Ung thư phổi có di truyền cho thế hệ sau không?
Ung thư phổi là bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở người hay hút thuốc hoặc người thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại. Nhiều người thắc mắc ung thư phổi có lây không? Bệnh ung thư phổi có di truyền cho thế hệ sau không?
Bệnh ung thư phổi không phải là bệnh lây nhiễm nhưng lại có khả năng di truyền. Những người có người thân trong gia đình mắc ung thư phổi có khả năng mắc bệnh cao hơn người bình thường. Đó chính là lý do người thân của bệnh nhân mắc ung thư phổi thường được khuyên nên làm các xét nghiệm tầm soát ung thư định kỳ.
Người thân của bệnh nhân mắc ung thư phổi thường được khuyên nên làm các xét nghiệm tầm soát ung thư định kỳ - Ảnh minh họa. |
Như vậy, bệnh ung thư phổi không lây từ người này sang người khác. Người bị mắc ung thư phổi không phải là nguồn lây nhiễm, không có khả năng truyền bệnh ra môi trường xung quanh. Nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi là do:
- Hút thuốc lá: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi vì các chất độc hại trong thuốc lá sẽ làm tổn hại đến các tế bào phổi, dần dần làm cho các tế bào này trở thành ung thư.
- Hút thuốc lá thụ động: Những người thường xuyên hít phải khói thuốc có nguy cơ ung thư phổi cao hơn những người khác.
- Ô nhiễm không khí: Các nhà khoa học đã tìm ra sự tương quan giữa bệnh ung thư phổi và việc tiếp xúc với một số chất gây ô nhiễm không khí. Ví dụ, một số sản phẩm phụ được tạo ra do quá trình đốt dầu diesel và nhiều nguyên liệu hóa thạch khác như: Radon (là chất khí phóng xạ có đặc điểm: không màu, không mùi, không vị, không nhìn thấy bằng mắt thường. Ở tự nhiên, chúng thường tồn tại trong sỏi và đá, có thể gây hại cho phổi và dẫn tới ung thư phổi. Người làm việc trong hầm mỏ có nguy cơ tiếp xúc với khí radon rất lớn); Amiăng (là một nhóm các khoáng chất tồn tại trong tự nhiên ở dạng sợi, thường được sử dụng trong một số ngành công nghiệp. Sợi amiăng dễ bị đứt thành các hạt nhỏ bay lơ lửng trong không khí và bám vào quần áo. Nếu con người hít phải những hạt này thì chúng sẽ cư trú trong phổi và làm tổn thương các tế bào, gia tăng nguy cơ ung thư phổi).
Các nghiên cứu đối với nhóm công nhân thường xuyên tiếp xúc với lượng lớn chất amiăng đã cho thấy, những người này có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 3-4 lần những công nhân khác. Những người làm trong ngành đóng tàu, khai thác và sản xuất amiăng, sản xuất vật liệu cách điện, sửa chữa phanh có nguy cơ tiếp xúc với amiăng cao hơn.
Vì vậy, những đối tượng có các yếu tố nêu trên thì có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất. Phương pháp khám sức khỏe tổng quát là cách tốt nhất giúp gia đình kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi và các bệnh lý ung thư khác.
Bác sĩ sẽ dựa trên các thông tin cơ bản như: Thói quen ăn uống, chế độ sinh hoạt, môi trường sống và làm việc… để đánh giá các mức độ nguy cơ. Nếu xuất hiện một trong các yếu tố nguy cơ nêu trên, bác sĩ sẽ tư vấn cho người khám để tiến hành các xét nghiệm chuyên khoa cần thiết nhằm phát hiện sớm căn bệnh ung thư phổi.
Tường Vy (T/H)