Chủ nhật, 24/11/2024 11:12 (GMT+7)
Thứ năm, 24/08/2023 17:35 (GMT+7)

Vấn nạn kích điện bắt giun đất: Nhiều địa phương bắt tay “hành động”

Theo dõi KTMT trên

Kích điện bắt giun đất là vấn đề nóng trong thời gian vừa qua. Trước những ảnh hưởng về kinh tế và môi trường, nhiều địa phương đã có những hành động quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này.

Hoà Bình xử phạt tới 150 triệu đồng   

Tại Hoà Bình, điểm nóng của vấn nạn kích điện bắt giun đất, Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, thành phố và cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn nhận diện các hành vi vi phạm. Tăng cường kiểm tra các cơ sở mua bán, sơ chế giun trên địa bàn. Sở cũng chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất quy trình nuôi, sơ chế giun đất đảm bảo bảo vệ môi trường. 

Vấn nạn kích điện bắt giun đất: Nhiều địa phương bắt tay “hành động” - Ảnh 1
Nhiều biện pháp được đưa ra để ngăn chặn nạn kích điện bắt giun đất. Ảnh: QT

Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình đưa ra các chế tài xử phạt theo từng hành vi. Căn cứ vào điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 ha. 

Diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha, sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha.

Nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 ha đến dưới 01 ha, sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 60.000.000 đồng. Diện tích đất bị hủy hoại từ 1 ha trở lên sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đến 150.000.000 đồng. Đối với trường hợp gây ô nhiễm thì xử phạt theo quy định hiện hành. 

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu các ban ngành tăng cường kiểm tra quản lý để kịch thời phát hiện các đối tượng kích điện, sơ chế giun. Cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý cơ sở chế biến giun gây ô nhiễm môi trường, điều tra nguồn gốc máy kích điện và xử lý nghiêm khi có đủ bằng chứng. Đưa hành vi kích điện bắt giun đất trái phép vào quy ước xóm để người dân ý thức được tầm quan trọng của vấn đề. 

Tại một số địa phương, để ngăn chặn hành vi kích điện bắt giun đất, UBND xã  còn thành lập Tổ xung kích. Từ đó đến nay, trên địa bàn không còn lò sấy nào hoạt động, nạn kích điện bắt giun gần như được loại bỏ hoàn toàn. 

Bắc Giang tiến hành giữ máy kích giun

Tính đến ngày 8/8, toàn tỉnh Bắc Giang đã phát hiện 9 cơ sở sơ chế và 26 đối tượng tham gia cùng 30 bộ máy kích điện. Trong đó lập biên bản vi phạm với 8/26 trường hợp, thu giữ 4/30 bộ kích điện. Ngày 22/8, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan vận động người dân không tham gia vào sơ chế và thu mua giun đất. Đưa ra các giải pháp giúp người dân canh tác đất, tạo môi trường thuận lợi cho giun phát triển như sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học,... 

Vĩnh Phúc ban hành công văn hoả tốc

UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 14/8 có Công văn hỏa tốc số 6456/UBND-NN1 để tăng cường phát hiện, kiểm tra và ngăn chặn các cá nhân tổ chức sử dụng máy kích điện để bắt giun đất tự nhiên. Trong đó công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở NN&PTNT, Sở Tư pháp nghiên cứu, hướng dẫn cách nhận dạng các hành vi gây ô nhiễm môi trường, phá hoại đất do sử dụng máy kích điện bắt giun gây ra và áp dụng xử lý theo quy định hiện hành. 

Công văn nhấn mạnh “Việc sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất tự nhiên là hoạt động nguy hại, vi phạm quy định của pháp luật, gây ra rất nhiều hậu quả như tận diệt giun và các vi sinh vật có ích khác trong đất, gây mất cân bằng hệ sinh thái, phá vỡ sự đa dạng sinh học, hủy hoại môi trường đất, làm ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất và gây thoái hóa đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng”.

Lào Cai xử phạt lò sấy gây ô nhiễm 

Trong đợt kiểm tra đột xuất 7 lò sấy giun tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, cơ quan điều tra đã phát hiện một cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đường ống thải được ngụy trang dưới những tác cây khô và dẫn thẳng ra sông suối gần đó. Ngay sau đó cơ quan chức năng đã lập biên bản và tạm thu một số máy kích giun. Đồng thời công an đã lấy mẫu nước thải để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường. 

Cũng tại huyện Si Ma Cai, thời gian gần đây huyện đã thu giữ một số máy kích giun không rõ nguồn gốc, gắn tem mác Trung Quốc. Tuy nhiên vì chưa có chế tài xử phạt nên mới chỉ dừng lại ở việc thu giữ để răn đe. Song song với đó huyện Si Ma Cai đã đến từng xã tuyên truyền đến người dân, chủ động nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các đối tượng đi kích giun. 

Thiếu căn cứ xử lý 

Hiện nay có thể thấy các địa phương mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt là tịch thu máy kích điện và phạt tiền. Công an và cơ quan chức năng còn gặp nhiều lúng túng trong việc “bắt đúng người xử đúng tội”. Bởi theo Luật bảo vệ môi trường mới có quy định xử phạt đối với việc khai thác, đánh bắt, mua bán và vận chuyển động vật quý hiếm. Đối với các động vật khác như giun đất thì chưa có chế tài cụ thể.

Vấn nạn kích điện bắt giun đất: Nhiều địa phương bắt tay “hành động” - Ảnh 2
Máy kích điện được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. 

Theo ông Nguyễn Việt Xuân, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, việc kích vào đất dòng điện lớn sẽ khiến các loài giun và vi sinh vật trong lòng đất chết, gây tác hại cho đất, khiến cây trồng bị hỏng rễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây, không nên vì lợi ích trước mắt mà tận diệt chúng.

“Giun đất không phải động vật quý hiếm. Do đó, nếu thị trường thực sự có nhu cầu ổn định, lâu dài thì đây cũng có thể là một hướng phát triển kinh tế mới, đa dạng giá trị từ đất. Người dân có thể xây dựng các khu nuôi tập trung để khai thác và bán ra thị trường. Tiến tới đẩy lùi và ngăn chặn hành vi kích điện tận diệt giun đất, ảnh hưởng đến môi trường đất và cây trồng. Về lâu dài cần sớm có chế tài rõ ràng để xử phạt hành vi này”, bà Xuân nêu quan điểm.

Những bài học trong buôn bán những nông sản “lạ đời” với thương lái Trung Quốc vẫn còn nguyên giá trị. Liệu giun đất có rơi vào số phận “triệt tận gốc” như đã từng diễn ra với những cách mua của thương lái Trung Quốc từ lá sắn, ngọn khoai lang, lá vải, cam non, hoa thanh long. Đặc biệt là vụ thu mua đỉa, đến khi người nông dân đâu đâu cũng nuôi đỉa, thương lái trong nước thu gom cả ngàn tấn đỉa mà chẳng thấy bóng thương lái Trung Quốc trở lại mua... Hơn ai hết, chính người dân, thương lái Việt phải tỉnh táo để không phải rơi vào bẫy.

Phạm Huyền (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Vấn nạn kích điện bắt giun đất: Nhiều địa phương bắt tay “hành động”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới