Chủ nhật, 24/11/2024 08:48 (GMT+7)
Thứ năm, 16/09/2021 09:54 (GMT+7)

Trung Quốc: Tăng cường tái chế, xử lý rác để giảm thiểu ô nhiễm nhựa

Theo dõi KTMT trên

Luật chất thải rắn mới của Trung Quốc tăng gấp 10 lần tiền phạt đối với người vi phạm và bắt buộc xây dựng cơ sở hạ tầng tái chế mới. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tái sử dụng 60% lượng rác thải sinh hoạt đô thị vào năm 2025.

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch 5 năm (2021-2025) về tăng cường khả năng tái chế và đốt rác thải nhựa theo quy trình, thúc đẩy các sản phẩm nhựa "xanh" và thực hiện hành động chống lại việc lạm dụng nhựa trong bao bì và nông nghiệp.

Một trong những thách thức lớn nhất mà các cơ quan quản lý của Trung Quốc phải đối mặt là khối lượng chất thải ngày càng tăng do dân số đô thị ở Trung Quốc tăng nhanh. 

Theo đó, kế hoạch 5 năm mới sẽ khuyến khích các nhà bán lẻ và đơn vị chuyển phát hàng hóa cắt giảm bao bì nhựa không hợp lý và nâng tỉ lệ đốt rác thải đô thị lên khoảng 800.000 tấn mỗi ngày vào năm 2025, tăng từ 580.000 tấn năm ngoái.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ cấm sản xuất túi nhựa siêu mỏng trên toàn quốc cũng như các sản phẩm chăm sóc cá nhân có chứa hạt vi nhựa, vốn bị cấm ở Mỹ và châu Âu. Quốc gia này cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm thay thế như tre, gỗ, giấy và nhựa phân hủy sinh học mới. Đồng thời, tăng tỉ lệ tái chế đối với mùn nhựa nông nghiệp lên 85%. Màng nhựa mỏng được sử dụng để bảo tồn nhiệt và độ ẩm trên khắp các khu vực phía Bắc của Trung Quốc, nhưng dư lượng của nó có thể gây ô nhiễm cây trồng và làm giảm độ phì nhiêu của đất.

Trung Quốc: Tăng cường tái chế, xử lý rác để giảm thiểu ô nhiễm nhựa - Ảnh 1
Khối lượng chai nhựa khổng lồ trong một con mương, nơi nước lũ rút sau trận mưa lớn ở Tân Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày 25/7/2021. (Ảnh: REUTERS/Aly)

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch nhà nước hàng đầu cho biết, Trung Quốc cần cải thiện "toàn bộ chuỗi kiểm soát ô nhiễm nhựa", vốn được coi là "vấn đề toàn cầu". “Bản chất của ô nhiễm nhựa là chất thải nhựa rò rỉ vào môi trường tự nhiên như đất và nước và rất khó phân hủy, gây ô nhiễm thị giác, hủy hoại đất, vi nhựa và các nguy cơ môi trường khác”, phát ngôn viên của NDRC thông tin.

Trung Quốc sản xuất hơn 60 triệu tấn nhựa mỗi năm, nhưng tỉ lệ tái chế chỉ khoảng 30%. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc khuyến khích các thành phố lớn đưa ra các chính sách phân loại rác, xây dựng các nhà máy tái chế quy mô công nghiệp và cấm các nhà hàng cũng như nền tảng thương mại điện tử sử dụng các sản phẩm dùng một lần như ống hút nhựa và túi mua sắm.

Không những vậy, Luật chất thải rắn mới của Trung Quốc cũng có hiệu lực vào năm ngoái, trong đó tăng gấp 10 lần tiền phạt đối với người vi phạm và bắt buộc xây dựng cơ sở hạ tầng tái chế mới.

Trước đó, Trung Quốc đặt mục tiêu tái sử dụng 60% lượng rác thải sinh hoạt đô thị vào năm 2025 trong bối cảnh quốc gia này đang nỗ lực cải thiện khả năng xử lý rác, sau khi không đạt được một số mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh mục tiêu tái sử dụng rác thải đô thị lên 60%, Trung Quốc cũng sẽ tăng mức độ xử lý rác lên khoảng 65% so với mức 45% của năm ngoái. Trung Quốc hiện đang đưa ra các quy định về phân loại rác và đang dần hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và bao bì không thể tái chế. Quốc gia này cũng cấm nhập khẩu chất thải từ nước ngoài.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc: Tăng cường tái chế, xử lý rác để giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới