Chủ nhật, 24/11/2024 07:55 (GMT+7)
Thứ bảy, 21/05/2022 09:01 (GMT+7)

TS Trần Khắc Tâm: Đừng vì lợi ích mà dễ dàng chấp thuận gia hạn khai thác lòng sông

Theo dõi KTMT trên

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh khẳng định, đừng vì mục đích tiết kiệm hay để giảm chi phí đầu tư đối với các công trình, dự án mà dễ dàng chấp thuận gia hạn giấy phép khai thác cát lòng sông.

Chiều 20/5, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X tổ chức kỳ họp thứ 6 (chuyên đề) để thông qua một số tờ trình. Trong đó có tờ trình về cam kết vốn ngân sách địa phương dự kiến bố trí một phần cho công tác giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng)

Tại kỳ họp, các đại biểu tán thành cao tờ trình của chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, Sóc Trăng cam kết dự kiến bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương 50%, tương đương 1.000 tỉ đồng chi phí giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng để tham gia dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

TS Trần Khắc Tâm: Đừng vì lợi ích mà dễ dàng chấp thuận gia hạn khai thác lòng sông - Ảnh 1
TS Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại kỳ họp.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin, dự kiến sẽ huy động nguồn vốn dự phòng trung hạn 2021 - 2025; nguồn vượt mức kế hoạch đầu tư công trung hạn, tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Tại kỳ họp, Tiến sĩ, đại biểu HDND tỉnh Trần Khắc Tâm đã đặt nhiều vấn đề liên quan đến khai thác cát lòng sông, nông nghiệp hữu cơ và tái cơ cấu lại cây trồng… Theo vị này, tại tờ trình số 57 ngày 14/2022 của UBND tỉnh về việc kéo dài thời hạn áp dụng một phần của Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 9 tháng 7 năm 2010 của HĐND tỉnh Sóc Trăng về việc thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Hậu thuộc khu vực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 còn bộc lộ một số băn khoăn.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm nhấn mạnh: “Tôi chia sẻ với khó khăn chung về tình trạng thiếu vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn. Tuy nhiên, không phải vì mục đích tiết kiệm hay để giảm chi phí đầu tư đối với các công trình, dự án mà chúng ta lại dễ dàng chấp thuận gia hạn giấy phép khai thác cát lòng sông”.

Vị này phân tích, theo tờ trình số 57, chúng ta đã cấp một giấy phép hoạt động khai thác cát lòng sông. Hiện tại giấy phép này đã hết hạn và đang đề nghị gia hạn. Cơ sở để đề nghị gia hạn giấy phép này là Nghị quyết số 05 năm 2010, cách đây 12 năm liệu có phù hợp?

Tiến sĩ Tâm cho biết, thời gian qua, khu vực sông Hậu thuộc các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Trần Đề hay Long Phú thường xuyên có sạt lở, đe dọa đến tính mạng và đời sống, sản xuất của người dân.

“Chúng ta đang khắc phục, đầu tư các công trình bờ kè, gia công những đoạn xung yếu nhiều tỷ đồng. Tôi đề việc gia hạn giấy phép khai thác lần này nên lấy ý kiến người dân và có thăm dò, thực hiện đánh giá tác động môi trường đàng hoàng, đặc biệt phải tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá lại thực trạng”, đại biểu Tâm nói.

Liên quan đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030 tại tờ trình số 56 ngày 14 tháng 5 năm 2022 của UBND tỉnh, đại biểu Tâm cho biết rất mừng và ủng hộ cao. Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng khẳng định, sản xuất hữu cơ là xu hướng tất yếu mà không riêng gì Sóc Trăng mà nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam cũng đang hướng tới.

Về kinh phí thực hiện đề án này trong 3 năm từ 2022 đến 2025 là trên 67 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh gần 23 tỷ đồng, còn lại vốn huy động từ doanh nghiệp, và nông dân, Tiến sĩ Tâm nói rằng ông cảm thấy hơi lo lắng vì chúng ta thực hiện quá dàn trải. Đề án được triển khai tại 11 huyện, thị xã, thành phố với gần 20 đối tượng từ cây lúa, con tôm đến nhiều loại cây trồng khác.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm đề nghị triển khai tập trung lại, đồng thời lựa chọn đối tượng cây trồng và vật nuôi là thế mạnh, tiềm năng, chứ không nên đầu tư đại trà. “Lưu thêm vấn đề liên kết để tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Thực tế không phải cứ sản phẩm hữu cơ là dễ tiêu thụ, bán với giá cao đâu. Do mẫu mã không đẹp bằng sản xuất truyền thống, năng suất lại không cao bằng nên lợi nhuận từ sản xuất hữu cơ chưa chắc cao, do vậy khâu liên kết tiêu thụ cần được quan tâm nhiều hơn”, đại biểu Tâm trải lòng.

Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Sóc Trăng đã giải trình ý kiến đóng góp của đại biểu Trần Khắc Tâm, hứa sẽ lưu ý những góp ý chân tình này để trong quá trình triển khai được hiệu quả hơn.

Minh An

Bạn đang đọc bài viết TS Trần Khắc Tâm: Đừng vì lợi ích mà dễ dàng chấp thuận gia hạn khai thác lòng sông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới