bó quê ta mấy mùa qua nghe tiếng Người/Sắn vươn đồi xưa, lúa ngập vàng đôi bờ/Bác ơi tóc sương bạc phơ/Núi cao suối sâu Thủ đô yêu dấu/Khuổi Nậm còn vang lời ca mong nhớ Người”.

Trương Cộng Hoà

Bạn đang đọc bài viết … 'Trông vời lưng núi…'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới