Ứng phó với hạn hán là vấn đề ưu tiên trong phát triển và hợp tác quốc gia
Tại Hội nghị COP27, các nhà lãnh đạo từ gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế đã mắt Liên minh quốc tế ứng phó với hạn hán, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo đặt khả năng chống chịu hạn hán làm vấn đề ưu tiên trong phát triển và hợp tác quốc gia.
Hạn hán vào mùa hè có thể gia tăng gấp 20 lần
Báo cáo mới đây của World Weather Attribution - Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cho biết, cho tới thời điểm này có thể khẳng định hạn hán năm 2022 đã “đi vào lịch sử”.
Hạn hán làm khô cạn các con sông lớn, phá hủy mùa màng, gây cháy rừng, đe dọa các loài thủy sinh và gây ra tình trạng khan hiếm nước ở châu Âu. Nó tấn công miền Tây nước Mỹ, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khô hạn, nhưng cũng xảy ra ở những nơi hiếm gặp hạn hán hơn, như Đông Bắc nước này. Trung Quốc cũng vừa trải qua mùa hè khô hạn nhất trong vòng 60 năm, khiến con sông Dương Tử có lượng nước thấp đến mức chỉ bằng một nửa chiều rộng bình thường của nó.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu không có sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu, thì mức độ hạn hán như vậy sẽ chỉ xuất hiện 400 năm một lần. “Nếu tình hình không được cải thiện, nhiều khả năng nó sẽ lặp lại 20 năm một lần” - ông Maarten van Aalst, người tham gia nhóm nghiên cứu cho biết. Bên cạnh đó, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,8 độ C, tình trạng hạn hán như năm 2022 sẽ xảy ra 10 năm một lần ở Tây Trung Âu và Bắc bán cầu. Hạn hán ở Tây và Trung Âu có khả năng cao hơn ít nhất 3-4 lần do hệ thống sưởi toàn cầu.
Kết quả phân tích phức tạp và chưa chắc chắn, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, các ước tính trong nghiên cứu là thận trọng, khi ảnh hưởng thực sự từ các hoạt động của con người có thể còn cao hơn.
Trên thực tế, đợt hạn hán tàn khốc do nắng nóng kỷ lục năm 2022 đã lan ra gần một nửa đất nước Trung Quốc, tới cả cao nguyên Tây Tạng vốn lạnh giá. Còn Bộ Nông nghiệp nước này cho biết có thời gian nhiệt độ cao liên tục dài, vượt qua kỷ lục được ghi nhận cách đây hơn 60 năm. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu vực sông Dương Tử, trải dài từ duyên hải Thượng Hải đến tỉnh Tứ Xuyên (vùng Tây Nam Trung Quốc). Đây là khu vực sinh sống của hơn 370 triệu người và có một số trung tâm sản xuất, bao gồm siêu đô thị Trùng Khánh.
Còn tại châu Âu, “mùa hạn hán” năm nay đã khiến 17% diện tích châu lục phải đặt trong tình trạng báo động đỏ, tức là ở mức độ thiếu nước trầm trọng. Schneider - nông dân ở thành phố Gruendau (Đức), cho biết: “Không đủ mưa nên bắp ngô năm nay rất nhỏ. Chúng tôi mất tới 50% sản lượng thu hoạch”.
Đông Phi là khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng nhất thế giới, theo cơ quan chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc. Tháng 9 vừa qua chứng kiến Somalia bị tàn phá bởi đợt hạn hán đáng báo động nhất trong hơn nửa thế kỷ qua khi người dân phải rời bỏ nhà cửa và động vật cũng không còn nơi trú ngụ. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, hàng nghìn người Somalia đã thiệt mạng, trong đó có gần 900 trẻ em dưới 5 tuổi.
Tình trạng hạn hán cũng được thể hiện rất rõ ở Italy, Đông Nam và Tây Bắc nước Pháp, miền Đông nước Đức, miền Nam Na Uy và các vùng rộng lớn khác của khu vực Balkan. Thực tế cho thấy sản lượng ngũ cốc, ngô, đậu nành và hạt hướng dương của EU năm nay thấp hơn 12% so với mức trung bình 5 năm qua.
Tại Việt Nam, mùa khô những năm gần đây, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra ở các địa phương vùng ĐBSCL. Đơn cử thời điểm giữa mùa khô 2021 - 2022, nước mặn từ biển theo các kênh rạch xâm nhập sâu vào nội đồng các huyện Long Phú, Trần Đề, Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) với nồng độ mặn rất cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Thực tế 5 năm qua, hiện tượng ngập lụt, sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Xâm nhập mặn, hạn hán gây thiệt hại nghiêm trọng đến nuôi trồng, sản xuất và chế biến nông sản cũng như nhiều mặt đời sống của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL nói chung và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ra mắt Liên minh quốc tế ứng phó với hạn hán
Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ hai Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra ngày 7/11, các nhà lãnh đạo từ gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế đã mắt Liên minh quốc tế ứng phó với hạn hán.
Theo đó, Liên minh được thành lập theo đề xuất của Senegal và Tây Ban Nha. Đây được xem là một trong những giải pháp cụ thể của Liên hợp quốc nhằm giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
Liên minh trên sẽ được củng cố với các cam kết chính trị mới, trong đó bao gồm quỹ khởi đầu trị giá 5 triệu euro (5,01 triệu USD) do Tây Ban Nha công bố, nhằm hỗ trợ các hoạt động và thúc đẩy quá trình huy động thêm nguồn lực cho chương trình nghị sự này. Đồng thời cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo đặt khả năng chống chịu hạn hán làm vấn đề ưu tiên trong phát triển và hợp tác quốc gia, trong đó bao gồm cả việc tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, chẳng hạn như khu vực tư nhân.
Trong tuyên bố chung, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Tổng thống Senegal Macky Sall nêu rõ: "Nhiệm vụ của liên minh là tạo động lực chính trị để giúp đất đai trên thế giới có khả năng phục hồi tốt hơn trước hạn hán và biến đổi khí hậu."
Trong khi đó, ông Ibrahim Thiaw - Thư ký điều hành Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa - cho biết: "Hạn hán là hiểm họa tự nhiên, nhưng không nhất thiết sẽ dẫn đến thảm họa cho con người. Các giải pháp đều có sẵn và chúng ta có thể tạo ra thế giới chống lại hạn hán bằng cách gia tăng tham vọng, khai thác ý chí chính trị và hợp lực trong hành động."
Theo tuyên bố, một trong số những mục tiêu chính của liên minh là thúc đẩy hợp nhất các sáng kiến khu vực, nhằm chia sẻ nhanh chóng việc đổi mới, chuyển giao công nghệ và huy động các nguồn lực.
Liên minh cũng sẽ hợp tác với các nền tảng khác, bao gồm sáng kiến do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổ chức Khí tượng Thế giới đưa ra, nhằm đạt được mức độ bao phủ toàn diện của các hệ thống cảnh báo sớm và các sáng kiến khu vực, nhằm đạt được những lợi ích tối đa khi cùng hợp tác về khả năng chống chịu hạn hán.
Lan Anh