Chủ nhật, 24/11/2024 06:51 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/03/2021 16:30 (GMT+7)

TS Lê Đình Nghị: Kinh tế tuần hoàn hội tụ nhiều lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Theo TS Lê Đình Nghị, lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là tất yếu để thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững, tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là nguyên vật liệu sản xuất.

Để hiểu hơn về những bước tiến mới trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, đồng thời tìm hiểu về công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường trong các thế hệ sinh viên, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường có cuộc phỏng vấn nhanh TS Lê Đình Nghị, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội.

TS Lê Đình Nghị: Kinh tế tuần hoàn hội tụ nhiều lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững - Ảnh 1

-Tháng 9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Đến 17/11/2020, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 (sửa đổi), trong đó đề cập rất nhiều tới khái niệm phát triền bền vững, cũng như lần đầu tiên đưa khái niệm kinh tế tuần hoàn vào Luật. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đề cập đến rất nhiều vấn đề mới. Sự thay đổi đó là nhu cầu tất yếu đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời kì hội nhập, phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường.

TS Lê Đình Nghị: Kinh tế tuần hoàn hội tụ nhiều lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững - Ảnh 2

Hoạt động kinh tế của Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa vào cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để khắc phục những vấn đề này, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường. 

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã phát trên trang web của mình vào đầu năm 2020 lời kêu gọi “Thế giới đang cần một nền kinh tế tuần hoàn. Hãy giúp chúng tôi biến điều đó thành hiện thực”.

Theo đó, kinh tế tuần hoàn hội tụ 4 lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững, gồm: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế và lợi ích xã hội.

Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải ngành này thành nguồn của ngành kia, đồng thời góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Do đó, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải do con người sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.    

Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Việt Nam tuy đạt được những thành quả về phát triển bền vững nhưng cũng phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch cạn kiệt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho tái chế. Vì thế, lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là tất yếu để thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững, tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là nguyên vật liệu sản xuất.

TS Lê Đình Nghị: Kinh tế tuần hoàn hội tụ nhiều lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững - Ảnh 3

-Bảo vệ môi trường nói riêng và biến môi trường thành một công cụ phát triển kinh tế nói chung là một vấn đề tổng thể, dài hạn và cần xuất phát trước hết từ nhận thức của mỗi chúng ta. Là cơ sở đào tạo Luật hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, Đại học Luật Hà Nội đã có những hành động cụ thể nào để nâng cao nhận thức về môi trường trong các thế hệ sinh viên, thưa ông?

Từ nhiều năm nay, trường Đại học Luật Hà Nội đã đưa môn học Luật Môi trường trở thành một trong những môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo chính quy cử nhân Luật Kinh tế và là môn học tự chọn đối với các chương trình đào tạo cử nhân Luật khác.

Trong công tác giảng dạy và nghiên cứu, nhà trường luôn đặt mục tiêu sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước sạch, điện năng, khuyến khích sinh viên sử dụng giấy tiết kiệm, hiệu quả trong học tập như: In các loại bài tập bằng giấy 2 mặt, hạn chế đóng bìa cứng và sử dụng bìa nilong…

Bên cạnh đó, nhà trường đã và đang thường xuyên thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học về pháp luật môi trường và mối quan hệ giữa pháp luật môi trường với các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành khác thông qua việc tổ chức các Hội thảo, Tọa đàm, Đề tài nghiên cứu khoa học, Chương trình Sinh viên nghiên cứu khoa học…

TS Lê Đình Nghị: Kinh tế tuần hoàn hội tụ nhiều lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững - Ảnh 4

Thêm nữa, nhà trường phối hợp với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác về bảo vệ môi trường, thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên, tìm kiếm học bổng về lĩnh vực pháp luật môi trường.

Tại trường Đại học Luật Hà Nội, thông qua hoạt động của tổ chức Đoàn, chúng tôi đã huy động sinh viên và các cán bộ, viên chức, người lao động tham gia các chương trình: dọn vệ sinh trường lớp, xây dựng cảnh quan nhà trường “xanh, sạch, đẹp”, tham gia hưởng ứng “Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường”, tham gia “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, tham gia “Tết trồng cây”, tham gia cuộc thi “Sinh viên với môi trường – SE”, tham gia cuộc thi “Góc làm việc xanh”…

- Được biết, hiện trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến tổ chức cuộc thi Sinh viên với môi trường, hoạt động này đang nhận được sự tham gia rất tích cực của các bạn trẻ. Xin ông chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi này với sinh viên Đại học Luật Hà Nội nói riêng và xã hội nói chung?

Khoa Pháp luật Kinh tế - trường Đại học Luật Hà Nội là đơn vị chủ trì chuyên môn tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Pháp luật môi trường cho sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội. Cuộc thi có sự phối hợp tham gia xây dựng kế hoạch chi tiết của Đoàn thanh niên trường Đại học Luật Hà Nội với các Khoa Chuyên môn và các đơn vị trực thuộc nhà trường.

Cuộc thi được tổ chức nhằm các mục đích chính như sau:

Thứ nhất, góp phần quảng bá hình ảnh và thương hiệu của trường Đại học Luật Hà Nội thông qua các hoạt động ngoại khóa có chiều sâu và mang tính chuyên môn cao.

Thứ hai, tạo sân chơi bổ ích, thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ học tập của sinh viên, nhiệm vụ chính trị của nhà trường, đảm bảo hình thức, nội dung phù hợp với môi trường sinh viên. Cuộc thi được tổ chức trong tháng thanh niên, là hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức, trách nhiệm của sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội đối với vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và pháp luật môi trường nói riêng, giúp sinh viên có nền tảng kiến thức pháp lí môi trường phục vụ cho các hoạt động công việc sau này.

Thứ ba, thông qua cuộc thi, nhà trường hướng tới việc tiếp tục kết hợp với các cơ quan truyền thông và các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố nhằm nhân rộng mô hình sinh viên với các vấn đề về bảo vệ môi trường.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết TS Lê Đình Nghị: Kinh tế tuần hoàn hội tụ nhiều lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới