Ưu tiên tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm số dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, không hiệu quả để bảo đảm bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm.
Cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn phục hồi
Cần ưu tiên tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa nhanh, có khả năng giải ngân sớm và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn phục hồi.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 452/CĐ-TTg ngày 22/5/2022 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục rà soát danh mục và khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, nhằm khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư phát triển thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Căn cứ dự kiến danh mục và mức vốn cho từng nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 và mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Điều 3, Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, khẩn trương triển khai, sớm hoàn thành thủ tục đầu tư (phê duyệt chủ trương đầu tư), bảo đảm đúng thời hạn theo yêu cầu tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022;
Trường hợp dự án không hoàn thành thủ tục đầu tư đúng thời hạn quy định sẽ thực hiện cắt giảm, đưa ra khỏi danh mục dự án của Chương trình.
Cắt giảm số dự án chưa thật sự cần thiết để bảo đảm bố trí vốn có trọng tâm
Theo đó, để tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm số dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, không hiệu quả để bảo đảm bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt, kéo dài; ưu tiên tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa nhanh, có khả năng giải ngân sớm và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn phục hồi; các dự án phải bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định.
Cùng với đó, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan trong việc đề xuất danh mục, mức vốn và thông tin, số liệu các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình, bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và hiệu quả đầu tư của dự án.
Về vấn đề này, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết số 43 đã được Quốc hội ban hành từ ngày 11/01/2022, nhưng đến nay Chính phủ mới đề nghị bổ sung dự toán cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, mà chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2 điểm % cho tăng trưởng GDP năm 2022 như Chương trình đã đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản đề nghị bộ, ngành và địa phương rà soát, hoàn thiện danh mục dự án bảo đảm đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải: “Các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn Chương trình Phục hồi đến nay chưa trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vốn, chậm so với yêu cầu. Điều này là do phần lớn các dự án dự kiến bố trí từ nguồn Chương trình là các dự án mới, cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Sau khi có đủ điều kiện theo quy định mới có cơ sở để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bố trí vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15”.
Bùi Hằng