Chủ nhật, 24/11/2024 10:04 (GMT+7)
Thứ bảy, 02/10/2021 14:30 (GMT+7)

Tủ lạnh có thực sự là 'thủ phạm' gây thủng tầng ozone?

Theo dõi KTMT trên

Ngày nay, tủ lạnh đã có mặt trong hầu hết các gia đình trên thế giới. Tủ lạnh đem lại nhiều tiện lợi và niềm vui cho mọi gia đình. Nhưng tủ lạnh lại đang được cho là một trong những "thủ phạm" gây thủng tầng ozone?

Tủ lạnh có rất nhiều công dụng và tiện lợi đối với con người. Nhưng liệu sức khỏe của con người và môi trường có bị ảnh hưởng bởi đồ dùng này hay không? Và hơn hết, tủ lạnh có thực sự là "thủ phạm" gây thủng tầng ozone như nhiều người vẫn nghĩ hay không?

Theo các nhà khoa học, trước tiên chúng ra cần tìm hiểu sơ bộ nguyên lý của tủ lạnh. Phần đáy tủ lạnh có lắp một máy nén, khi máy nén làm việc, khí freon nóng lên dưới áp suất cao, khí freon bị nén nóng được đưa vào bộ phận làm lạnh.

Do nhiệt độ lạnh bên ngoài tác động, khí freon biến thành thể lỏng, chất lỏng này chảy xuống qua một hệ thống nhiều dàn ống nhỏ (giảm áp suất và giảm nhiệt), sau đó chảy vào hộp bốc hơi. Ở đây chất lỏng freon tiếp thu nhiệt lượng của không khí và thực phẩm trong tủ lạnh và chuyển sang thể khí. Khí freon lại được máy nén và tuần hoàn theo chu kỳ kể trên. Vòng tuần hoàn khí freon chính là quá trình làm lạnh của tủ lạnh.

Tủ lạnh có thực sự là 'thủ phạm' gây thủng tầng ozone? - Ảnh 1
Tủ lạnh là vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình. 

Vì vậy khi tủ lạnh làm việc, ta thường nghe thấy động cơ máy nén phát ra âm thanh rì rì, tiếng chất lỏng chảy róc rách, nếu sờ vào giàn ống màu đen phía sau tủ lạnh sẽ thấy rất nóng. Ðể giàn ống này nhanh tỏa nhiệt, ta cần để tủ lạnh cách xa tường.

Có thể thấy, tủ lạnh hoạt động và làm lạnh được là nhờ quá trình tuần hoàn chất làm lạnh. Trên thế giới hiện có khoảng gần 100 chất làm lạnh, nhưng phổ biến nhất là chất freon 12 (viết tắt là F12).

Freon là tên thương phẩm của hợp chất hydrocacbon halogen chứa flo và clo. Khí freon 12 không màu, không mùi. Khi nồng độ chất khí này trong không khí là 20%, con người sẽ không cảm nhận thấy. Tuy nhiên, nếu tăng lên 80%, nồng độ khí cao sẽ khiến con người ngạt thở và tử vong.

Bên cạnh đó, khí freon 12 không cháy, không nổ, tính chất hóa học ổn định, vì vậy nó được chọn làm chất làm lạnh cho tủ lạnh. Nhưng freon 12 có khả năng thẩm thấu rất mạnh, dễ lọt ra ngoài qua những khe hở cực nhỏ. Do không màu, không mùi nên khi freon 12 lọt ra ngoài không thể phát hiện được. Khi gặp lửa có nhiệt độ trên 400 độ C, freon 12 sẽ phân giải thành chất khí phosgene (COCl2). Khí phosgene rất độc hại đối với cơ thể con người.

Đáng chú ý, khí freon 12 sau khi lọt ra khí quyển sẽ gây tác hại rất lớn tới môi trường. Theo đó, nó sẽ phá vỡ kết cấu tầng ozone trong khí quyển, khiến tầng ozone bị loãng, thậm chí bị thủng, các tia tử ngoại, tia vũ trụ sẽ chiếu thẳng xuống Trái Đất phá hoại điều kiện môi trường sinh tồn của loài người.

Do đó, các nhà khoa học đang nghiên cứu sản xuất chất làm lạnh thay cho khí freon 12, hoặc nghiên cứu chế tạo loại tủ lạnh không dùng loại khí này như tủ lạnh bán dẫn, tủ lạnh hấp thụ, tủ lạnh điện tử... Vì vậy, để bảo vệ tầng ozone - mái nhà của Trái Đất khỏi bị phá hoại, chất làm lạnh của tủ lạnh sẽ được thay thế, nhưng tủ lạnh vẫn mãi là người bạn tuyệt vời của chúng ta.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tủ lạnh có thực sự là 'thủ phạm' gây thủng tầng ozone?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới