Chủ nhật, 24/11/2024 10:03 (GMT+7)
Thứ bảy, 29/10/2022 10:39 (GMT+7)

TS.Trần Khắc Tâm: “Đừng mải mê 'đánh bắt xa bờ' mà bỏ quên thị trường nội địa"

Theo dõi KTMT trên

TS.Trần Khắc Tâm bày tỏ sự lo lắng về việc hiệu Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ và chúng ta mê mải “đánh bắt xa bờ” mà bỏ quên thị trường nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài.

TS.Trần Khắc Tâm: “Đừng mải mê 'đánh bắt xa bờ' mà bỏ quên thị trường nội địa" - Ảnh 1
TS.Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch VACOD, Đại biểu quốc hội khoá XIII, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD - nhiệm kỳ III (2022-2027), ông Tô Ngọc Trường Giang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Trần Liên Hưng thay mặt ông Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch VACOD, Đại biểu quốc hội khoá XIII, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng trình bày bài tham luận tóm tắt với chủ đề “Kết nối, hợp tác để đưa hàng Việt vươn tầm thế giới". Bài tham luận đầy đủ của TS.Trần Khắc Tâm đã được in trong cuốn tài liệu phục vụ Đại hội.

TS.Trần Khắc Tâm: “Đừng mải mê 'đánh bắt xa bờ' mà bỏ quên thị trường nội địa" - Ảnh 2
Ông Tô Ngọc Trường Giang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Trần Liên Hưng trình bày bài tham luận tóm tắt với chủ đề “Kết nối, hợp tác để đưa hàng Việt vươn tầm thế giới".

Sau đây, Tạp chí Kinh tế Môi trường xin đăng tải bài tham luận của TS. Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch VACOD, Đại biểu quốc hội khoá XIII, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng.

Doanh nghiệp nội đang "yếu thế" trên chính sân nhà?

Xây dựng thương hiệu cho hàng tiêu dùng Việt Nam trong môi trường toàn cầu hóa, đó không chỉ kỳ vọng của riêng tôi hay bất cứ ai, mà là của tất cả mọi người. Hàng Việt Nam vươn tầm thế giới sẽ mang theo niềm tự hào của mỗi người con đất Việt và có ý nghĩa trong việc định hình giá trị quốc gia.

Trong tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, doanh nghiệp muốn tồn tại và cạnh tranh trên thương trường, không còn con đường nào khác là phải xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Có cơ hội được lắng nghe nhiều câu chuyện về các doanh nhân Việt Nam, tôi giữ mãi ấn tượng về hai doanh nhân và những sản phẩm cao cấp của họ. Đó là ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovani Group và bà Lưu Nga, nhà sáng lập của thương hiệu thời trang Elise. Cả 2 Doanh nghiệp đều có những bước thay đổi đột phá trong vận hành sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra tại Hà Nội còn có các Thương hiệu như May Nhà Bè, May 10, Việt Tiến, Phong Phú... Hiệp hội các nhà dệt may Việt Nam cho biết, đến nay Việt Nam đã có 52% các sản phẩm do các doanh nghiệp trong ngành tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Năm 2020 các doanh nghiệp Việt Nam đã chiếm trên 20% thị phần hàng may mặc vào Hoa kỳ, và ngày càng tăng. Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần Châu Âu. Tuy nhiên, khi hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025.

Song nhìn lại thực tế, nhiều nhận định không mấy lạc quan về ngành dệt may. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 65% các nhà máy may mặc và giày dép của Việt Nam vẫn nhận các đơn hàng xuất khẩu theo phương thức Cut-Make-Trim (CMT) (chỉ gia công sản phẩm – không tham gia vào khâu hạ nguồn). Phương thức sản xuất này không đòi hỏi phát triển nhóm kỹ năng phức tạp nhưng biên lợi nhuận của các đơn hàng thấp.

Nhưng nền kinh tế không chỉ có dệt may. Nhìn rộng ra các lĩnh vực khác, từ công nghiệp nhẹ đến công nghiệp nặng, từ các sản phẩm sản xuất nội địa đến các sản phẩm nhập khẩu thay thế, từ các nhãn hàng tiêu dùng của Việt Nam đến các nhãn hàng tiêu dùng tương tự nước ngoài, chúng ta sẽ so sánh như thế nào?

TS.Trần Khắc Tâm: “Đừng mải mê 'đánh bắt xa bờ' mà bỏ quên thị trường nội địa" - Ảnh 3
Ảnh TTXVN.

Liệu các nhãn hàng của Việt Nam có cơ hội chiếm lĩnh thị trường nội địa, hay bị chèn ép, lấn chiếm, thậm chí bị đánh bật ra bởi các sản phẩm nước ngoài? Liệu Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ? Hay chúng ta mê mải “đánh bắt xa bờ”, mà bỏ quên thị trường nội địa cho người nước ngoài?

Sau này, các ngành điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô lại được bổ sung vào các ngành ưu tiên (Quyết định 1043/QĐ-TTg năm 2013).

Các ngành nghề, lĩnh vực được lựa chọn trở thành “ưu tiên”, “mũi nhọn” nhiều đến mức nhiều người nói đùa rằng “chiến lược phát triển công nghiệp của ta trông như quả mít, nhìn đâu cũng thấy mũi nhọn”.

"Nêu lại một vài nghị quyết trên để thấy một điều, nền sản xuất mà chúng ta thiết kế ra trông như thế nào hôm nay? Đừng biện minh cho việc đến cái tăm cũng phải nhập khẩu về dùng!"

TS.Trần Khắc Tâm

Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thừa nhận thực trạng đáng buồn: Nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp; phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác; còn quá chú trọng vào lao động giá rẻ, chưa tận dụng tốt được lợi thế trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng...

Quá trình chuyển đổi chậm chạp

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện nay đang ở bước chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 trong quá trình phát triển công nghiệp, trong đó, mức độ hấp thụ công nghệ và trình độ quản lý sản xuất vẫn đang ở mức “rất hạn chế”.

Hay nói cách khác, nền kinh tế này mới vượt qua giai đoạn phát triển 0 (Độc canh, nông nghiệp tự cung tự cấp, phụ thuộc vào viện trợ) và đang ở giai đoạn 1 (Sản xuất đơn giản dưới sự hướng dẫn, điều phối của nước ngoài) để chuyển sang giai đoạn phát triển 2 (phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn dưới sự hướng dẫn của nước ngoài) trong quá trình phát triển 5 giai đoạn.

TS.Trần Khắc Tâm: “Đừng mải mê 'đánh bắt xa bờ' mà bỏ quên thị trường nội địa" - Ảnh 4
TS.Trần Khắc Tâm lo lắng về việc các doanh nghiệp nội đang bị "lép vế" so với các doanh nghiệp FDI ngay trên chính "sân nhà".

Đa số các quốc gia châu Á, đặc biệt là ASEAN, đã mắc “trần thủy tinh”, hay bẫy thu nhập trung bình để vươn lên giai đoạn 3 và 4. Chỉ có Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) vượt qua giai đoạn 2 lên giai đoạn phát triển 3 (làm chủ và quản lý công nghệ, sản xuất hàng hóa chất lượng cao) và Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU vươn lên giai đoạn phát triển thứ 4 (có đủ khả năng trong cải tiến và thiết kế sản phẩm như người dẫn đầu toàn cầu).

"Việt Nam đã không tận dụng tốt được lợi thế đang trong giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa. Chúng ta hiện đang đối diện với nguy cơ và vị trí bất lợi trước những thay đổi của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

TS.Trần Khắc Tâm

Người Việt Nam chúng ta vẫn chỉ làm thuê, làm mướn là chính bằng chân tay trong các dây chuyền, thay vì ngoi lên được các công đoạn trên của chuỗi giá trị. Liệu sau này, khi giá nhân công đắt đỏ lên, các đại dự án FDI có rời bỏ chúng ta để sang quốc gia khác có giá lao động rẻ hơn, giống như cách họ đã vào với chúng ta từ các quốc gia khác?

Theo Báo cáo về Mức độ sẵn sàng cho tương lai ngành sản xuất năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 48/100 về Cấu trúc sản xuất và thứ 53/100 về Yếu tố dẫn dắt sản xuất, thuộc nhóm Sơ khai được cho là bất lợi trước những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong khu vực ASEAN, Campuchia, Indonesia cũng được xếp vào nhóm Sơ khai như chúng ta.

Quá trình chuyển đổi hiện nay diễn ra tương đối chậm chạp, mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI có trình độ công nghệ và các doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, chưa tạo ra được sự lan tỏa và tận dụng tối đa hiệu quả của FDI đầu tư tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính là do năng lực các doanh nghiệp trong nước quá hạn chế, chưa đủ sức để tiếp cận và tiếp nhận sự lan tỏa của khu vực FDI.

Vẫn còn nhiều kỳ vọng ở tương lai

Nói về sự phát triển không thể không nói đến khu vực FDI. Tỷ trọng của khu vực FDI trong GDP tăng dần từ 2,1% năm 1989 lên 22,3% năm 2020. Giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 23,1%. Riêng trong giai đoạn 2011-2020, khu vực kinh tế này chiếm bình quân 28% tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm.

Những con số này cho thấy tỷ trọng đóng góp vào GDP, tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu và đóng góp cho ngân sách của khu vực FDI ngày càng lớn, thậm chí vượt trội, lấn át các khu vực kinh tế khác.

Song thực tế, rất ít doanh nghiệp FDI đánh giá tay nghề lao động cao hay chuỗi cung ứng trong nước có đủ năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam. Nhưng dù thực tế là vậy, chúng ta vẫn có thể kỳ vọng ở tương lai.

Theo Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam gần đây tăng thêm 1,5 triệu người mỗi năm và có gần 1/4 dân số Việt Nam đạt ngưỡng tầng lớp trung lưu. 3/4 dân số đất nước hiện nay ở dưới tuổi 35 cho thấy sức mua của người dân là rất dồi dào. Đây là điều mà bất kỳ doanh nghiệp hay nhãn hàng nào đều mong muốn. Bên cạnh đó, hơn 15 hiệp định FTA dù mang lại nhiều thách thức, cũng là một lợi thế của Việt Nam mà ít nền kinh tế nào có được. Những lợi thế đó phải được tận dụng hiệu quả, để doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này và vươn lên tầm cao của chuỗi sản xuất, bằng cách kết nối với nhau, hợp tác với nhau để đi xa hơn, bền vững hơn.

V.Chương

Bạn đang đọc bài viết TS.Trần Khắc Tâm: “Đừng mải mê 'đánh bắt xa bờ' mà bỏ quên thị trường nội địa". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới