Tự ý điều trị sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm tới tính mạng
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân thường gặp sai lầm khi tự ý điều trị sốt xuất huyết, chỉ đến khi người bắt đầu li bì, mệt mỏi mới nhập viện thì bệnh đã nặng hơn.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân thường gặp sai lầm khi tự ý điều trị sốt xuất huyết, chỉ đến khi người bắt đầu li bì, mệt mỏi mới nhập viện thì bệnh đã nặng hơn. Một trong những trường hợp điển hình là bệnh nhân Tạ Quang B (Hoàng Mai, Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Theo các bác sĩ, anh B. tự uống thuốc kháng sinh và hạ sốt, kết quả phải nhập viện cấp cứu với triệu chứng xuất huyết chân răng, men gan cao bất thường, tiểu cầu giảm,…
Theo TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, trong đợt cao điểm của dịch sốt xuất huyết vừa qua, đội ngũ bác sĩ đã gặp khá nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện trong tình trạng bệnh trở nặng, có những ca bệnh bị suy thận và tổn thương gan do nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết như: Tự ý uống thuốc hạ sốt một cách dồn dập, uống thuốc aspirin và ibuprofen để hạ sốt dẫn đến hiện tượng chảy máu trầm trọng, thậm chí là xuất huyết dạ dày dữ dội, đe doạ đến tính mạng; Truyền dịch tại nhà có thể dẫn tới phù nề, suy hô hấp; Dùng kháng sinh trị sốt xuất huyết.
Người bệnh không nên tự ý điều trị sốt xuất huyết để tránh nguy hiểm tới sức khoẻ - Ảnh: TTXVN. |
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp – BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng khuyến cáo, việc tự ý truyền dịch khi bị sốt xuất huyết là vô cùng nguy hiểm, bệnh nhân cần lưu ý chỉ truyền dịch khi được bác sĩ chỉ định và phải truyền ở cơ sở y tế. “Sau giai đoạn thoát dịch ở bệnh nhân SXH là giai đoạn tái hấp thu trở lại nên việc truyền dịch cần đảm bảo đúng liều lượng và hết sức thận trọng, nếu không dễ dẫn đến biến chứng suy tim, phù phổi cấp…” - BS Cấp nhấn mạnh.
Đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ khuyến cáo một số trường hợp do cha mẹ lo lắng quá nên cho con uống thuốc hạ sốt bằng paracetamol một cách dồn dập, rồi lại dùng inbuprofen khiến trẻ phải nhập viện để cấp cứu. Cũng có nhiều trường hợp cha mẹ chủ quan nên để con sốt tới 3 đến 4 ngày mới đưa đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, tiểu cầu giảm mạnh, bị xuất huyết chân răng, mũi.
Bệnh sốt xuất huyết đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Do vậy, các bậc phụ huynh nên quan tâm sát sao tới sức khoẻ của con mình, nếu có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể, cần nhận biết đúng bệnh và đi khám, điều trị kịp thời. Nếu không được phát hiện và điều trị sốt xuất huyết kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hại như sốc, xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết não, truỵ tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.
Nguyễn Vân